(Baothanhhoa.vn) - Đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm vị thành niên đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của xã hội hiện nay, đòi hỏi những giải pháp phù hợp, hiệu quả từ nhiều phía...

Ngăn chặn tội phạm vị thành niên - cần giải pháp phù hợp

Đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm vị thành niên đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của xã hội hiện nay, đòi hỏi những giải pháp phù hợp, hiệu quả từ nhiều phía...

Những con số báo động

Theo số liệu báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, toàn quốc xảy ra hơn 25.800 vụ phạm pháp hình sự, trong đó thành phần, đối tượng tội phạm có xu hướng trẻ hóa, người phạm tội từ 18 đến 30 tuổi chiếm khoảng 70%, dưới 18 tuổi chiếm 8%, tỷ lệ này cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đa số người phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, con số này chiếm 82%. Đáng chú ý, cả nước xảy ra 108 vụ (tăng 4,8% so với cùng kỳ) các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí, vũ khí trả thù nhau gây rối trật tự công cộng, nhiều vụ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Ở tỉnh ta, theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2013 đến ngày 15-8-2018, đã phát hiện, điều tra làm rõ 475 vụ, 739 đối tượng vị thành niên vi phạm pháp luật, trong đó đáng chú ý là các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như giết người (7 vụ); hiếp dâm, cưỡng dâm (15 vụ); cướp, cưỡng đoạt tài sản (34 vụ). Bên cạnh đó, các vụ trộm cắp tài sản; cố ý gây thương tích; cướp giật tài sản; gây rối trật tự công cộng; tổ chức sử dụng, mua bán và tàng trữ ma túy...

Mới đây nhất, tối ngày 11-8-2018, tại xã Quảng Phú (TP Thanh Hóa), em Nguyễn Đình Thanh (sinh năm 2002) khi tới sân bóng xã Quảng Phú xem diễn văn nghệ hội trại hè của xã, thì xảy ra mâu thuẫn với Nguyễn Nam Bắc (sinh năm 2000) dẫn tới xô xát. Trong lúc xô xát, Bắc bất ngờ rút dao thủ sẵn trong người đâm Thanh trọng thương. Dù nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, nhưng Thanh đã không qua khỏi. Đối tượng Bắc bỏ trốn sau khi gây án nhưng cũng đã bị Công an TP Thanh Hóa bắt giữ ngay ngày hôm sau. Trước đó, thông tin về một học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đâm trọng thương thầy giáo vật lý ở ngay cổng trường chỉ vì bị thầy nhắc nhở xóa hình xăm trên cổ đã khiến xã hội không khỏi bàng hoàng. Vụ án sát hại 5 mạng người trong cùng một gia đình ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 gây xôn xao dư luận. Đối tượng gây án cũng chỉ mới vừa tròn 18 tuổi, nguyên nhân gây án chỉ vì không hài lòng với những lời nói bực tức của bà chủ...

Bàn về nguyên nhân gây nên tình trạng người chưa thành niên phạm tội, luật sư Trần Đại Xuân, Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng: Người chưa thành niên là những người chưa phát triển đẩy đủ về thể chất, nhân cách, tâm sinh lý, trình độ, nhận thức, kinh nghiệm sống còn hạn chế, dễ bị kích động, lôi kéo vào những hoạt động phiêu lưu mạo hiểm. Trong những năm gần đây, các vụ án hình sự do người chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đối tượng phạm tội trong các vụ án thường là do những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, hoặc bỏ mặc con cái, thiếu sự dạy bảo, thiếu tình thương yêu của gia đình, có lối sống lệch lạc, thường tụ tập thành băng nhóm, đa phần những trẻ em này bỏ học, bỏ nhà sống lang thang, nghiện ma túy... Một trong những nguyên nhân nữa là do các em sớm tiêm nhiễm những luồng văn hóa phẩm đồi trụy, mạng xã hội, kích động, bạo lực len lỏi trong xã hội cũng đã tác động, gây hậu quả xấu đối với các em. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có hàng chục vụ án hình sự mà người phạm tội là vị thành niên, từ hành vi gây rối trật tự công cộng đến phạm tội giết người. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi quan trọng trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội...

Tăng cường giáo dục, phòng ngừa

Để tìm hướng giải quyết cho vấn đề người chưa thành niên phạm tội một cách hiệu quả và đồng bộ, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống giáo dục pháp luật tốt, trong đó giáo dục của các tổ chức đoàn thể xã hội, gia đình và nhà trường đóng vai trò cốt lõi. Những năm gần đây, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh ta đã được triển khai dưới nhiều hình thức, các nội dung tập trung vào quyền và nghĩa vụ của thanh thiếu niên, chính sách, pháp luật mới ban hành, nhất là các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, lao động, việc làm, hình sự, ma túy, mại dâm, bảo vệ môi trường, giao thông đường bộ... Riêng trong năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 30-3-2018 về thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”. Mục tiêu của đề án là nhằm nắm bắt, đánh giá đúng nhu cầu, tiếp tục đổi mới nội dung, xây dựng các mô hình điểm, nhân rộng, đa dạng hóa các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả cho từng nhóm đối tượng thanh thiếu niên, đề cao trách nhiệm tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của thanh, thiếu niên. Kế hoạch thực hiện đề án đã phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, bảo đảm việc thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt chất lượng, hiệu quả.

Đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho rằng, hiện nay, cùng với sự bùng nổ của internet, thanh, thiếu niên có cơ hội tiếp cận các vấn đề xã hội ở nhiều góc nhìn khác nhau. Nếu các em không được định hướng, không biết phân biệt thông tin tốt, xấu sẽ rất dễ bị lệch lạc về nhân cách, quan điểm sống dẫn đến những hành vi trái pháp luật. Để hạn chế tình trạng trên cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, trong đó vai trò của tổ chức đoàn rất quan trọng. Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi bổ ích cho thanh, thiếu niên và nhi đồng. Công tác đoàn, đội trong trường học luôn được các cấp bộ đoàn quan tâm đẩy mạnh với nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, qua đó góp phần trang bị cho đoàn viên, thanh niên nền tảng kiến thức vững vàng, kỹ năng sống thiết thực, giúp các em tự tin, chủ động trong học tập và ứng xử trong cuộc sống.

Đặc biệt, đối với lứa tuổi vị thành niên, việc giáo dục về pháp luật, về kỹ năng sống từ chính nhà trường và gia đình là biện pháp tốt nhất để giúp các em bản lĩnh, nhận thức đúng đắn, tránh được những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, internet... từ đó hạn chế và đẩy lùi những hành vi phạm tội. Mỗi bậc phụ huynh cần khéo léo, dành thời gian gần gũi, trò chuyện với con cái để chỉ bảo, định hướng chúng trong học hành, cuộc sống và những mối quan hệ. Trường học cần chú ý nhiều hơn nữa việc trang bị, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em biết tự kiềm chế hành vi, tự điều chỉnh thái độ phù hợp với chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, tránh bị sa vào các hành vi tiêu cực.

Những giải pháp giáo dục của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể xã hội đối với trẻ vị thành niên đã và đang được thực hiện đa dạng, phong phú tại nhiều địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, để những giải pháp này mang lại hiệu quả thiết thực, rõ ràng cần nhiều hơn nữa những hoạt động cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, giúp các em vị thành niên hình thành và phát triển nhân cách, định hướng được tư tưởng, lối sống tích cực và trở thành những người có ích cho cộng đồng.


Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]