(Baothanhhoa.vn) - Khi thực phẩm không an toàn lan tràn khắp các vùng quê đến từng ngõ phố, nhiều người dân đã hướng tới các sản phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, thực phẩm sạch mua ở đâu, có đúng an toàn hay chỉ là những lời chào hàng, quảng cáo? Cách đây 11 năm, Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Hưng, có trụ sở tại phường An Hoạch, TP Thanh Hóa đã miệt mài giải quyết những băn khoăn trên và đã gặt hái được nhiều thành công trong sản xuất – cung ứng thực phẩm sạch đến người tiêu dùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sản xuất - cung ứng nông sản sạch theo chuỗi: Thành công từ một doanh nghiệp

Khi thực phẩm không an toàn lan tràn khắp các vùng quê đến từng ngõ phố, nhiều người dân đã hướng tới các sản phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, thực phẩm sạch mua ở đâu, có đúng an toàn hay chỉ là những lời chào hàng, quảng cáo? Cách đây 11 năm, Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Hưng, có trụ sở tại phường An Hoạch, TP Thanh Hóa đã miệt mài giải quyết những băn khoăn trên và đã gặt hái được nhiều thành công trong sản xuất – cung ứng thực phẩm sạch đến người tiêu dùng.

Khu vực trồng rau, củ, quả trong nhà lưới theo mô hình VietGAP của Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Hưng.

Tiền thân là một công ty sản xuất bia rượu, nước giải khát, nhưng nhận thấy tiềm năng của việc phát triển các loại nông sản sạch là rất lớn nên năm 2007, công ty đã chuyển hướng sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm. Tất cả các khâu, từ sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm ra thị trường đều được công ty chủ động thực hiện mà không lệ thuộc vào những đơn vị khác nhằm kiểm soát chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp đã phát triển được hệ thống trang trại sản xuất lớn tại các xã: Thành Tâm (Thạch Thành), Trường Giang (Nông Cống), Xuân Thái (Như Thanh) và phường An Hoạch (TP Thanh Hóa). Nguồn rau – củ - quả, các loại thịt, cá nước ngọt đều được nuôi trồng tại các trang trại tổng hợp nói trên theo tiêu chuẩn VietGAP và an toàn sinh học.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại tổng hợp tại phường An Hoạch, anh Lê Quang Chuyền, giám đốc công ty giới thiệu tỉ mỉ từng khâu sản xuất. Ngoài một ao thả cá, gần 3 ha còn lại đều được xây dựng hệ thống nhà lưới để chuyên canh các loại rau – củ - quả. Do trồng trong nhà lưới, hạn chế tối đa sâu bệnh nên các loại rau màu canh tác ở đây gần như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Theo các công nhân tại đây, hi hữu mới phải dùng những sản phẩm vi sinh trong danh mục cho phép, được phun đúng quy trình và quy định thời gian cách ly theo tiêu chuẩn VietGAP. Dưới bàn tay chăm sóc tỉ mỉ hàng ngày của những công nhân, từng giàn su su chi chít quả. Các luống su hào, mùng tơi, rau cải, cà rốt... cứ xanh mơn mởn, thay nhau gối lứa. Chỉ tính riêng khu sản xuất này, mỗi tháng cho sản lượng tới 6 tấn rau – củ - quả, tương đương khoảng 70 tấn/năm.

Trang trại tại vùng đồi xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành của công ty lại thiên về chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm để cung ứng các loại thịt sạch theo quy trình khép kín. Quan sát từ trên cao, chúng tôi thấy có hơn 20 khu chuồng nuôi quy mô, được xây dựng dọc theo một khu đất rộng, còn lại là những khu đất trồng cỏ, với tổng diện tích lên tới 8 ha. Tại đây, công ty luôn duy trì 100 con lợn nái để tự sản xuất lợn giống, mỗi năm xuất ra thị trường và chế biến khoảng 20.000 con lợn thương phẩm. Với bò thịt và gà an toàn sinh học, trang trại cho xuất bán khoảng 100 con bò và 20.000 con gà mỗi năm. Việc chăn nuôi ở đây cũng thực hiện theo chuỗi khép kín, bởi toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được ủ thành phân vi sinh để trồng cỏ voi và nuôi giun quế làm thức ăn cho bò và gà. Đàn gà được thả bán hoang dã, lại không dùng các loại bột công nghiệp làm thức ăn nên chất lượng thịt tốt, được nhiều người tin dùng.

Các sản phẩm thịt và hình thức chăn nuôi tương tự cũng được công ty triển khai tại các trang trại ở xã Trường Giang (Nông Cống) và xã Xuân Thái (Như Thanh). Tuy nhiên, tại hai địa phương này, sản phẩm đặc trưng được công ty ưu tiên là nuôi lợn mán. Những đàn lợn được thả bán tự nhiên, được ăn cỏ và các cây hoang dại, chỉ cần bổ sung một số thức ăn thô nên chi phí chăn nuôi thấp. Tất cả bò, lợn, gà đều được đưa về giết mổ tại lò mổ ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) trước khi cung ứng ra thị trường. Riêng sản phẩm trứng và các loại hải sản được công ty liên kết với các đơn vị sản xuất uy tín để nhập thô, nhưng tự chế biến và đóng bao gói theo quy trình tại cơ sở ở phường An Hoạch.

Chia sẻ về những khó khăn ban đầu và kinh nghiệm vượt qua những cản trở để phát triển, Giám đốc Lê Quang Chuyền thật thà: Thời gian đầu, người tiêu dùng không mấy người biết đến các sản phẩm của công ty, nhiều người chưa tin đây là những thực phẩm an toàn. Họ đánh đồng với những sản phẩm trôi nổi ở các chợ nên cho rằng sản phẩm của chúng tôi có giá cao hơn những sản phẩm tương đương. Hơn nữa, lúc này, các sản phẩm của công ty chưa được phong phú, người mua ít sự lựa chọn. Để vượt qua, công ty đã kiên trì quảng bá, tuyên truyền trong nhiều năm, thậm chí mời và đưa nhiều đoàn khách hàng đến tham quan các cơ sở sản xuất. Khi khách thấy đây là những sản phẩm được nuôi trồng theo đúng quy trình sạch, họ tuyên truyền nhau nên ngày càng có nhiều người biết đến. Đến nay, giá thịt bò của đơn vị đã giảm xuống, còn tương đương với giá thịt bò bán ở chợ. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã xây dựng, phát triển được 10 cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch tại TP Thanh Hóa, mỗi năm, cung ứng cho người tiêu dùng hàng trăm tấn thực phẩm các loại.

Con đường dẫn tới thành công nhiều chông gai, nhưng đến thời điểm hiện tại, công ty đã gặt hái được nhiều thành quả từ định hướng kinh doanh đã chọn. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng, công ty đạt doanh thu trung bình khoảng 3 tỷ đồng. Có thể khẳng định: Kinh doanh thực phẩm sạch theo chuỗi là hướng đi đúng.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]