(Baothanhhoa.vn) - Việc không tuân thủ quy tắc giao thông của một bộ phận người dân khi đi qua những điểm giao cắt đường bộ - đường sắt đã và đang là nguyên nhân phát sinh các vụ tai nạn, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan chức năng cũng như sự chủ động nâng cao ý thức của mỗi người dân.

Hiểm họa từ sự thiếu ý thức

Việc không tuân thủ quy tắc giao thông của một bộ phận người dân khi đi qua những điểm giao cắt đường bộ - đường sắt đã và đang là nguyên nhân phát sinh các vụ tai nạn, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan chức năng cũng như sự chủ động nâng cao ý thức của mỗi người dân.

Một số người điều khiển xe máy vẫn cố tình vượt qua rào chắn đường sắt.

Vi phạm nhiều

Gần 8 giờ sáng, tại ngã ba Đình Hương đoạn có tuyến đường sắt chạy qua trở nên ngột ngạt bởi lưu lượng người tham gia giao thông đông. Khi có tín hiệu tàu hỏa sắp chạy qua, rào chắn dần dần được nhân viên đường sắt kéo kín, thế mà vẫn có những người đi xe máy cố tình vượt qua. Ðến khi tàu hỏa đã chạy qua, dòng người hai bên vượt qua đường ray ở “tư thế” đối đầu, chen lấn. Xe máy đi vào làn dành cho ô tô, còn ô tô thì sang phần đường dành cho xe máy. Do ý thức của người tham gia giao thông kém nên phải mất 10 phút sau, con đường mới trở lại thông thoáng, bình thường. Tình trạng này không phải là cá biệt mà xảy ra phổ biến ở những đoạn đường trong thành phố, nơi có đường sắt đi qua. Một số nhân viên gác chắn đường sắt cho biết: Có một số người tham gia giao thông, mặc dù đã thấy đèn, còi tín hiệu báo tàu đến, nhân viên kéo rào chắn ngăn các phương tiện đi qua, thế nhưng họ vẫn cứ cố tình “lách” để đi qua rào chắn. Nhân viên không cho qua thì họ nói những lời rất khó nghe.

Vượt rào chắn, không chấp hành hiệu lệnh của người cảnh giới, qua đường ngang không quan sát... là những vi phạm phổ biến tại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt. Vụ tai nạn xảy ra hồi giữa tháng 6-2018 tại lối đi dân sinh thuộc địa phận phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa là một ví dụ. Trưa ngày 15-6, một người lái xe ôm chở khách, khi đi đến lối đi dân sinh do không chú ý quan sát, cố tình vượt đường ray nên đã bị tàu hỏa đang chạy hướng Bắc – Nam đâm trúng làm 2 người trên xe máy thiệt mạng ngay tại chỗ. Hay mới đây, trưa ngày 19-8, xe ô tô khách mang biển kiểm soát 36B-022.97 chạy hướng Hà Nội - Thanh Hóa do tài xế Lê Văn Phi điều khiển đang lưu thông trên Quốc lộ 1A theo hướng Bắc – Nam, khi đến khu vực giao nhau giữa Quốc lộ 1A và Quốc lộ 217 có tuyến đường sắt đi qua, do xe phía trước giảm tốc độ đột ngột, vì bất ngờ và không chú ý quan sát nên lái xe đã đánh lái sang bên phải để tránh va chạm. Đúng lúc này, thanh chắn đường sắt tại KM151+590 đang hạ xuống nên xe ô tô khách đã đâm thẳng vào thanh chắn... Hậu quả, xe ô tô khách và 2 thanh chắn đường sắt đều bị hư hỏng, rất may là không có thiệt hại về người. Sau khi điều tra, xác minh, Công an huyện Hà Trung đã ra quyết định xử phạt hành chính 3 triệu đồng đối với nhà xe do lỗi “giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển” và 12 triệu đồng đối với lái xe khách với lỗi “Không chú ý quan sát gây tai nạn giao thông” và “Không có giấy phép lái xe” (do đang bị treo giấy phép).

Người dân cần nâng cao ý thức

Trên địa phận tỉnh ta có 2 tuyến đường sắt với tổng chiều dài trên 100km chạy qua, gồm: Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; tuyến đường sắt xi măng Bỉm Sơn nối với tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh tại ga Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn). Trên tuyến có 73 đường ngang hợp pháp (31 đường ngang có gác, 18 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động, 3 đường ngang cảnh báo tự động, 21 đường ngang biển báo); 115 lối đi bất hợp pháp tồn tại lâu năm do nhân dân hai bên đường sắt tự mở. Riêng tuyến đường sắt xi măng Bỉm Sơn có chiều dài 4,5 km thuộc địa phận thị xã Bỉm Sơn có 2 đường ngang giao cắt đồng mức. Theo số liệu thống kê của Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa, 8 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 11 vụ tai nạn đường sắt, làm 7 người thiệt mạng, 13 người bị thương. Thực tế cho thấy, nguyên nhân để xảy ra tai nạn đường sắt chủ yếu xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông khi đi qua các đường ngang giao cắt với đường sắt.

Để giảm thiểu những nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chức năng và các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp khắc phục. Riêng 8 tháng năm 2018, các lực lượng đã thực hiện mở rộng nút giao đường ngang bảo đảm an toàn giao thông tại Km 145+550, Km 147+950, Km 161+500, Km 164+545; rào đóng 13 lối đi tự mở, cương quyết không để phát sinh các lối đi dân sinh, xóa bỏ các lối đi bất hợp pháp khi đã được xây dựng hệ thống hàng rào, đường gom bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; tổ chức chốt gác tại 10 vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông đường sắt... Tuy nhiên, có thể nói, bên cạnh quy trình, giải pháp từ phía các cơ quan chức năng, nhưng nếu ý thức của người tham gia giao thông không được nâng cao thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực thi hành từ 1-7-2018, quy định rõ: Nghiêm cấm hành vi tự mở lối đi qua đường sắt; làm sai lệch công trình, hệ thống báo hiệu trên đường sắt; làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm; vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh. Bộ Giao thông - Vận tải vừa mới ban hành Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT ngày 14-5-2018 quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Thông tư này đã quy định rõ quy tắc giao thông trong khu vực đường ngang. Đối với giao thông đường bộ trong phạm vi đường ngang, người tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải chấp hành quy định của Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường bộ, đồng thời phải thực hiện các quy định: Ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt; chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang. Khi có báo hiệu dừng bằng đèn tín hiệu (đèn đỏ sáng nháy), cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông hoặc loa phát âm thanh kêu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước vạch “Dừng xe”. Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng. Đối với đường ngang tổ chức phòng vệ bằng biển báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở 2 phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện giao thông đường sắt tới đường ngang mới được đi qua và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn. Thông tư cũng quy định, không được quay đầu xe, dừng xe, đỗ xe trong phạm vi giữa hai vạch “Dừng xe” tại đường ngang...

Với những quy định chặt chẽ như vậy, người tham gia giao thông cần chủ động, nâng cao ý thức của bản thân, chấp hành nghiêm túc các quy tắc khi lưu thông qua các khu vực đường ngang, phòng tránh những hiểm họa từ sự thiếu ý thức, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt cũng như tự bảo vệ tính mạng và tài sản của mình.


Bài và ảnh: Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]