(Baothanhhoa.vn) - Xe máy chở 3 - 4 người, không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, thậm chí điều khiển phương tiện khi trong người có rượu, bia... đó là những hình ảnh vi phạm Luật Giao thông đường bộ đáng báo động hiện nay trong các đám cưới. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường xử phạt nhưng vẫn chưa chấm dứt tình trạng trên.

Không thể mãi làm ngơ!

Xe máy chở 3 - 4 người, không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, thậm chí điều khiển phương tiện khi trong người có rượu, bia... đó là những hình ảnh vi phạm Luật Giao thông đường bộ đáng báo động hiện nay trong các đám cưới. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường xử phạt nhưng vẫn chưa chấm dứt tình trạng trên.

Anh Nguyễn Minh Quang – một lái xe tải đường dài ở huyện Đông Sơn, cho biết: Cách đây chưa đầy một năm, trong chuyến vận chuyển hàng hóa lên các huyện phía Tây, khi xe của anh Quang đi tới địa phận xã Pù Nhi (Mường Lát) thì gặp một đám cưới trên đường. Mặc dù đã chủ động giảm tốc độ vì đoàn rước dâu đang đi ở đoạn đường dốc, song bất thình lình một xe máy phóng với tốc độ rất nhanh, lạng lách, lấn làn lao thẳng về phía xe tải của anh. Mặc dù đã đánh lái hết sang lề bên phải nhưng chiếc xe máy chở theo 2 thanh niên vẫn đâm sầm vào xe tải. Hậu quả, người thanh niên cầm lái xe máy tử vong, người ngồi sau bị thương nặng. Kết luận của cơ quan công an sau đó xác định, người điều khiển xe máy có nồng độ cồn rất cao, không đội mũ bảo hiểm và xe máy còn không có biển kiểm soát... Dù vậy, anh Quang và công ty của anh đã phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân thiệt mạng và người bị thương. Bản thân anh và gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền lo giải quyết vụ việc. Cho đến giờ cứ gặp đám cưới trên đường là anh Quang lại thấy lo sợ dù có kinh nghiệm hơn 15 năm trong nghề lái xe.

Vụ việc “đen đủi” mà anh Quang gặp phải chỉ là 1 trong số hàng trăm vụ tai nạn có liên quan đến tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong đám cưới rất phổ biến trong nhiều năm trở lại đây. Một thực trạng đáng báo động đó là các vi phạm chủ yếu rơi vào lứa tuổi thanh niên. Khi được hỏi vì sao không đội mũ bảo hiểm, vì sao lại chở quá số người quy định, một bạn trẻ thản nhiên trả lời: “Bọn em đi đám cưới, ăn mặc đẹp, đầu tóc được tạo kiểu. Nếu đội mũ bảo hiểm thì sẽ làm hỏng các nếp tóc, như thế sẽ rất xấu và mất công chuẩn bị. Với lại, chả mấy khi có đám cưới mới tập hợp được bạn bè, người thân nên cũng tranh thủ chở thêm người. Nhiều xe cùng đoàn, có cả người lớn chở 3 người, không thấy ai đội mũ nên bọn em cũng thế”.

“Vẫn biết nhà ai cũng đến lúc có việc cưới xin nhưng nhìn các đoàn xe máy tham gia rước dâu, nạp tài hầu hết đều vi phạm Luật Giao thông. Những lỗi vi phạm mang tính tập thể này trên đường là điều không thể chấp nhận được. Tình trạng này xảy ra khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi lên miền núi, cứ có đám cưới là thoải mái vi phạm. Điều đáng lo ngại đó là việc xử lý những vi phạm trên của cơ quan chức năng là chưa quyết liệt” - ông Hoàng Văn Toản (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) bức xúc.

Lý giải nguyên nhân vì sao việc xử lý chưa thể dứt điểm, triệt để tình trạng vi phạm Luật Giao thông trong đám cưới, lãnh đạo các đội cảnh sát giao thông (CSGT) của nhiều địa phương trong tỉnh đều có chung chia sẻ: Lễ cưới là ngày vui nên khi lực lượng CSGT ra quân gặp phải sự bất hợp tác từ phía người vi phạm, thậm chí có cả những hành vi lợi dụng đông người để chống đối. Với tâm lý “đám cưới là ngày vui”, khi mình xử phạt thì người vi phạm cho đó là điều xúi quẩy, ảnh hưởng đến niềm vui đó nên rất khó xử lý dứt điểm. Sự phối hợp giữa chính quyền phường, xã với lực lượng CSGT trong việc xử lý vi phạm của người dân khi đi đám cưới còn chưa thực sự quyết liệt và còn mang tính cả nể, hời hợt. Mặt khác, để xử lý triệt để vi phạm trong đám cưới cần phải huy động số lượng lớn lực lượng CSGT nên đây cũng là yếu tố rất khó khăn.

Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trong đám cưới, cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành và lực lượng chức năng. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội tại các địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các gia đình khi tổ chức đám cưới thực hiện nghiêm các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tổ chức lễ cưới, đặc biệt phải tuân thủ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Lực lượng CSGT cũng cần kiên quyết hơn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm, không coi đám cưới là “ngoại lệ”. Mỗi người dân phải luôn chấp hành pháp luật trong mọi trường hợp khi tham gia giao thông. Đây là nghĩa vụ của người dân, thể hiện tính văn hóa, nghiêm minh và cũng chính là bảo vệ cho chính bản thân mình. Để đám cưới có niềm vui, niềm hạnh phúc trọn vẹn thì việc tuân thủ pháp luật về giao thông phải được đặt lên hàng đầu để không xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc.


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]