(Baothanhhoa.vn) - Ngày 27-8-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có Kết luận số 710/KL-STNMT về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở giặt và tái chế bao bì ở xã Thái Hòa (Triệu Sơn). Theo đó, đã có 27 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 27 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là 792 triệu đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói đến thời điển cuối tháng 9, các chủ cơ sở vẫn chưa khắc phục những hành vi vi phạm.

Chủ các cơ sở giặt, tái chế bao bì ở xã Thái Hòa cần thực hiện nghiêm kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường

Ngày 27-8-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có Kết luận số 710/KL-STNMT về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở giặt và tái chế bao bì ở xã Thái Hòa (Triệu Sơn). Theo đó, đã có 27 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 27 cơ sở, tổng số tiền xử phạt là 792 triệu đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói đến thời điển cuối tháng 9, các chủ cơ sở vẫn chưa khắc phục những hành vi vi phạm.

Nước thải đục ngầu được chủ cơ sở giặt, tái chế bao bì xả thẳng xuống dòng sông Nhơm.

Dân “kêu cứu” vì ô nhiễm

Theo phản ánh của các hộ dân ở xã Thái Hòa qua đường dây nóng Báo Thanh Hóa, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc và có quyết định xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu các cơ sở giặt và tái chế bao bì trên địa bàn xã dừng ngay việc xả nước thải chưa qua xử lý, xả bùn thải, chất thải rắn ra sông Nhơm, nhưng sau hơn một tháng có quyết định, các cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi về xã Thái Hòa, đi sâu vào các con ngõ dẫn đến bên bờ sông Nhơm, chúng tôi thấy các cơ sở giặt, tái chế bao bì xi măng đang hoạt động tấp nập; người, xe ra, vào nhộn nhịp, vỏ bao bì xi măng cũ nát chất thành từng đống to trong các hộ dân, thậm chí cả ven đường. Khu vực bờ sông Nhơm, những rãnh thoát nước, ống nhựa dẫn nước đang xả nước đục ngầu trực tiếp xuống dòng sông. Ông Lê Đức Lập, ở thôn Thái Lai – chủ cơ sở giặt, tái chế bao bì cho biết: Cơ sở giặt, tái chế bao bì của gia đình ông đi vào hoạt động được 5 năm nay, giải quyết việc làm cho 12 lao động, với mức thu nhập từ 100 đến 200 ngàn đồng/người/ngày. Những năm trước, các cơ sở giặt, tái chế chưa biết tận dụng nguồn giấy vụn từ vỏ bao bì xi măng giặt ra nên chất thải, nước thải được thải trực tiếp ra ao, hồ, sông. Tuy nhiên, từ khi các hộ đầu tư mua máy xeo giấy về, tất cả các giấy vụn đã được tận dụng cán thành từng cuộn mang đi bán ở tỉnh Hưng Yên, còn lại nước thải, sợi bao bì được thải qua một bể lắng, sau đó mới thải nước xuống sông nên mức độ ô nhiễm là rất ít. Mặc dù vậy, theo quan sát của chúng tôi tại hiện trường, bể lắng của gia đình ông Lập dường như khá nhỏ so với quy mô sản xuất, nước thải được ông đào một rãnh thoát dọc bờ sông và xả thẳng xuống dòng sông Nhơm.

Khi được hỏi về nguồn nước thải xả xuống dòng sông, ông Lập lý giải: Ông cũng như bao hộ dân làm nghề khác, thấy nghề mang lại thu nhập là làm, chứ các quy định về bảo vệ môi trường chưa được hiểu rõ lắm. Nếu các ngành chức năng tiếp tục tạo điều kiện cho hộ dân làm nghề, chúng tôi hứa sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Còn đối với số tiền phạt từ 25 đến 35 triệu đồng/hành vi của Sở TN&MT đưa ra vừa qua, nhiều hộ dân thấy cao so với khoản thu nhập. Vì vậy, các hộ đã làm đơn đề nghị giảm số tiền phạt.

Ngoài cơ sở sản xuất giặt, tái chế bao bì của gia đình ông Lập, chúng tôi thấy một số cơ sở giặt, tái chế bao bì khác hoạt động cũng tương tự. Hầu hết nước thải đều chưa qua xử lý, xả trực tiếp ra môi trường; từng đống chất thải rắn được đổ dọc bờ sông Nhơm, gây bồi lấp dòng sông, ô nhiễm nguồn nước.

“Khoảng vài năm nay trên địa bàn xã “nở rộ” các cơ sở giặt, tái chế bao bì hoạt động ngày đêm khiến cho môi trường sống của người dân quê tôi vốn thanh bình trở nên bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, khói bụi, nguồn nước... Chỉ mong các cấp chính quyền, ngành chức năng sớm có giải pháp chuyển đổi nghề hoặc di chuyển các hộ dân làm nghề ra khỏi khu dân cư để trả lại cuộc sống thanh bình, yên tĩnh cho vùng quê chúng tôi”- một người dân chia sẻ.

Cái khó của chính quyền

Trên địa bàn xã Thái Hòa hiện có 11 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, 2 trang trại chăn nuôi lợn, 28 cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, có mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, theo ông Vũ Trọng An, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, bên cạnh lợi ích của việc tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thu gom được những phế liệu bẩn thì các cơ sở giặt, tái chế bao bì phế liệu cũng đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bởi, các cơ sở này chủ yếu là hoạt động theo mô hình hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, thường được bố trí ven bờ sông Nhơm. Theo kết luận kiểm tra của Sở TN&MT, 28 cơ sở có nguồn chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất là nước thải, chất thải rắn; một số cơ sở sản xuất nhựa hạt tái chế còn phát sinh khí thải (mùi khét, khói bụi) trong quá trình gia nhiệt. Các cơ sở đều chưa có công trình xử lý nước thải bảo đảm quy định, nước thải từ quá trình giặt bao bì được các cơ sở thu về bể lắng. Tại đây, nước và bột giấy được bơm lên máy xeo giấy, nước thải sau máy xeo giấy có màu trắng đục, chứa nhiều bùn đất và chất rắn lơ lửng thải ra môi trường. Đối với rác thải công nghiệp, như: Ni lông, dây buộc, đất, cát, sợi bao bì... các hộ dân tập kết trong khuôn viên xưởng sản xuất hoặc đổ ra ven bờ sông Nhơm... Sở TN&MT đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 27/28 cơ sở, với các lỗi vi phạm, như: Không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật, không có hợp đồng chuyển giao chất thải rắn thông thường cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý... với mức phạt cao nhất 35 triệu đồng/hành vi, thấp nhất 25 triệu đồng. Tổng số tiền xử phạt 792 triệu đồng.

Sở cũng đã yêu cầu 28/28 cơ sở dừng ngay việc xả nước thải chưa qua xử lý, xả bùn thải, chất thải rắn ra sông Nhơm (trong đó có 21/28 cơ sở đủ cơ sở tạm dừng hoạt động sản xuất 6 tháng); hoàn thiện các thủ tục liên quan đến ngành nghề kinh doanh, sử dụng đất, tài nguyên nước, công tác bảo vệ môi trường. Thu gom toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh đang đổ thải ra bờ sông Nhơm, khu đất thuê thầu với xã... Hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển xử lý; đầu tư hoàn chỉnh công trình xử lý nước thải theo quy định, hoàn thiện các thủ tục đất đai, bảo vệ môi trường, chỉ được phép xả thải ra môi trường khi nước thải đạt QCVN. Đối với các cơ sở sản xuất tái chế nhựa hạt, phải trang bị thiết bị xử lý khí thải phát sinh tại thiết bị gia nhiệt sản xuất hạt nhựa, khu đốt lưới nhựa phải đảm bảo trước khi thải ra môi trường.

Kết luận của Sở TN&MT là vậy, nhưng đã hơn một tháng trôi qua, các chủ cơ sở giặt và tái chế bao bì trên địa bàn xã Thái Hòa gần như chưa có biện pháp khắc phục. Các cơ sở sản xuất vẫn ngày đêm hoạt động, xả thải trực tiếp ra môi trường. Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, để các hộ thực hiện kết luận của Sở TN&MT, xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện, nếu hộ nào không thực hiện theo đúng kết luận của Sở TN&MT, huyện và ngành chức năng cũng nên kiến nghị với ngành điện cắt điện sản xuất trong vòng 6 tháng để các hộ đầu tư lại quy trình sản xuất theo đúng quy định, đồng thời cam kết thực hiện đúng quy định bảo vệ môi trường thì mới cho hoạt động trở lại, còn không thì rất khó thực hiện. Bởi, đây là lần thứ 2, các cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính. Lần thứ nhất, năm 2017, UBND huyện Triệu Sơn đã tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nhưng mức xử phạt chỉ vài triệu đồng, các cơ sở nộp phạt xong lại hoạt động bình thường, mặc dù xã tăng cường lực lượng công an xuống tuyên truyền, nhắc nhở nhưng một số hộ ngưng hoạt động sản xuất được thời gian rất ngắn rồi đâu lại vào đấy.

Xã cũng đã xây dựng phương án quy hoạch tập trung các cơ sở giặt và tái chế bao bì vào khu vực ngoại bao mỏ cromit Cổ Định. Tuy nhiên, để quy hoạch thành làng nghề thì vẫn còn nhiều khó khăn, từ bồi thường đất nông nghiệp cho dân, đến làm mặt bằng, hạ tầng đường, điện, nước... trong khi nguồn lực đầu tư của địa phương lại không đáp ứng được. Do vậy, vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường từ các cơ sở giặt và tái chế bao bì trên địa bàn xã đang là bài toán khó cho chính quyền địa phương.

Qua thực trạng nêu trên, chúng tôi nhận thấy trong kết luận của Sở TN&MT nêu về các khuyết điểm công tác quản lý, vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường: “Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương chưa tốt, chưa sâu sát, còn nể nang, né tránh, buông lỏng, xử lý không kiên quyết đã dẫn tới việc hình thành nhiều cơ sở giặt và tái chế bao bì hoạt động trong thời gian dài gây ô nhiễm môi trường mà không có biện pháp xử lý dứt điểm” là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, để thực hiện được dứt điểm thực trạng này rất cần huyện, ngành chức năng cùng vào cuộc hỗ trợ xã trong việc tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đồng thời người dân cũng phải đồng hành cùng chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường, nếu hộ nào vẫn cố tình vi phạm, huyện, ngành chức năng phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc. Có như vậy, bài toán khó về vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường ở xã Thái Hòa mới thực hiện được.


Bài và ảnh: Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]