(Baothanhhoa.vn) - HTX dịch vụ nông nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng khi vừa hỗ trợ các thành viên tham gia thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Luật HTX năm 2012 là cơ sở để các HTX chủ động, linh hoạt, sáng tạo với mục đích là quản trị và hoạt động theo hướng đổi mới gắn dịch vụ với nhu cầu của thành viên và thị trường làm cho HTX ngày càng lớn mạnh, thể hiện vai trò hạt nhân trong vai trò cầu nối giữa người nông dân với doanh ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp ở huyện Yên Định

HTX dịch vụ nông nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng khi vừa hỗ trợ các thành viên tham gia thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Luật HTX năm 2012 là cơ sở để các HTX chủ động, linh hoạt, sáng tạo với mục đích là quản trị và hoạt động theo hướng đổi mới gắn dịch vụ với nhu cầu của thành viên và thị trường làm cho HTX ngày càng lớn mạnh, thể hiện vai trò hạt nhân trong vai trò cầu nối giữa người nông dân với doanh nghiệp trong cung ứng dịch vụ, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực tế đã có nhiều HTX hoạt động gắn với sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết theo chuỗi.

Nông dân xã Định Hưng chăm sóc cây trồng vụ đông.

Huyện Yên Định hiện có 34 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, chủ yếu cung cấp dịch vụ làm đất, dịch vụ mạ khay, máy cấy, dịch vụ bảo nông, các dịch vụ đầu vào (như vật tư, phân bón, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật...). Đồng thời, tham gia đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương, nạo vét kênh tiêu, xây dựng đường giao thông nội đồng; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tham quan đầu bờ để hướng dẫn xã viên ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch lại ruộng đồng, mở rộng diện tích các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: Bí ngô, bí xanh, ngô ngọt, rau an toàn, sản xuất lúa giống, ớt cay xuất khẩu, ngô dày, khoai tây. Bên cạnh đó, các HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 5 HTX sản xuất, tiêu thụ lúa F1; 13 HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ giống lúa thuần; 3 HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ ngô ngọt; 5 HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ ngô dày (làm thức ăn cho bò sữa, bò thịt chất lượng cao); 3 HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ bí xanh; 3 HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây. Riêng đối với sản xuất ớt xuất khẩu, có 3 HTX ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ 100% sản phẩm cho nông dân. Nhờ vậy, giá trị kinh tế của sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất tăng lên; khắc phục hạn chế về ruộng đất manh mún, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện để đưa cơ giới vào sản xuất. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập và giúp người nông dân làm giàu chính đáng. Ngoài ra, các HTX dịch vụ nông nghiệp cũng đã phát huy vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, tạo vệc làm ổn định cho người lao động, phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Thông qua các HTX, các dịch vụ nông nghiệp cũng được ứng dụng một cách linh hoạt hơn, một số HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường tạo sự liên kết hợp tác với nhau và với doanh nghiệp tổ chức kinh tế mang lại hiệu quả cao cho thành viên. Kết quả đạt được của các HTX đã góp phần làm tăng giá trị kinh tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn từ 120 triệu đồng/ha/năm 2015 lên gần 140 triệu đồng/ha/dự kiến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, góp phần không nhỏ vào thành tích huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các HTX dịch vụ nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, đó là: Nhiều HTX chưa có liên kết, tiêu thụ sản phẩm nên chưa phát huy hết vai trò trong tái cơ cấu nông nghiệp, một số HTX chưa có trụ sở làm việc. Sự liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác còn ít và chưa thực sự bền vững. Phần lớn các HTX đều thiếu vốn, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ và năng lực quản lý; nhiều HTX có số thành viên lớn và chủ yếu chỉ thực hiện các dịch vụ đầu vào, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, số lượng sản phẩm được các HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ còn ít... Một số HTX đã đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012 nhưng chưa thực sự tổ chức và hoạt động đúng các quy định của Luật HTX.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp, đại diện lãnh đạo UBND huyện Yên Định, cho biết: Trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là việc cần phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia thực hiện các dịch vụ hỗ trợ xã viên/thành viên. Kiện toàn tổ chức ban nông nghiệp xã; tổ chức thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công, như: Khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chất lượng nông sản, tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát huy năng lực của hội đồng quản trị HTX; đồng thời, gắn nhiệm vụ phát triển HTX với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Đổi mới nội dung hoạt động và phương thức quản lý HTX theo hướng chuyển mạnh từ cơ chế quản lý hành chính sang sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo cơ chế thị trường và phương thức quản lý theo quy định của Luật HTX năm 2012. Đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực trên địa bàn phù hợp với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với HTX để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng... để khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào khu vực sản xuất nông nghiệp hiện còn đang gặp nhiều khó khăn. Đổi mới cơ chế, thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, sắp sếp tổ chức lại hoạt động các HTX dịch vụ nông nghiệp theo hướng tinh gọn bộ máy và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động của HTX trong tình hình mới. Ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ phát triển HTX dịch vụ nông nghiệp thông qua việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án... Đẩy mạnh phát triển các HTX, qua đó sẽ hỗ trợ nông dân xử lý những bất cập về mô hình sản xuất và mô hình quản lý, giảm thiểu những rủi ro trên thị trường. Có chính sách thu hút, khuyến khích lao động trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và gắn bó với việc xây dựng HTX dịch vụ nông nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.


Bài và ảnh: Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]