(Baothanhhoa.vn) - Khi nói về hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), người ta thường ví von rất hay rằng: Thương trường giống như chiến trường. Bởi vậy, sẽ không là khoa trương nếu so sánh mỗi người doanh nhân cũng tựa hồ như một người “chiến sĩ” trên chiến trường khốc liệt ấy. Để có thể gặt hái thành công và được thị trường đón nhận, vinh danh, người doanh nhân bắt buộc phải trải qua một quá trình tìm tòi, sáng tạo, mở rộng tư duy, dám nghĩ, dám làm, vượt qua bao khó khăn, thử thách để tạo ra một hướng đi mới, một con đường mới. Tuy nhiên, trong một cộng đồng doanh nhân luôn tồn tại một số người dám chấp nhận khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám bỏ tiền đầu tư, sáng tạo nhằm mở ra những con đường mà trước đó “chưa từng có tiền lệ”, góp phần tạo dựng nên những giá trị tốt đẹp cho chính mình và cống hiến cho toàn xã hội. Đó là bản lĩnh của người dám tiên phong. Ông Nguyễn Đức Đủ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa (XLĐL TH) là một doanh nhân như vậy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bản lĩnh của người dám tiên phong

Khi nói về hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), người ta thường ví von rất hay rằng: Thương trường giống như chiến trường. Bởi vậy, sẽ không là khoa trương nếu so sánh mỗi người doanh nhân cũng tựa hồ như một người “chiến sĩ” trên chiến trường khốc liệt ấy. Để có thể gặt hái thành công và được thị trường đón nhận, vinh danh, người doanh nhân bắt buộc phải trải qua một quá trình tìm tòi, sáng tạo, mở rộng tư duy, dám nghĩ, dám làm, vượt qua bao khó khăn, thử thách để tạo ra một hướng đi mới, một con đường mới. Tuy nhiên, trong một cộng đồng doanh nhân luôn tồn tại một số người dám chấp nhận khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám bỏ tiền đầu tư, sáng tạo nhằm mở ra những con đường mà trước đó “chưa từng có tiền lệ”, góp phần tạo dựng nên những giá trị tốt đẹp cho chính mình và cống hiến cho toàn xã hội. Đó là bản lĩnh của người dám tiên phong. Ông Nguyễn Đức Đủ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa (XLĐL TH) là một doanh nhân như vậy.

Bản lĩnh của người dám tiên phong

Ông Nguyễn Đức Đủ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa kiểm tra sản xuất tại xưởng sản xuất cột điện. Ảnh: Thùy Dương

Một quyết định táo bạo từ hai bàn tay trắng

Thành công đầu tiên của ông Đủ chính là việc thành lập được Công ty Xây lắp điện nước (1–3–1989) giữa lúc tỉnh Thanh Hóa cùng cả nước bước vào thực hiện đổi mới mạnh mẽ từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhớ lại những ngày đầu về nhận nhiệm vụ tại công ty, ông Đủ cười hiền, “nửa đùa nửa thật” chia sẻ: “Thực tình, cả ban giám đốc khi ấy chẳng khác nào thân cu li, chạy vạy vay mượn khắp nơi. Không có nguồn vốn lưu động, mọi hoạt động tài chính của công ty chỉ trông vào 9,5 triệu đồng mà Sở Tài chính cho vay để đầu tư trang thiết bị ban đầu”. Với số tiền ít ỏi đó, ông cùng đồng chí Lê Ngọc Ninh, giám đốc công ty và một số cán bộ nghiệp vụ khéo léo thu vén, trang trải, vừa lo ổn định tổ chức, tuyển công nhân, vay vốn ngân hàng, vay vật tư của các đơn vị bạn, sửa chữa văn phòng làm... Ngần ấy công việc được giải quyết nhanh gọn, “đâu vào đấy” chỉ trong thời gian rất ngắn.

Trước thời điểm Công ty Xây lắp điện nước được thành lập, cả tỉnh Thanh Hóa chỉ có một công ty duy nhất làm nhiệm vụ xây dựng đường dây và trạm biến áp. Tuy đã có bề dày hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành nhưng lúc bấy giờ, Công ty Điện lực Thanh Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của Công ty Điện lực Thanh Hóa, UBND tỉnh quyết định sáp nhập Công ty Xây lắp điện nước (thuộc Sở Xây dựng) vào Công ty Điện lực Thanh Hóa, đổi tên thành Công ty XLĐL TH, giao cho ông Đủ đảm nhận chức vụ giám đốc. Nhận được sự tín nhiệm của cấp trên, ông Đủ vừa mừng nhưng cũng thấy bộn bề lo toan: “Làm sao để có thể “chèo lái” được con thuyền mà chất lượng “những mảnh ghép” của nó còn rất khập khiễng. Một công ty mới thành lập, tuy đã tạo dựng được những thành quả bước đầu nhưng vẫn chưa thực sự lớn mạnh. Một công ty thì đang trên bờ vực phá sản, gần như chẳng còn sức sống. Với cương vị giám đốc, ông phải tìm mọi cách giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này” – ông Đủ trăn trở.

Nghĩ là làm, ông Đủ tập hợp cán bộ chủ chốt của công ty, bàn cách sắp xếp lại bộ máy tổ chức sao cho gọn nhẹ, linh hoạt, tạo dựng cơ chế thu hút người giỏi vào làm việc, củng cố tài chính, liên hệ mở rộng thị trường... Ông xác định: “Mở rộng thị trường là nhiệm vụ cần phải làm ngay, mang tính sống còn, quyết định sự thành hay bại của công ty”. Bản lĩnh, quyết đoán và đầy táo bạo, năm 1997, ông Đủ mạnh dạn tham gia đấu thầu công trình điện khí hóa xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Công ty trúng thầu với khối lượng 36km đường dây trung thế và 36 trạm biến áp 1 pha. Được sự lãnh đạo kịp thời, sâu sát của cấp ủy đảng, ban giám đốc và sự hăng hái, nhiệt huyết của cán bộ, công nhân viên, công trình hoàn thành đạt chất lượng cao, tiến độ đảm bảo, được Công ty Điện lực 2 đánh giá cao. Sau khi vượt qua được thử thách vô cùng khó khăn này, công ty tự tin trong việc dự thầu và tiếp tục trúng thầu nhiều công trình khó khăn hơn ở các vùng miền núi Thanh Hóa như: Đường dây 35Kv Bá Thước – Quan Sơn dài 29km; 3 gói thầu đường dây 35Kv Quan Hóa – Mường Lát dài 60km; đường dây 35Kv Quan Sơn – Na Mèo (Quan Sơn)... Đây đều là những gói thầu khó nhưng được công ty hoàn thành một cách thuận lợi, đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, tạo dựng được uy tín trên thị trường, lòng tin với đối tác. “Thừa thắng xông lên”, công ty liên tiếp thắng thầu, không chỉ trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa mà ở khắp các địa bàn trên cả nước. Từ những kết quả nêu trên, chỉ sau 2 – 3 năm kể từ ngày sáp nhập, công ty đã ổn định được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Doanh thu tăng, tài chính được cải thiện, công ty tích cực tuyển thêm cán bộ kỹ thuật, đội ngũ lao động có tay nghề, đã qua đào tạo; đầu tư thêm trang thiết bị. Ông Đủ tạm thở phào nhẹ nhõm: “Bắt đầu từ một ý nghĩ, quyết định táo bạo và gần như bắt đầu mọi thứ từ hai bàn tay trắng, chúng tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tập trung chuẩn bị mọi điều kiện bước sang giai đoạn phát triển”.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Nếu những đóng góp của ông Đủ trong hành trình đưa Công ty XLĐL TH vượt qua giai đoạn khó khăn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là người tiên phong?” thì khi công ty bước sang giai đoạn phát triển, đột phá đã chỉ ra các tố chất cần phải có ở một người tiên phong. Đó là bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu phát triển cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Bước đột phá đầu tiên kể từ khi bước sang giai đoạn phát triển của Công ty XLĐL TH là chủ động đề xuất với UBND tỉnh và Công ty Điện lực 1 đồng ý cho ứng vốn hơn 100 tỷ đồng để làm hệ thống điện cho các xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn chưa có điện của các huyện miền núi trên địa bàn toàn tỉnh. Với cách làm sáng tạo, quản lý hiệu quả, chỉ sau 3 năm (2001 – 2003), dự án đã hoàn thiện với khối lượng 356 km đường dây trung thế, 738 km đường dây hạ thế, 123 trạm biến áp có tổng công suất 9.420 KVA; góp phần giúp cuộc sống của bà con vùng cao các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành, Ngọc Lặc... được cải thiện, thúc đẩy sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Thành công của dự án này không chỉ tạo nên bước đột phá trong quá trình phát triển của công ty mà hơn hết, nó được xem như thắng lợi lớn của tỉnh Thanh Hóa về phát triển lưới điện trong giai đoạn 2001 – 2005. Bởi lẽ, vào thời điểm đó, nếu chỉ ngồi chờ kinh phí Nhà nước phân bổ đến đâu xây dựng đến đó thì ước chừng phải mất 20 năm sau miền núi Thanh Hóa mới được phủ lưới điện quốc gia. Không ngủ quên trên chiến thắng, nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi, từ chỗ chỉ thi công đường dây trung, hạ thế, công ty đã đầu tư nâng cao năng lực, thiết bị nhằm tập trung chuyển hướng nhận thầu thi công các đường dây cao áp 110 Kv, 220 Kv, 500 Kv với hàng loạt công trình tiêu biểu trên khắp cả nước. Để có được bước nhảy vọt ấy, ông Đủ đã bỏ rất nhiều công sức và trí tuệ nghiên cứu kỹ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật thông tin thị trường sau đó tổng hợp, sàng lọc đưa ra dự báo tình hình thị trường.

Bản lĩnh của người tiên phong còn được ông Đủ và tập thể Công ty XLĐL TH thể hiện trong việc mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh cho công ty được tiếp nhận nguyên trạng lưới điện hạ thế nông thôn vốn đã ở trong tình trạng cũ nát, lạc hậu, tổn thất điện năng lớn, điện cuối nguồn quá yếu nên thường xuyên xảy ra tình trạng sụt áp khiến nhiều nơi có điện cũng như không, phải dùng nến hoặc đèn dầu, người dân dùng điện với giá cao. Khi tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn này, công ty chịu trách nhiệm quản lý, đầu tư nâng cấp và bán điện đến các hộ dân theo giá trần của Chính phủ quy định, người dân chỉ thanh toán tiền sử dụng điện mà không phải đóng góp bất kỳ khoản nào (kể cả sửa chữa đường dây và thay công tơ). Đến nay, công ty tiếp nhận, chịu trách nhiệm cải tạo, nâng cấp và quản lý bán điện ở 116 xã thuộc 16 huyện trên địa bàn tỉnh với khoảng 200.000 khách hàng.

Đánh giá về ý nghĩa của bước đột phá này, ông Đủ cho biết: “Đây không chỉ là công việc nhằm mở rộng hoạt động SXKD của công ty mà còn có tác động to lớn đến vấn đề kinh tế - xã hội, giúp cải tạo hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn, đảm bảo an toàn lưới điện, nâng cao chất lượng điện. Đặc biệt, nó giúp bà con nhân dân tránh được tình trạng phải mua điện với giá cao, bất hợp lý”.

Bên cạnh việc chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa công nghệ vào phục vụ nhu cầu tăng trưởng sản xuất, trong quá trình điều hành SXKD, ông Đủ nhận thức được rằng: “Muốn đạt được hiệu quả cao trong kinh doanh phải biết lựa chọn được một mô hình quản lý thích hợp”. Từ ý nghĩ đó, ông Đủ mạnh dạn đi đầu trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp. Tháng 8-2002, Công ty XLĐL TH tiến hành cổ phần hóa, lấy tên là Công ty CP XLĐL TH cho đến ngày hôm nay. Cùng với Công ty XLĐL TH, 5 công ty cổ phần khác được quản lý theo mô hình tập đoàn kinh tế “công ty mẹ - công ty con”. Hướng đi đúng đắn của ông Đủ và ban lãnh đạo công ty đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, tạo điều kiện đầu tư chuyên môn hóa những cung đoạn đặc biệt nên vừa vững mạnh hơn về tiềm lực lại vừa linh hoạt, đa dạng trong SXKD, đáp ứng được sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong cơ chế thị trường.

Luôn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong điều kiện cơ chế thị trường và quá trình hội nhập ngày càng gay gắt, ông Đủ và ban lãnh đạo công ty đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào điều hành phát triển SXKD đạt hiệu quả cao. Thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tập trung nâng cao sức lãnh đạo của Đảng trong việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu SXKD. Tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể hoạt động có hiệu quả. Công tác chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động; công tác bảo hộ an toàn lao động được công ty quan tâm thực hiện. Từ năm 2004, Công ty CP XLĐL TH đã đề xuất với Ủy ban MTTQ tỉnh được trực tiếp tổ chức đoàn đi tặng quà, thăm hỏi, giúp đỡ những người còn thiếu may mắn, chịu thiệt hại do thiên tai, cuộc sống khó khăn... Riêng 9 tháng năm 2019, Công ty CP XLĐL TH đã dành 824,4 triệu đồng cho công tác an sinh xã hội, từ thiện.

Với những thành tích đã đạt được trong phát triển SXKD và thực hiện tốt an sinh xã hội, các năm vừa qua, Công ty CP XLĐL TH và nhiều cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương tặng nhiều phần thưởng cao quý. Điển hình như Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. Đặc biệt, năm 2005, Công ty CP XLĐL TH đã được Nhà nước phong tặng “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Phát huy truyền thống Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, khai phóng nguồn nội lực nhằm đổi mới công tác tổ chức cán bộ, điều hành, chỉ đạo sản xuất, tăng cường các mặt quản lý. Phư­­­ơng châm phát triển của Công ty CP XLĐL TH là: “Uy tín, chất lượng và thương hiệu”. Mục tiêu là: “Giữ vững, vươn lên và phát triển bền vững”, đó là sự sống còn của doanh nghiệp, là hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nư­­­ớc, ngư­­ời lao động và cộng đồng. Trong những năm tới công ty sẽ tiếp tục vư­ơn lên phát triển bền vững bằng nội lực, xây dựng và phát triển Công ty CP XLĐL TH thành doanh nghiệp mạnh.

Tính riêng 9 tháng năm 2019, doanh thu của công ty đạt 630 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; mức tăng trưởng những năm gần đây luôn đạt từ 15 đến 20%. Hiện nay, công ty đang gấp rút hoàn thành xây dựng, để trong quý 4-2019 đưa một số công trình vào sử dụng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh như đường dây 110 kV sau TBA 220 kV Quỳnh Lưu và nhánh rẽ Nhà máy Xi măng Tân Thắng (Nghệ An), đường dây 110 Kv cấp điện từ TBA 220 kV Nghi Sơn - TBA Luyện Kim I (Tĩnh Gia), đường dây 110 Kv 173 Hải Hà - 171 Quảng Hà (Quảng Ninh), công trình các xuất tuyến đường dây trung thế 35kV, 22kV Kỳ Sơn (Hòa Bình)... Đó là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, công nhân viên, người lao động công ty trong quá trình xây dựng, trưởng thành. Đây cũng là nguồn động lực quan trọng để công ty tiếp tục phấn đấu, vươn mình thành tập đoàn kinh tế mạnh của tỉnh Thanh Hóa.

Bản lĩnh của người dám tiên phong, điều cốt lõi nhất, lại chính là việc có thể đi được đến cùng với những gì mình đã tạo dựng, vun đắp. Nó giống như cái cách mà ông Đủ quên đi năm tháng để tiếp tục hăng hái, nhiệt huyết lăn xả vào bộn bề công việc tại Công ty CP XLĐL TH.

Hương Thảo


Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]