(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, các vụ án về phân chia di sản thừa kế có chiều hướng gia tăng. Có nhiều vụ anh em ruột thịt cãi nhau, đánh nhau, thậm chí dẫn đến án mạng, vướng vào vòng lao lý vì tranh chấp tài sản, đất đai do bố mẹ để lại, làm mất đi tình cảm, hòa khí trong gia đình. Một trong những nguyên nhân là do cha mẹ trước khi qua đời không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phân chia di sản thừa kế - nên rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu

Phân chia di sản thừa kế - nên rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu

Khi giá trị đất tăng thì dễ xảy ra tranh chấp quyền thừa kế (ảnh có tính chất minh họa).

Những năm gần đây, các vụ án về phân chia di sản thừa kế có chiều hướng gia tăng. Có nhiều vụ anh em ruột thịt cãi nhau, đánh nhau, thậm chí dẫn đến án mạng, vướng vào vòng lao lý vì tranh chấp tài sản, đất đai do bố mẹ để lại, làm mất đi tình cảm, hòa khí trong gia đình. Một trong những nguyên nhân là do cha mẹ trước khi qua đời không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp.

Mảnh đất... mất tình thân

Tháng 11-2019, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế” giữa bà H. và bà N. ở huyện Đông Sơn.

Trình bày tại phiên tòa, bà H. cho biết: Bố mẹ bà sinh được 7 người con, gồm 2 người con trai và 5 người con gái, trong đó có một người anh trai đã hy sinh. Vào các năm 2002, 2008 bố mẹ bà H. qua đời để lại 1 mảnh đất có tổng diện tích 530m2. Theo bà H., năm 2007, khi bố bà còn sống đã cùng các con trong gia đình đã họp và thống nhất tặng cho bà H. quyền sử dụng 200m2 đất, trong đó có 100m2 đất ở, 100m2 đất vườn. Sau khi được tặng đất, bà H. đã làm đầy đủ các thủ tục kê khai, tách thửa và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Năm 2008, UBND huyện Đông Sơn đã cấp GCNQSDĐ cho bà H. Diện tích đất còn lại 311m2 mang tên bố bà H.

Sau khi bố bà H. mất, toàn bộ diện tích đất và nhà do bà N. (em dâu bà H.) quản lý, sử dụng. Năm 2014, bà N. xây dựng nhà và các công trình phụ sang một phần đất của bà H. nên bà H. khởi kiện ra tòa yêu cầu bà N. trả lại đất. Vì mảnh đất đang có tranh chấp nên năm 2017, Tòa án Nhân dân huyện Đông Sơn đã xử hủy GCNQSDĐ cấp cho bà H., đồng thời không chấp nhận đơn của bà H. về việc buộc bà N. trả lại cho bà H. 32,4m2 đất. UBND huyện Đông Sơn cũng thu hồi 2 GCNQSDĐ cấp cho bố bà H. và bà H. Công nhận và giữ nguyên GCNQSDĐ cấp cho bố bà H. từ năm 1994.

Nay bà H. đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của bố mẹ gồm căn nhà cấp 4, xây dựng từ năm 1986 không còn giá trị sử dụng trên thửa đất rộng 530m2, trong đó chia cho bà H. 200m2 phần đất mà bố bà H. đã cho năm 2007, phần còn lại chia đều cho các đồng thừa kế.

Trình bày tại phiên tòa hòa giải, bà N. cho biết: Bà là con dâu duy nhất trong gia đình. Từ khi cưới đến khi chồng bà chết (năm 2002) bà vẫn ở trên mảnh đất của bố mẹ chồng. Tuy phải đi làm xa nhà nhưng tất cả công việc trong gia đình chồng đều do bà và các chị chồng gánh vác trọng trách. Năm 2008, bố chồng bà N. lập di chúc để lại cho con trai bà N. 4 gian nhà và số diện tích đất còn lại. Năm 2014, bà N. xây dựng nhà và công trình phụ trên đất. Bà không biết gì về việc bố chồng cho bà H. đất và diện tích cụ thể là bao nhiêu, ranh giới thế nào bà cũng không biết. Tại sao bố mẹ chồng bà có 5 người con còn sống nhưng chỉ có bà H. được bố chồng cho đất. Bà N. không nhất trí yêu cầu của bà H. đòi chia 200m2 đất vì GCNQSDĐ của bà H. đã bị hủy và thu hồi. Nếu bà H. cố tình đòi thì đề nghị tòa án xem xét hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất 200m2 giữa bà H. và bố chồng bà. Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, bà N. xin rút yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc. Đề nghị tòa án chia theo pháp luật nhưng để nguyên đất và nhà thờ để làm nơi thờ cúng.

Tại phiên tòa, chị em gái bà H. và các cháu (là những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất và thừa kế thế vị) đều không nhất trí việc chia cho bà H. 200m2 đất. Họ thống nhất không yêu cầu phân định rạch ròi phần của từng người mà tuyệt đối phải giữ nguyên đất và nhà thờ. Phần của bà H. được chia đề nghị tính trị giá bằng tiền vì bà H. đã có nơi ăn chốn ở ổn định. Hơn nữa, diện tích đất bà H. được chia không đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ. Mục đích của các đương sự đều nhất trí giữ nguyên đất để bảo tồn di sản, đề nghị tòa án tôn trọng tâm nguyện của các đương sự.

Vì các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án của phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm nên vụ việc kéo dài từ năm 2015 đến năm 2019 mới được giải quyết. Theo đó, tình cảm chị em, con cháu trong gia đình, anh em họ hàng cũng từ đó rời xa nhau, khó có thể “hóa giải” được.

Trên đây là một trong rất nhiều vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa anh em ruột trong gia đình, anh em họ hàng kiện nhau đòi chia tài sản thừa kế do ông bà, cha mẹ để lại mà các cấp tòa án xét xử trong những năm qua.

... Và trăn trở của người phân xử

Là người tham gia xét xử nhiều vụ án tranh chấp đất đai hay thừa kế có yếu tố gia đình, Thẩm phán Lê Thị Hương, Chánh tòa Dân sự Tòa án Nhân dân tỉnh, cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án giải phóng mặt bằng, theo đó giá trị đất tăng cao dẫn đến việc phát sinh mâu thuẫn giữa anh em họ hàng, ruột thịt ngày càng nhiều. Có những vụ án, khi đến tòa phân xử, tình cảm anh, chị em trong gia đình không thể hàn gắn được nữa. Bởi, mâu thuẫn của họ từ khi manh nha đến khi cùng nhau ra tòa đã từ rất lâu. Họ đã bỏ qua hết tất cả những điều tiếng dị nghị trong gia đình, hàng xóm, bạn bè và dư luận nên những vụ án tranh chấp thừa kế rất khó hòa giải.

Điển hình như vừa qua, chúng tôi xét xử xong một vụ án tranh chấp thừa kế tài sản giữa 2 chị em ruột trong gia đình, cả 2 đều thuê luật sư tranh cãi tại tòa. Mỗi lần xét xử xong vụ án như vậy chúng tôi thấy buồn vô cùng, bởi nhận thấy tình cảm chị em ruột thịt trong gia đình không còn. Cũng không ít vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản mà phải quyết án hình sự vì cố ý gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản liên quan đến tài sản của bố mẹ để lại.

Nói chung là xét xử những vụ án tranh chấp thừa kế tài sản, nhất là đất đai rất phức tạp và mất nhiều thời gian nhất trong số các vụ án dân sự. Có vụ án đòi tài sản quyền sử dụng đất mất hơn 20 năm cứ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm đến 4 - 5 lần mới giải quyết được.

Theo Thẩm phán Lê Thị Hương, nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp đất đai trong thân tộc, gia đình là do người dân chưa có sự rõ ràng, rạch ròi trong việc phân chia, thừa kế, tặng cho, chuyển đổi tài sản; không tuân thủ pháp luật về hình thức và nội dung nên sau khi được cha mẹ tặng, cho không làm đúng các thủ tục theo quy định, dẫn đến việc bố mẹ có để lại di chúc nhưng một trong số những người con trong gia đình không đồng ý với di chúc hoặc có lập di chúc nhưng di chúc đó không đúng trình tự và quy định của pháp luật nên không hợp pháp.

“Vẫn biết, việc phân chia di sản thừa kế là một việc tế nhị trong mỗi gia đình. Nhưng hiện nay rất nhiều gia đình anh em không đồng thuận, hoặc ngại nên không đưa ra pháp luật, hoặc thiếu kiến thức pháp luật để thực hiện phân chia di sản thừa kế hợp pháp... nên khi mâu thuẫn xảy ra, dẫn đến kết cục không hay. Để tránh tình trạng con cái trong gia đình “nồi da xáo thịt”, khi bố mẹ còn đủ minh mẫn hãy phân chia tài sản khi lập di chúc có sự tư vấn pháp luật của luật sư, văn phòng công chứng, có sự đồng thuận của các bên trong việc nhận diện các quyền lợi của mình trong bản di chúc. Nếu di chúc hợp pháp thì khi xảy ra tranh chấp, tòa án hoặc các cơ quan khác có thể công bố di chúc và thực hiện theo đúng di chúc là được. Còn nếu di chúc không hợp pháp, khi có tranh chấp về tài sản thì bắt buộc tòa án phải áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự về trình tự lập di chúc để xem xét chia tài sản theo quy định của pháp luật” - Thẩm phán Lê Thị Hương nhấn mạnh.

Tô Dung


Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]