(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 15.500 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Theo nhận định của các sở, ngành có liên quan của tỉnh, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 hiện đã tác động toàn diện tới các lĩnh vực kinh tế theo chiều hướng tiêu cực. Trong đó, chịu tác động nặng nề nhất là các DN trong lĩnh vực may mặc, giầy da, xuất khẩu nông, thủy sản, các DN du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh COVID-19

Bài 5: Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 15.500 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Theo nhận định của các sở, ngành có liên quan của tỉnh, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 hiện đã tác động toàn diện tới các lĩnh vực kinh tế theo chiều hướng tiêu cực. Trong đó, chịu tác động nặng nề nhất là các DN trong lĩnh vực may mặc, giầy da, xuất khẩu nông, thủy sản, các DN du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn.

Bài 5: Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Tinh bột sắn tồn kho tại Công ty TNHH Chế biến nông, lâm sản xuất khẩu Như Xuân.

Rà soát mới nhất của Sở Công Thương cho thấy, 32 ngành hàng công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều chịu tác động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh gây ra. Với một nền kinh tế còn phụ thuộc về nguyên liệu sản xuất, việc các đối tác cung ứng chủ yếu, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khan hiếm nguyên liệu đang khiến các doanh nghiệp “đứng ngồi” không yên. Khảo sát của Phòng Công nghiệp và Phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), cho thấy: Trong lĩnh vực may mặc, giầy da, chỉ một số ít DN dự trữ đủ nguyên liệu sản xuất tới tháng 6 hoặc đã nhập khẩu nguyên liệu thành công từ các thị trường khác, như: Nhà máy may An Khánh (Yên Định), S&H Vina (Thạch Thành), Winner Vina (Nga Sơn). Một số nhà máy lượng nguyên liệu sản xuất chỉ còn duy trì được đến hết tháng 3, như: Nhà máy may Cẩm Bình (Cẩm Thủy), Pan-pacific (Ngọc Lặc), Tập đoàn Hongfu. Còn lại, đa số các nhà máy chỉ sản xuất được trong thời gian ngắn.

Tại Tổng Công ty Tiên Sơn, trong tháng 2, số lượng nguyên liệu đã thiếu hụt khoảng 20%. Một số nhà máy trong hệ thống của tổng công ty chỉ còn hoạt động được khoảng 20 ngày. Nếu tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, Hàn Quốc được kiểm soát, các nhà máy sản xuất nguyên liệu hoạt động trở lại thì đơn vị mới có nguyên liệu sản xuất đạt khoảng 50% công suất.

Khó khăn, khan hiếm nguyên liệu khiến một số DN trong lĩnh vực may mặc, giầy da đã phải cho người lao động nghỉ việc luân phiên, nghỉ việc ngắn ngày, không tăng ca sản xuất như những thời điểm cùng kỳ các năm trước.

Không chỉ tác động mạnh lên các DN trong lĩnh vực may mặc, giầy da, nguyên phụ liệu cho các DN trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất phân bón cũng gặp khó. Tại Nhà máy ô tô Veam Bỉm Sơn, hầu hết linh kiện được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là ở TP Vũ Hán. Đại diện công ty này cho biết: Hiện công ty đã đặt hàng linh kiện, các cửa khẩu cũng đã được thông thương trở lại, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các nhà máy tại TP Vũ Hán chưa đi vào hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng nên vẫn chưa có kế hoạch vận chuyển máy móc, thiết bị về nhà máy. Việc tìm kiếm thị trường thay thế cũng đã được công ty đẩy mạnh, với việc nghiên cứu thị trường Hàn Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốc là đất nước sản xuất ngành thép lớn nhất thế giới, các nguyên liệu sản xuất máy móc, thiết bị đều nhập từ thị trường này do đó việc sản xuất linh kiện từ các quốc gia khác cũng đều bị ảnh hưởng, không có năng lực cung ứng.

Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới các DN trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản. Toàn tỉnh hiện tồn đọng hàng trăm nghìn tấn nông sản, chủ yếu là ớt, tinh bột sắn, bột cá... Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến không ít DN rơi vào cảnh lao đao, công nhân thiếu việc làm, nông sản rớt giá.

Là một doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai (TP Thanh Hóa) xuất khẩu ớt tươi sang thị trường Hàn Quốc, đồng thời, nhập một số thực phẩm chế biến sẵn cao cấp cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn. Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra tại Hàn Quốc chưa phức tạp như hiện tại, phía đối tác Hàn Quốc đã thông báo ngừng nhập hàng do lo ngại sự lây lan của vi-rút corona. Cùng chia sẻ khó khăn với người nông dân, các HTX cung ứng nông sản, công ty vẫn tiếp tục thu mua, bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số hàng hóa tồn đọng tại các kho lạnh của công ty đã lên tới 8 container, giá trị khoảng 4,8 tỷ đồng. Để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tồn kho, đơn vị đã hạ giá 20% sản phẩm nhưng vẫn không xuất được hàng do phía các công ty chế biến nông sản tại Hàn Quốc cũng sản xuất cầm chừng. Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai, chia sẻ: Hiện công ty đã phải ngừng thu mua nguyên liệu do chi phí hàng tồn kho, bảo quản nguyên liệu cao. Không những vậy, hoạt động của các nhà hàng, khách sạn cũng gặp khó khăn nên các thực phẩm đã được nhập khẩu về cũng bị tồn đọng.

Tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 được đánh giá sẽ khiến các chỉ tiêu tăng trưởng của các ngành sản xuất sụt giảm so với kế hoạch và thời điểm cùng kỳ. Theo kế hoạch, năm 2020, ngành may mặc phấn đấu đạt sản lượng 315 triệu sản phẩm, tăng 10% cùng kỳ; giầy da đạt 140 triệu sản phẩm, tăng 12,3% cùng kỳ. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó thực hiện nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Sản phẩm súc sản đông lạnh xuất khẩu quý I dự đoán giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục lan rộng trên thế giới, nhất là Hồng Kông và Trung Quốc, dự kiến sản lượng xuất khẩu sản phẩm này tiếp tục giảm khoảng 20-30% trong quý II. Mặt hàng tinh bột sắn, hiện có hơn 20.000 tấn lưu kho. Với các mặt hàng thủy sản đông lạnh, cói nguyên liệu, các mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc thông qua cửa khẩu biên giới. Do đó, dự báo mặt hàng này có thể tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản lượng có thể giảm từ 30-50% trong quý II.

Được biết, để vượt khó, nhiều DN cũng đã chủ động tìm kiếm nguyên liệu sản xuất tại các thị trường khác và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, do các đơn hàng xuất khẩu đều được thống nhất về đơn giá, quy cách, chỉ định nguyên liệu từ trước, do đó việc thay thế nguyên liệu không phải là vấn đề đơn giản. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh tác động trực tiếp lên thị trường toàn cầu nên việc giao dịch, phát triển đối tác đều gặp khó khăn và ít khả thi.

Trước những khó khăn hiện hữu, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cũng đã có những chỉ đạo cấp thiết nhằm hỗ trợ DN khắc phục khó khăn. Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn khẩn về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền thông tin tới các DN và người lao động trên địa bàn về tình hình diễn biến dịch bệnh và các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát để các DN và người lao động yên tâm, ổn định sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, phân công đầu mối chủ động liên hệ với các DN để động viên, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN trên địa bàn. Kịp thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các cơ quan liên quan để xem xét giải quyết, hỗ trợ phù hợp. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để giúp các DN nhanh chóng thực hiện dự án, phục vụ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, để các giải pháp hỗ trợ đi vào thực chất, các sở, ngành, các cấp cần sớm nghiên cứu, triển khai các biện pháp hỗ trợ DN một cách thiết thực, như: Hỗ trợ trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất một cách thuận lợi, nhanh chóng. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, cán bộ quản lý, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh để sớm triển khai công việc sản xuất, kinh doanh; có giải pháp kích cầu đúng hướng để thúc đẩy tiêu dùng, dịch vụ. Các sở, ngành, hiệp hội cần khảo sát nhanh các DN thuộc ngành, lĩnh vực đơn vị mình theo dõi, quản lý để đánh giá tác động, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Bài 6: Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]