(Baothanhhoa.vn) - Tập tục dâng sao, giải hạn đã trở nên rất phổ biến mỗi khi xuân về, hàng triệu người chấp nhận bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc với hy vọng “mua” được sự bình an trong năm. Tuy nhiên, các nhà tu hành lại cho rằng, trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao, giải hạn. Đối với Phật giáo, không có ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt như nhiều người lầm tưởng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dâng sao, giải hạn: Một phong tục đang bị lạm dụng

Tập tục dâng sao, giải hạn đã trở nên rất phổ biến mỗi khi xuân về, hàng triệu người chấp nhận bỏ ra nhiều công sức và tiền bạc với hy vọng “mua” được sự bình an trong năm. Tuy nhiên, các nhà tu hành lại cho rằng, trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao, giải hạn. Đối với Phật giáo, không có ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt như nhiều người lầm tưởng.

Dâng sao, giải hạn: Một phong tục đang bị lạm dụng

Người dân đăng ký dâng sao, giải hạn ở một chùa trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Người người, nhà nhà đi giải hạn

Nhiều người Việt tin rằng, vào một số tuổi nhất định, con người ta thường gặp vận hạn. Những quan niệm từ xưa truyền lại mang màu sắc huyền bí như “Thái Bạch quét sạch cửa nhà”, “nam La Hầu, nữ Kế Đô”, “49 chưa qua, 53 đã đến”... khiến cho không ít người lo lắng, bất an. Muốn giảm nhẹ điều này, họ thường cúng “giải sao” (dâng sao, giải hạn). Việc làm này có phần làm yên lòng những người rơi vào năm “vận hạn” theo quan niệm “có kiêng có lành”. Do vậy, đầu năm và hàng tháng người ta thường làm lễ dâng sao, giải hạn.

Tại TP Thanh Hóa, người dân chủ yếu dâng sao, giải hạn tại các chùa, như: Thanh Hà, Đại Bi, Tranh... Có mặt tại chùa Đại Bi, vào chiều 12 tháng giêng, chúng tôi thấy tại khu vực sân chùa có treo một tờ giấy khổ lớn, trên đó ghi năm sinh, ứng với các sao chiếu mệnh của năm nay. Ngay gần đó, nhà chùa kê một dãy bàn dài phục vụ nhu cầu người dân đến đăng ký, ghi tên tuổi dâng sao, giải hạn. Danh sách những người cúng sao sẽ được ghi ra một tờ giấy (mỗi địa chỉ ghi riêng một tờ - PV). Sau khi ghi xong, người cúng sao nộp cho nhà chùa 100.000 đồng/người, ai cúng nhiều lần thì số tiền bỏ ra càng nhiều. Chùa Đại Bi sẽ tổ chức lễ giải sao Thái Bạch vào ngày 16 tháng giêng, sao La Hầu vào ngày 17 tháng giêng, sao Kế Đô vào ngày 18 tháng giêng...

Bà Nguyễn Thị Ngân, đường Mật Sơn, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), mang hẳn danh sách thành viên trong gia đình đến chùa để so tuổi sao chiếu mệnh rồi đồng loạt viết danh sách nhờ nhà chùa dâng sao (đối với sao tốt) và giải sao (đối với sao xấu). Bà Ngân tâm sự: “Khoảng mấy năm gần đây, tôi thường đến chùa Đại Bi để cầu an và xem sao chiếu mệnh cho cả gia đình, sau đó nhờ các sư thầy dâng sao, giải hạn. Mỗi lần như vậy, tôi thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng”.

Khác với gia đình bà Ngân, chị Ngô Thị Thủy, công tác tại TP Hồ Chí Minh tìm đến dịch vụ “giải sao trọn gói” tại chùa. Vì là trọn gói nên tất cả các khâu đều phó thác cho nhà chùa, từ viết sớ cho đến lễ vật rồi kêu cầu, thân chủ chỉ cần ghi rõ tên, tuổi của từng thành viên trong gia đình và nộp tiền cho nhà chùa là xong. Giá cho dịch vụ này không hề rẻ, thông thường thì vài trăm ngàn đồng, có nơi lên đến vài triệu đồng.

Tại chùa Thanh Hà, nhà chùa cũng làm lễ “đăng sao cầu bình an cho các gia đình”. Theo đó, mỗi gia đình phải đóng 400.000 đồng để được cúng giải hạn cả năm và không hạn chế số người. Được biết, việc dâng sao, giải hạn còn được thực hiện ở rất nhiều cơ sở tôn giáo, tâm linh khác nhau trên địa bàn toàn tỉnh.

Phúc - họa là ở mỗi người

Dâng sao, giải hạn là một thuật ngữ đã quen thuộc với nhiều người, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về nó và biết cách hóa giải vận hạn. Theo chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tín ngưỡng dâng sao, giải hạn đã tồn tại từ lâu đời trong dân gian. Tín ngưỡng này nằm trong nghi lễ của Lão giáo (Trung Quốc). Người ta tin rằng, trên trời có 24 ngôi sao do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó 9 ngôi sao sáng nhất sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. 9 sao này có sao tốt và có cả sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng (nặng nhất là “Nam La Hầu, nữ Kế Đô” là loại ám hư tinh vì 2 sao này chẳng thấy được mặt trời).

Vào trước năm 1954, người dân miền Bắc đến các đền, phủ để dâng sao, giải hạn nhưng thời điểm đó, đây chỉ là một tín ngưỡng và thực hiện rất đơn giản chứ không như hiện nay. “Tôi nghĩ, đây là một nhu cầu chính đáng của người dân, thể hiện niềm tin vào những điều linh thiêng. Điều quan trọng là chúng ta phải biểu đạt hay thực hành niềm tin đó một cách đúng đắn. Cái hạn, cái không may là điều tự nhiên. Con người có lúc yếu, lúc khỏe, cũng là thời vận. Bởi vậy, dâng sao, giải hạn chỉ mang ý nghĩa là một sự an ủi về tinh thần, liều thuốc ru ngủ, xoa dịu nỗi lo lắng của con người, chứ không phải là giải thoát được những cái xấu, chỉ hưởng cái tốt”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhận định.

Vì thế, theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, thay vì theo các “thầy ông, thầy bà” dùng nghi lễ dâng sao, giải hạn một cách thụ động thì người dân hãy chủ động dùng pháp đối trị tâm linh để tự mình có thể giải hạn cho chính mình, như: Không làm các việc phi pháp, không buôn bán gian lận, không tàng trữ mua bán đồ quốc cấm, không lừa đảo, không tuyên truyền tà đạo mê tín... thì quanh năm sẽ được an bình, tránh xa được vòng lao lý, hoàn toàn có thể khắc chế được tác hại tiêu cực của La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch... Cẩn trọng trong lời nói, thực hành nhẫn nhục, không ham danh lợi, không nói đâm thọc, không a dua, không lừa lọc thì tránh được thị phi, tránh được kiện tụng, tránh được khẩu nghiệp. Không khởi tâm làm ác, không đồng lõa với kẻ bất lương... thì tránh được hạn Tam tai, tránh được “đồng hành lâm khổ nạn”. Bố thí Ba La Mật, cứu giúp người nghèo khổ, gia ân bố đức khắp muôn loài thì khắc phục được hạn “hao tài” của sao Thái Bạch. Giữ tâm bình khí hòa, thực hành các thuật dưỡng sinh, không sát sinh hại mạng, từ bi, hỷ xả, thì tránh được tai ương bệnh tật, tránh được sự ám hại của tiểu nhân, khắc chế hết thảy mọi tiêu cực của La Hầu – Kế Đô và các hệ thống Cửu Diêu, Bách nạn sẽ tiêu trừ, có thể biến nguy thành an, biến hung thành cát.

Đồng quan điểm trên, Đại đức Thích Trúc Thông Tánh, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, khẳng định: “Đạo Phật là đạo trí tuệ, từ bi và thoát tục, dạy con người nhìn nhận về vũ trụ quan và thế giới quan một cách chân thực, khoa học, có nghĩa là bằng trí tuệ. Phật dạy chúng ta về nhân quả, không có quả nào từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất hiện lên, mà đều do thân, miệng và ý của con người tạo ra. Đạo Phật chủ trương con người là chủ nhân quyết định vận mệnh của chính mình. Không ai làm cho chúng ta thanh tịnh, không ai giải hạn được cho mình, mà chính chúng ta là người giải thoát cho mình. Vậy nên, việc dâng sao, giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, cũng không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc hay mang tai họa. Bản thân chỉ biết lễ bái mà không biết cải thiện bản thân, tu sửa đạo đức thì dù chúng ta có làm bao nhiêu lễ giải hạn chăng nữa vẫn không tránh khỏi những điều không hay trong cuộc sống. Hơn nữa, chùa là cõi thiêng, cõi thiêng thì phải thanh tịnh. Đến chùa dâng sao, chen lấn, xô đẩy, tụ tập huyên náo thì còn gì là thanh tịnh?”.

Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng khẳng định, chùa của ông không tổ chức việc dâng sao, giải hạn dịp đầu năm mà chỉ tổ chức các lễ cầu an. Việc cầu này gồm có 3 nội dung chính là cầu mong thế giới hòa bình, tránh chiến tranh xung đột, vũ trang; cầu đất nước thịnh vượng, phát triển; cầu cho mọi người, mọi gia đình đều được bình an, bớt khổ thêm vui.

“Lễ cầu an ở chùa làm đúng thường tùy hỷ của Phật tử, tức ai góp bao nhiêu tiền, vật phẩm thì tùy tâm chứ nhà chùa không bắt buộc phải đóng thế này, thế kia. Sau khi Phật tử tùy tâm đóng góp, nhà chùa sẽ dùng tiền đó mua các con vật để phóng sinh và mua hoa, quả, bánh kẹo dâng Tam bảo, làm cơm chay để mời bà con hưởng lộc sau lễ cúng. Lễ cúng thực hiện đơn giản nhưng quan trọng hơn là sau đó, cần giảng giải cho Phật tử hiểu về nhân quả, về những đạo lý, chân lý. Từ đó để họ tránh xa những điều xấu, đừng có mê tín, mù mờ mà hãy chăm làm việc thiện đức, theo chánh tín để tìm đường thoát khổ”, Đại đức Thích Trúc Thông Tánh nói.

Đại đức cũng nêu rõ: “Những người Phật tử, cả đời kính Phật, trọng Tăng, mang cơm gạo, tiền của đến cúng dường để quý thầy có phương tiện hành đạo, khai ngộ chúng sinh, nhưng một số thầy không giải thích rõ cho Phật tử rằng, việc dâng sao, giải hạn chỉ để giúp cho họ được yên tâm chứ không giải quyết, xóa bỏ được vận hạn, tai ách.... Việc này tạo sự mê mờ cho người Phật tử và cũng làm cho những người chưa hiểu đạo Phật chê trách Phật giáo là mê tín dị đoan - làm ảnh hưởng tinh thần trong sáng của đạo Phật”.

Mặc dù, các cơ quan chức năng giải thích và tuyên truyền nhiều năm, nhưng tục dâng sao, giải hạn vẫn không thay đổi. Mong rằng, sau công văn yêu cầu bỏ tục đốt vàng mã ở các nơi thờ tự của Phật giáo, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có công văn nhắc nhở, yêu cầu các sư trụ trì lấy giáo lý nhà Phật để răn dạy các tín đồ thực hiện nghi lễ sao cho vừa đủ, không lãng phí và đúng với giáo lý truyền thống. Bởi, để giảm bớt hiện tượng bất thường này không thể bằng quy định của Nhà nước mà phải bằng tuyên truyền, định hướng để người dân tự giác thực hiện.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]