(Baothanhhoa.vn) - Đầu năm là khoảng thời gian khách hành hương thường đến lễ chùa cầu an cho năm mới. Lợi dụng thời điểm này, những người hành nghề ăn xin, bán nhang, bói toán... ngồi lê lết ngoài cổng các ngôi chùa, các điểm vui chơi, gây phản cảm ở chốn linh thiêng vốn rất cần sự tôn nghiêm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ăn xin “bủa vây” cổng chùa

Đầu năm là khoảng thời gian khách hành hương thường đến lễ chùa cầu an cho năm mới. Lợi dụng thời điểm này, những người hành nghề ăn xin, bán nhang, bói toán... ngồi lê lết ngoài cổng các ngôi chùa, các điểm vui chơi, gây phản cảm ở chốn linh thiêng vốn rất cần sự tôn nghiêm.

Ăn xin “bủa vây” cổng chùa

Người ăn xin trước cổng chùa Thanh Hà.

Ăn xin bám trụ

Từ những ngày tết đến hết tháng giêng, tại các ngôi chùa lớn ở Thanh Hóa, như: Chùa Thanh Hà (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa), đền Mẫu Hàn Sơn (xã Hà Sơn, huyện Hà Trung), đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), đền Độc Cước (TP Sầm Sơn)... đội ngũ ăn xin bám trụ từ cổng vào cho đến sân chùa. Khách vừa bước vào chùa là đội ngũ này bắt đầu giơ tay, giơ nón níu kéo, mồi chài, nài nỉ xin xỏ cho bằng được.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày rằm và mùng 1, trước cổng chùa Thanh Hà có nhiều người ăn xin ngồi lê lết trên mặt đất để xin tiền. Những người này chỉ cần thấy người đi ngang qua là đồng loạt giơ chiếc nón rách tơi tả, úa màu và cáu bẩn để xin tiền. Những tờ có mệnh giá 2.000, 5.000, 10.000 đồng... liên tục được khách lễ chùa bỏ vào nón của họ. “Cổng chùa trở nên nhếch nhác và cảm giác như bị mắc nợ” - một chị cùng đi với tôi nói như vậy khi không thể nào chen lọt qua cửa chính cổng chùa Thanh Hà vào đêm 14 tháng giêng.

Nói về tình trạng này, đại diện ban quản lý chùa Thanh Hà, than thở: “Nhà Phật từ bi không nỡ xua đuổi, nhưng tình trạng này ít nhiều gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm, thánh thiêng nơi cửa Phật”.

Trời nắng gắt, một cô gái trẻ dùng tấm bao xi-măng lót dưới gốc cây cho đứa con trai nhỏ chưa đầy 1 tuổi nằm ngủ. Thi thoảng, đứa trẻ giãy giụa, khóc mếu, liền bị cô gái giơ tay vỗ vào mông như muốn trừng phạt. Khi thấy vài người xung quanh để ý, cô gái mới vỗ về đứa trẻ. Theo tìm hiểu, cô gái tên Nguyễn Thị Lài, 24 tuổi, quê huyện Hậu Lộc, lấy chồng và sống ở thị trấn Hà Trung. Lài nói chồng bị tàn tật, gia cảnh nghèo khó nên tranh thủ đi ăn xin những ngày sau tết để kiếm tiền nuôi con. Cứ mỗi sáng, mẹ con Lài được người nhà chở lên đền Mẫu Hàn Sơn để xin ăn. Hầu hết những người ăn xin như Lài qua tiếp xúc đều lấy lý do gia cảnh nghèo, con cái bệnh tật hoặc già yếu, mất sức lao động để mọi người rủ lòng thương.

Một hành động khác cũng làm mất đi vẻ tôn nghiêm của đền Mẫu Hàn Sơn khi nhiều người không tuân thủ quy định của đền. Mặc dù trước đền có biển ghi rõ: “Mọi người vui lòng không đốt nhang lớn, chỉ đốt một nén nhang” nhưng nhiều người vẫn bất chấp đốt cả bó nhang khiến cho không khí nơi đây trở nên ngột ngạt. Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn chen lấn, xô đẩy nhau để được đốt dầu cầu an trong chánh điện, gây bức xúc cho nhiều người.

Cổng đền trở thành... chợ

Không chỉ gặp phiền toái vì bị người ăn xin “nài nỉ”, mà nhiều người còn ngán ngẩm với tình trạng ùn tắc do bị những người bán nhang, nến, hoa, sách bói toán, tử vi chiếm dụng phần vỉa hè, gây mất an toàn giao thông cho khu vực trước cổng đền, chùa. Chưa kể, nhiều xe ô tô còn đậu, đỗ thành hàng dài hai bên lòng đường khiến giao thông qua khu vực này càng thêm khó khăn. “Cứ ngày rằm, mùng một, du khách thập phương hội tụ về đây cầu nguyện, cúng bái rất đông nên khó kiểm soát được tình hình an ninh trật tự, mặc dù chùa đã phối hợp với công an phường để ngăn chặn nhưng vẫn không triệt để”, ông N.H.T., thành viên ban quản lý chùa Thanh Hà, cho biết.

Dù được nhắc tới nhiều lần trên các phương tiện truyền thông nhưng ở đền Bà Triệu vẫn tồn tại cảnh buôn bán nhang đèn, hoa trái ngay từ ngoài cổng vào. Chúng tôi đến đền vào lúc 14 giờ ngày rằm tháng giêng, thấy đội quân bán sách bói toán có vẻ vắng nhiều so với năm trước, song thay vào đó là “thầy bói” núp bóng hành nghề rất tinh vi. Chưa kịp dâng hương, tôi được một anh thanh niên mặc áo trắng thì thầm ở tai “coi bói không cô?”, gật đầu anh ta dắt đến ghế đá xem quẻ, với 50.000 đồng/quẻ, anh thanh niên này xem khoảng 10 phút cho 5 người. Mỗi người đều được phán các ý từa tựa như nhau: Năm mới, anh/chị có vài cái hạn nhưng cố gắng tích đức thì sẽ vượt qua; trong năm, anh/ chị có một vài trận ốm...

Không khí trang nghiêm không chỉ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, mà tình trạng ăn mặc “thiếu vải” của một số phụ nữ trẻ tuổi cũng làm cho nhiều khách hành hương thấy “chướng tai gai mắt”. Chị Tăng Thị Huyền, 28 tuổi, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, cho biết: “Đến chùa chứng kiến những cảnh bát nháo mua bán như thế này, tôi cảm giác như là đang ở... chợ. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì nay mai chùa sẽ mất đi sự linh thiêng vốn có. Người đi chùa cũng sẽ cảm thấy mình bị dẫn vào một thế giới trần tục và bon chen chẳng khác nào ở ngoài đời”.

Không thể phủ nhận sự cố gắng của nhiều ban quản lý các đền, chùa và chính quyền địa phương trong việc dẹp nạn ăn xin, bói toán, cờ bạc trá hình trong các cổng đền, chùa nhằm bảo đảm an ninh trật tự cho người đi chùa, cũng là bảo vệ những nét đẹp văn hóa Phật giáo của người dân khi mỗi dịp rằm, mùng một, đặc biệt là mùa lễ hội. Tuy nhiên, cũng còn nhiều nơi chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm dẫn đến tình trạng ăn xin, cờ bạc trá hình, bói toán, buôn bán... tồn tại nhiều năm nhưng không được xử lý dứt điểm, làm mất vẻ tôn nghiêm, mất an ninh trật tự tại cổng đền, chùa.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]