(Baothanhhoa.vn) - Cùng với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn đang được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong mục tiêu chuyển dịch, nâng cao thu nhập, tạo nhiều việc làm cho người lao động, cần hoạch định những bước đi phù hợp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển công nghiệp nông thôn - những vấn đề đặt ra

Cùng với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn đang được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao trong mục tiêu chuyển dịch, nâng cao thu nhập, tạo nhiều việc làm cho người lao động, cần hoạch định những bước đi phù hợp.

Phát triển công nghiệp nông thôn - những vấn đề đặt ra

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại HTX Tân Thọ (Nông Cống). Ảnh: Minh Hằng

Phát huy đúng tiềm năng, thế mạnh

Phát triển công nghiệp nông thôn được triển khai mạnh sau khi Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 9-6-2004 của Chính phủ về phát triển công nghiệp nông thôn ra đời. Trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương đã phát huy những tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn về nguồn nguyên liệu, lao động để xây dựng, phát triển các cơ sở công nghiệp ở nông thôn với nhiều ngành nghề đa dạng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung, gắn với lợi thế vùng miền, như nghề khai thác, chế biến đá tại Cụm Công nghiệp (CCN) Nhồi (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa), CCN Yên Lâm (Yên Định), chế biến đồ thủ công mỹ nghệ từ cói tại CCN thị trấn Nga Sơn, nghề chế biến hải sản tại các địa phương ven biển; phát triển các nhà máy may công nghiệp tại các địa phương có lợi thế về nguồn lao động, như: Hoằng Hóa, Yên Định, Thạch Thành, Hậu Lộc...

Đánh bắt thủy, hải sản là nghề truyền thống có từ lâu đời tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn. Cùng với mục tiêu hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để khuyến khích phát triển các cơ sở hậu cần nghề cá. Xác định dịch vụ sau thu hoạch đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị hải sản sau khai thác; đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, do đó địa phương luôn quan tâm, khuyến khích nhân dân đầu tư cơ sở vật chất vào hoạt động chế biến. Đồng hành cùng đội tàu khai thác của phường Quảng Tiến hiện nay là 30 cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó có 5 cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu hải sản có kho chứa trên 3.500 tấn, giải quyết việc làm cho 450 lao động với thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Đại diện lãnh đạo UBND phường Quảng Tiến chia sẻ: Từ lợi thế của địa phương trong hoạt động khai thác hải sản, các cơ sở chế biến và sửa chữa tàu thuyền sẽ thuận lợi hơn các địa phương khác trong việc thu mua nguyên liệu cũng như sửa chữa, đóng mới tàu thuyền. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đấu mối với Phòng Kinh tế, UBND TP Sầm Sơn và các ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được vay vốn, tiếp tục đầu tư phát triển các cơ sở sửa chữa tàu thuyền và chế biến hải sản có quy mô lớn, công nghệ hiện đại hơn nhằm gia tăng giá trị hải sản sau khai thác.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phần lớn việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn được tập trung tại các làng nghề này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số sản phẩm có được thị trường tiêu thụ ổn định và mở rộng quy mô không nhiều. Một trong những hạn chế, điểm yếu của nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh là chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Nguyên nhân của thực trạng trên là do các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất vẫn chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, quảng bá giới thiệu sản phẩm, dẫn đến tính cạnh tranh trên thị trường không cao. Điều này đã khiến sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có.

Trước đây, sản phẩm nước mắm, mắm chua, mắm tôm của Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, huyện Tĩnh Gia chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ ở một số địa phương trong tỉnh, thương hiệu chưa được nhiều người tiêu dùng biết tới. Năm 2018, cùng với việc đầu tư mở rộng nhà xưởng, chú trọng nâng cao chất lượng, công ty đã thực hiện đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó, mỗi sản phẩm khi đưa ra thị trường đều có tem nhãn, mã vạch, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Điều này không chỉ giúp công ty nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của hệ thống siêu thị trên cả nước.

Cần có cơ chế riêng cho những vùng khó khăn

Theo đánh giá của Phòng Công nghiệp, Sở Công Thương, từ khi có Nghị định 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, tình hình phát triển công nghiệp nông thôn ở tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự hình thành các cụm, khu công nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nhân cấy nghề của các làng nghề... giải quyết lao động dư thừa tại chỗ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp nông thôn ở các huyện miền núi vẫn còn nhiều khó khăn do phần lớn các cơ sở công nghiệp ở các địa phương này thiếu vốn đầu tư, thiếu lao động tay nghề cao, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, tự phát. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương còn hạn chế, nội dung triển khai chưa phong phú, thủ tục còn rườm rà, định mức hỗ trợ một số nội dung còn rất thấp. Để gỡ khó cho việc phát triển công nghiệp nông thôn tại các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, tỉnh ta đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển đầu tư hạ tầng cho các CCN, với định mức cao tại các huyện miền núi. Tuy nhiên, do cần số vốn đầu tư lớn nên tiến trình thu hút và thực hiện đầu tư còn chậm.

Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn, các địa phương cần chú trọng hơn trong việc xác định sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, từ đó quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đào tạo đội ngũ lao động tay nghề cao để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thương trường. Ngành công thương cần nghiên cứu, có những chính sách ưu đãi thiết thực hơn về đầu tư cơ sở hạ tầng tại các CCN đã được quy hoạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuê đất đầu tư các cơ sở chế biến lâm sản. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai các đề án, chương trình khuyến công phù hợp để động viên doanh nghiệp, người lao động tham gia. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cũng cần chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư, để phát triển ngày càng bền vững.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]