(Baothanhhoa.vn) - Núp bóng dưới hình thức tổ chức hội thảo, chương trình giới thiệu sản phẩm kèm theo tặng quà miễn phí, khuyến mại; lợi dụng sự lơi lỏng của chính quyền và các cơ quan chức năng, ngang nhiên tổ chức bán, tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng ngay tại nhà văn hóa. Những hành vi có dấu hiệu lừa đảo cần phải được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Ngăn chặn các thủ đoạn đưa hàng hóa kém chất lượng về nông thôn

Núp bóng dưới hình thức tổ chức hội thảo, chương trình giới thiệu sản phẩm kèm theo tặng quà miễn phí, khuyến mại; lợi dụng sự lơi lỏng của chính quyền và các cơ quan chức năng, ngang nhiên tổ chức bán, tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng ngay tại nhà văn hóa. Những hành vi có dấu hiệu lừa đảo cần phải được ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Người dân xã An Nông kéo lên trụ sở UBND xã yêu cầu làm rõ những dấu hiệu lừa đảo từ hoạt động quảng cáo bán hàng của Công ty CP Truyền thông kinh doanh và Pháp luật.

Nhà văn hóa phố - thôn trở thành nơi bán hàng “dởm”?

Với tâm trạng bức xúc, ông Đỗ Đình T. (thôn Nam Bằng 2, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa) kể lại: Vào dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, một công ty đã được UBND xã chấp thuận về giới thiệu, quảng cáo và bán hàng với sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng tại nhà văn hóa của thôn. Buổi bán hàng được công khai giới thiệu trên loa truyền thanh của xã, ngoài ra các gia đình đều nhận được giấy mời lên dự hội thảo nói trên. Tại buổi bán hàng, nhân viên của doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm, như: Nồi cơm điện, máy xay sinh tố, đồ gia dụng đều là hàng có xuất xứ nước ngoài và hàng Việt Nam chất lượng cao... Với giá cả phải chăng, nồi cơm điện loại to có xuất xứ nước ngoài giá từ 1 triệu đồng trở lên, được khẳng định bảo đảm chất lượng, được bảo hành, lại được tặng kèm quà khuyến mại là bộ dao thái, hoặc một số đồ làm bếp khác. Bà nhà tôi đã mua một nồi cơm điện có giá gần 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi sử dụng được 2 ngày, nồi cơm bắt đầu trục trặc, cơm nấu không ngon như quảng cáo, sau đó là chập chờn, cơm không chín. Sau chưa đầy 1 tuần thì gần như hỏng hẳn. Liên hệ theo số điện thoại bảo hành mà nhân viên công ty cung cấp thì không liên lạc được. Kiến nghị lên UBND xã cũng không có câu trả lời. Nhiều người khác trong thôn cùng mua hàng hôm đấy cũng rơi vào cảnh tương tự, người thì máy xay sinh tố hỏng, một số bộ nồi inox nấu 1-2 lần là cong vênh, ngả màu vàng. Rõ ràng, hàng hóa bán cho chúng tôi là hàng kém chất lượng”.

Không chỉ mình gia đình bác Đỗ Đình T. ở huyện Thiệu Hóa bị lừa mua phải hàng kém chất lượng mà những năm gần đây ở nhiều địa phương các công ty đã lợi dụng việc tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm để bán, tiêu thụ các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa kém chất lượng ngay tại các nhà văn hóa của các khu dân cư, chủ yếu là khu vực nông thôn. Mới đây, ngày 29-7, Công ty CP Truyền thông kinh doanh và Pháp luật (trụ sở ở Hà Nội) đã về xã An Nông (huyện Triệu Sơn) rồi tới các nhà văn hóa thôn giới thiệu và bán các sản phẩm nồi, chảo, bếp ga các loại với giá siêu khuyến mại. Để dễ dàng qua mặt những người dân nghèo, công ty đưa ra đủ các “chiêu trò” nhằm bán được hàng, như: Khi mua hàng người dân sẽ được bốc thăm trúng thưởng sản phẩm, giá trị trúng thưởng bằng hoặc lớn hơn cả sản phẩm vừa mua. Đã có trường hợp bốc thăm trúng thưởng tiền triệu nên người dân đổ xô vào mua các sản phẩm để được bốc thăm, chẳng mấy chốc các sản phẩm của công ty được người dân mua hết. Tuy nhiên, lúc này công ty mới bộc lộ những hành động có dấu hiệu lừa đảo người dân bằng cách không phát phong bì trúng thưởng luôn cho người dân mà để cuối buổi rồi gửi lại cho trưởng thôn nhờ phát cho bà con. Khi người dân nhận phong bì bóc ra thì tá hỏa bên trong chỉ có 100.000 đồng, thậm chí có phong bì chỉ có 50.000 đồng. Nghi ngờ bị công ty lừa, người dân kiểm tra các sản phẩm này thì sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, chất lượng. Nhiều người sau khi đưa về nhà sử dụng mới biết sản phẩm không như giới thiệu, chất lượng rất kém nên biết mình bị lừa đã kéo đến trụ sở UBND xã An Nông yêu cầu chính quyền làm rõ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn TP Thanh Hóa, tình trạng trên cũng diễn ra khá phổ biến tại các nhà văn hóa ở một số phường, như: Phú Sơn, Ngọc Trạo, Đông Thọ...

Ai cấp “giấy thông hành”?

Qua tìm hiểu từ vụ việc tại xã An Nông (Triệu Sơn), được biết Công ty CP truyền thông kinh doanh và Pháp luật đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký văn bản đồng ý cho công ty này tiến hành quảng cáo bằng hình thức treo phướn (dọc), 2 cái/địa điểm, kích thước 0,8m x 2m tại các nhà văn hóa thôn, xã trên địa bàn các huyện, thị, thành phố với thời gian từ ngày 11-7 đến hết ngày 26-8-2018. Công văn này được gửi đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Sau khi có văn bản, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Triệu Sơn có Văn bản số 40/VHTT gửi các xã, thị trấn trên địa bàn: Thực hiện Công văn số 187/SVHTTDL-NVVH ngày 10-7-2018 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đồng ý cho phép thực hiện quảng cáo đối với Công ty CP Truyền thông kinh doanh và Pháp luật. Khi có “bùa hộ mệnh này”, công ty trên đã về các địa phương, trong đó có xã An Nông để thực hiện việc giới thiệu, bán hàng kém chất lượng cho người dân nghèo.

Soi lại các vụ việc tương tự tại một số địa phương khác từ năm 2017 đến nay, được biết các doanh nghiệp quảng cáo, giới thiệu sản phẩm để tổ chức bán hàng tại các nhà văn hóa thôn, phố đều có công văn cho phép thông qua “kênh” của ngành văn hóa. Bên cạnh các văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn có văn bản của phòng văn hóa – thông tin các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, một số vụ việc có sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Hầu hết các doanh nghiệp đều lợi dụng hoạt động quảng cáo như đã đăng ký với cơ quan quản lý là ngành văn hóa, thể thao và du lịch để “tranh thủ” bán hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời có những dấu hiệu lừa đảo, trục lợi bất hợp pháp, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Trong khi đó, các cơ quan như Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường lại gần như “nằm ngoài cuộc”. Chỉ khi mọi chuyện vỡ lở thì sự đã rồi, việc xử lý các vi phạm còn lúng túng, chưa hiệu quả. Ngoài ra, phòng văn hóa – thông tin, UBND cấp phường, xã, thị trấn không có chức năng, chuyên môn để thẩm định nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.

Cần ngăn chặn và xử lý nghiêm

Trước tình trạng biến tướng phức tạp của việc lợi dụng hoạt động quảng cáo để bán, tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng nói trên, liên tục từ năm 2017 đến nay, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động giới thiệu, bán sản phẩm khuyến mại và bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh gửi Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố, trong đó nêu rõ thời gian qua, hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm kèm theo việc bán hàng khuyến mại (tặng quà, giảm giá) cũng như hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh, gây nhiều dư luận xấu trong nhân dân. Một số doanh nghiệp đã giới thiệu không đúng về xuất xứ hàng hóa, khuyến mại, tặng quà... nhằm dụ dỗ người tiêu dùng mua nhiều sản phẩm để được ưu đãi... Hậu quả, người tiêu dùng mua phải sản phẩm, hàng hóa không đúng xuất xứ, chất lượng như giới thiệu. Khi mua về thì bị trục trặc, liên hệ với người bán hàng thì không liên lạc được, hoặc không được bảo hành... Sở Công Thương không cấp giấy phép hoặc giấy xác nhận cho bất kỳ doanh nghiệp nào thực hiện hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm kèm theo bán hàng hóa khuyến mại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn không cho phép tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu sản phẩm tại nhà văn hóa thôn, phố.

Rút kinh nghiệm và “sửa sai” từ những sự việc nổi cộm gần đây, ngay trong tháng 8-2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị các đơn vị kiểm soát chặt chẽ nội dung thông báo quảng cáo, không chấp thuận cho các tổ chức, doanh nghiệp giới thiệu và bán sản phẩm tại nhà văn hóa, trong khu di tích, danh thắng trên địa bàn. Nếu phát hiện có vi phạm đề nghị xử lý nghiêm và báo các cấp có thẩm quyền. Các địa phương đều ban hành các văn bản yêu cầu không cấp phép, đồng thời hủy nhiều văn bản đã cấp phép cho hoạt động quảng cáo, bán hàng nói trên, đặc biệt nghiêm cấm tổ chức tại các nhà văn hóa. Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường hiện đang phối hợp với các địa phương, các ngành tiến hành kiểm tra, làm rõ đối với những vụ việc nổi cộm, tùy mức độ vi phạm để xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể có liên quan.

Rõ ràng, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng hoạt động quảng cáo bán hàng kém chất lượng cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương. Ngoài ra, bản thân người dân cũng cần tỉnh táo, cảnh giác trước khi mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]