(Baothanhhoa.vn) - Các cơ sở chế biến thủy, hải sản đã đem lại những lợi ích về kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, song tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở này đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.

Bất cập trong xử lý các cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường ở huyện Hậu Lộc

Các cơ sở chế biến thủy, hải sản đã đem lại những lợi ích về kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, song tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở này đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.

Nhiều hộ dân xã Ngư Lộc sơ chế hải sản và xả nước thải thẳng ra môi trường.

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, cơ sở chế biến bột cá của Công ty CP Thủy sản An Trường Sinh nằm tại Cảng cá xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc trong quá trình hoạt động đã có những dấu hiệu xả khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân xung quanh.

Qua tìm hiểu, cơ sở chế biến này đi vào hoạt động từ năm 2012, công suất ban đầu 60 tấn/ngày (giai đoạn từ 2012 - 2014), đến năm 2018, nâng tổng công suất hoạt động trên 80 tấn/ngày. Tuy vậy, theo xác nhận của UBND xã Hòa Lộc, cơ sở này đã tạm dừng hoạt động từ năm 2017, nhưng khi phóng viên có mặt tại cơ sở thì thấy bên ngoài cửa đóng kín mít, song vẫn thấy mùi hôi thối, nồng nặc bốc ra từ cơ sở.

Ông Nguyễn Văn H., ở thôn 2 Tam Hòa, xã Hòa Lộc, cho biết: Nhà tôi ở ngay sát khu vực Cảng cá Hòa Lộc, tôi thấy từ đầu năm đến nay cơ sở này vẫn hoạt động, chỉ là hoạt động không đều, bữa có, bữa không. Khói vẫn được thải ra không khí, gây ra mùi hôi, thối rất khó chịu. Ngày 6-6-2018, UBND huyện Hậu Lộc cùng UBND xã Hòa Lộc và thôn 2 Tam Hòa đã đến kiểm tra hiện trường cơ sở chế biến bột cá An Trường Sinh. Đoàn kiểm tra đánh giá, hiện trường sản xuất của cơ sở chế biến bột cá An Trường Sinh đã dừng hoạt động từ lâu và máy móc đã hư hỏng, vì vậy không có tác động xấu đến môi trường, không có dấu hiệu vi phạm. Tuy vậy, người dân sống quanh khu vực Cảng cá Hoà Lộc đều khẳng định: Cơ sở chế biến bột cá An Trường Sinh vẫn lén lút hoạt động chủ yếu vào ban đêm và chỉ có 2-3 lao động; dấu hiệu của hoạt động xả thải vẫn diễn ra, gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở này hầu như luôn trong tình trạng đóng cửa, thế nhưng ngay phía trước cơ sở vẫn đang có 1 đường dẫn nước thải, thải trực tiếp ra môi trường. Đầu năm 2018, theo phản ánh của người dân thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc và thôn Phú Hòa, xã Hưng Lộc, cơ sở chế biến hải sản của hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Giáo, đóng trên địa bàn thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc đi vào hoạt động đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước trong mương Ba Gồ. Từ một mương nước có nguồn nước sạch phục vụ tưới, tiêu cho hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp của 2 xã Hưng Lộc và Đa Lộc trở thành nơi chứa nước thải lộ thiên đen đặc, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Sau khi kiểm tra, trước hành vi vi phạm về môi trường của gia đình ông Giáo, UBND xã Đa Lộc áp dụng mức xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng, đồng thời buộc gia đình ông Giáo phải có trách nhiệm khắc phục mùi hôi, thối tại khu vực tuyến mương Ba Gồ.

Trên địa bàn các xã ven biển của huyện Hậu Lộc có hàng trăm cơ sở, hộ gia đình có quy mô lớn, nhỏ khác nhau chủ yếu sản xuất, chế biến bột cá, làm tôm khô, hải sản khô, nước mắm, mắm tôm... Ngoại trừ một vài doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, còn lại các hộ quy mô nhỏ lẻ, gia đình hầu như đều xả thẳng ra hệ thống thoát nước sinh hoạt, xả khí thải ra không khí. Gần đây, người dân ở làng Phú Xuân, xã Hưng Lộc phản ánh tới cơ quan chức năng tình trạng gây ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất của cơ sở sản xuất tôm của ông bà Do - Dực nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Ngoài ra, việc sơ chế cá, tôm được thực hiện ngay trên bờ biển, nước thải từ cơ sở này cũng được xả thẳng ra môi trường, ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Qua những sự việc trên cho thấy, thực trạng các cơ sở sản xuất, chế biến thủy, hải sản xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các xã ven biển của huyện Hậu Lộc vẫn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng xấu tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Điều này, còn cho thấy chính quyền các xã vẫn còn buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường đối với các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cán bộ chuyên trách về môi trường vừa thiếu, lại vừa yếu, không có các phương tiện, công cụ phục vụ công tác quản lý, xác định vi phạm. Việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận các doanh nghiệp, hộ sản xuất vẫn chưa nghiêm túc, dẫn đến tình trạng vi phạm, gây ô nhiễm môi trường. Việc kiểm tra vẫn được thực hiện hàng năm nhưng chưa đủ mạnh, chưa theo kịp với tình trạng gây ô nhiễm.

Được biết, trước những bức xúc đã được phản ánh của nhân dân, thời gian tới, UBND huyện Hậu Lộc sẽ thành lập các đoàn công tác tới các điểm nóng về tình trạng xả thải gây ô nhiễm của các cơ sở chế biến thủy, hải sản trên địa bàn. Huyện cũng chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác quản lý, tiến hành rà soát tất cả các cơ sở, hộ chế biến thủy, hải sản trên địa bàn, trong đó tập trung đánh giá thực trạng bảo đảm môi trường. Với những cơ sở không chấp hành, không bảo đảm các điều kiện về môi trường, kiên quyết tạm ngừng hoạt động, không cấp phép hoạt động. Với những cơ sở có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra làm rõ và có hình thức xử phạt nghiêm theo quy định pháp luật. Huyện Hậu Lộc cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới từng địa bàn, yêu cầu các hộ, doanh nghiệp sản xuất ký cam kết không vi phạp về xả thải gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác giám sát trong nhân dân nhằm phát hiện những trường hợp vi phạm để cơ quan chức năng xử lý.


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]