(Baothanhhoa.vn) - Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt theo tên tiếng Anh là UNCAT 1984) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10-12-1984, có hiệu lực từ ngày 26-6-1987.

Những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn

Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt theo tên tiếng Anh là UNCAT 1984) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10-12-1984, có hiệu lực từ ngày 26-6-1987.

UNCAT 1984 được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhất hiện nay về chống tra tấn, được sử dụng như một quy định tham chiếu chung trong luật nhân quyền và luật hình sự quốc tế khi đề cập đến vấn đề tra tấn. Ngoài thực hiện nghĩa vụ quốc tế, mỗi quốc gia dựa trên tinh thần nhân đạo và bằng biện pháp riêng biệt, cụ thể áp dụng tại quốc gia mình nhằm nỗ lực hơn nữa hoàn thiện pháp luật về quyền con người, loại trừ mọi hình thức tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.

Ngày 28-11-2014, Quốc hội nước ta thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13, phê chuẩn UNCAT 1984. Ngày 17-3-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện UNCAT 1984.

Pháp luật hình sự Việt Nam đã “nội luật hóa”, có những quy định phù hợp với UNCAT 1984 theo tinh thần Nghị quyết số 83/2014/QH13 của Quốc hội.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có những quy định mang tính nguyên tắc nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, như: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, của con người” (Điều 10); “Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân bị xử lý theo pháp luật” (Điều 11); “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng” (Khoản 6 Điều 183). Quy định này nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo.

Ngoài ra, Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: “Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam” (Khoản 3 Điều 4); nghiêm cấm “tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam” (Khoản 1 Điều 8).

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điểm b Khoản 3 Điều 157), “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung” vào tội bức cung (Điểm d Khoản 2 Điều 374); bổ sung hành vi khách quan “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội dùng nhục hình (Khoản 1 Điều 373) theo yêu cầu của UNCAT 1984.

Luật gia HÀ SĨ THẮNG

(Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]