(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện kế hoạch tăng trưởng với mục tiêu chia sẻ bớt gánh nặng về tài chính cho đồng bào miền núi, vùng khó khăn, đồng thời thực hiện mục tiêu xã hội của mình, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã tiến hành mở rộng địa bàn hoạt động. Đối tượng chính là các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sau khi khảo sát kết quả khách hàng vay vốn cho thấy, vốn vay của tổ chức đã và đang góp ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tổ chức tài chính vi mô mở rộng địa bàn cho vay vốn

Thực hiện kế hoạch tăng trưởng với mục tiêu chia sẻ bớt gánh nặng về tài chính cho đồng bào miền núi, vùng khó khăn, đồng thời thực hiện mục tiêu xã hội của mình, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã tiến hành mở rộng địa bàn hoạt động. Đối tượng chính là các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sau khi khảo sát kết quả khách hàng vay vốn cho thấy, vốn vay của tổ chức đã và đang góp phần giúp khách hàng vay vốn xóa đói, giảm nghèo nhanh, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chương trình quản lý tài chính cá nhân do Tổ chức TCVM Thanh Hóa tổ chức tại huyện Thạch Thành.

Để thực hiện kế hoạch, đội ngũ cán bộ Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã lập chương trình, đưa ra quyết tâm và nỗ lực thực hiện việc tiếp cận với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng chịu biến đổi khí hậu nặng nề để tư vấn vay vốn. Các cán bộ tín dụng không quản đường sá đi lại khó khăn, vượt đèo, lội suối tới các bản, làng xa xôi, hiểm trở để tư vấn cho bà con, với các loại vốn vay đa dạng, thủ tục đơn giản, được thực hiện ngay tại nhà văn hóa thôn hoặc cán bộ của tổ chức đến tận hộ gia đình tư vấn, hướng dẫn cách làm hồ sơ, chị em không cần đi xa và không cần nộp bất kỳ loại chi phí gì để nhận vốn vay. Bên cạnh việc tư vấn vay vốn, các cán bộ tín dụng còn nêu gương những cá nhân vay vốn tiêu biểu trong khu vực để tăng gia sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, hoặc cải thiện môi trường sống sạch, hợp vệ sinh... Kết quả, đến nay tổ chức TCVM đã mở rộng địa bàn cho vay thêm 12 xã tại các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Triệu Sơn và TP Sầm Sơn với 377 chị em hội viên đăng ký vay vốn, trung bình 25 triệu đồng/người. Dư nợ vốn vay các khu vực mới mở rộng là 5 tỷ 625 triệu đồng.

Một trong nhiều khách hàng vay vốn sản xuất hiệu quả là gia đình bà Hà Thị Thơ ở thị trấn Giắt (Triệu Sơn). Bà Hà Thị Thơ có chồng là thương binh nặng, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chồng bà đau yếu, bệnh tật quanh năm. Trước đây, chưa bao giờ bà dồn góp được vài triệu đồng để làm vốn tăng gia sản xuất. Được biết tổ chức TCVM đang mở rộng hoạt động cho vay vốn tại thị trấn Giắt, bà đã cùng các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đến nhà văn hóa thôn, nơi cán bộ TCVM thu phát vốn để được tư vấn. Các cán bộ Tổ chức TCVM Thanh Hóa biết hoàn cảnh của bà đã giới thiệu cho bà vốn vay chính sách, một sản phẩm tín dụng với mức lãi suất rất thấp, không phải thế chấp và thủ tục đơn giản, nhằm tri ân và hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng. Nhờ nguồn vốn vay 10 triệu đồng trong 12 tháng, bà Thơ đã mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi gà, vịt, ngan để tăng thêm thu nhập cho gia đình và nâng cao sức khỏe cho các thành viên trong gia đình bằng chính sản phẩm thịt, trứng gà, vịt sạch. Sau thời gian chú trọng phát triển đàn gia cầm, chất lượng cuộc sống gia đình bà Thơ đã tăng lên đáng kể. Từ thành công này, bà Thơ rất tự tin vào việc vay vốn mở rộng chăn nuôi đàn gia cầm, bà đang đề xuất với cán bộ tổ chức sang năm 2019, sẽ vay mức vốn cao hơn để phát triển kinh tế gia đình tốt hơn nữa trong việc mở rộng loại hình chăn nuôi, nhằm đưa kinh tế gia đình từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ thành gia trại.

Chị Cao Ngọc Minh, ở xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) lại luôn lo lắng vì chưa có công trình phụ hợp vệ sinh từ nhiều năm nay. Chị Minh chỉ có thể nói ngôn ngữ dân tộc thiểu số và hiếm khi được đi ra khỏi làng. Vì vậy, cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng dường như ở rất xa tầm tay của chị. Tất cả các chi phí trong gia đình đến việc học hành của con cái nhờ vào nương rẫy với việc chi tiêu rất tằn tiện mới đủ. Tuy nhiên, từ lâu chị mong muốn làm sao gom góp được một khoản tiền để xây dựng một nhà tiêu hợp vệ sinh. Điều mong muốn tưởng chừng đơn giản nhưng gia đình chị Minh loay hoay mãi vẫn chưa thực hiện được do thiếu vốn. Được biết tổ chức TCVM mở rộng hoạt động cho vay vốn tại xã Cẩm Tú, chị Minh đã mạnh dạn đăng ký vay 30 triệu đồng để xây dựng nhà tiêu, hố đựng nước thải hợp vệ sinh cho gia đình. Khi có một khu vực hợp vệ sinh cho các thành viên trong gia đình sử dụng, đã đem lại nhiều thuận lợi trong cuộc sống gia đình về sức khỏe nên chị Minh càng phấn khởi tăng gia sản xuất, để xây dựng một gia đình ổn định, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Mở rộng địa bàn và các đối tượng vay vốn đang là mục tiêu xã hội mà tổ chức TCVM hướng đến nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Vẫn biết rằng để đem đồng vốn đến được với bà con vùng sâu, vùng xa là rất khó khăn do địa hình hiểm trở, chia cách, nhưng đội ngũ cán bộ tổ chức TCVM vẫn quyết tâm đồng hành cùng các gia đình đang có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tư vấn, động viên họ nỗ lực vươn lên tăng gia sản xuất, chuyển đổi mô hình làm kinh tế nhằm thay đổi cuộc sống.


Bài và ảnh: Lan Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]