(Baothanhhoa.vn) - Với đặc điểm là tỉnh đất rộng địa hình đa dạng, có cả vùng núi, trung du, đồng bằng và ven biển, từ lâu Thanh Hóa đã nổi tiếng là vùng đất phong phú về sản vật tự nhiên và những sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Đó chính là điều kiện lý tưởng để xây dựng, phát triển thành sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - một bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng nông thôn mới - cách làm sáng tạo của Thanh Hóa

Bài 4: Kỳ vọng những sản phẩm OCOP

Với đặc điểm là tỉnh đất rộng địa hình đa dạng, có cả vùng núi, trung du, đồng bằng và ven biển, từ lâu Thanh Hóa đã nổi tiếng là vùng đất phong phú về sản vật tự nhiên và những sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Đó chính là điều kiện lý tưởng để xây dựng, phát triển thành sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) - một bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới.

Bài 4: Kỳ vọng những sản phẩm OCOP

Nước mắm Ba Làng (Tĩnh Gia) được chọn làm sản phẩm OCOP giai đoạn đầu của tỉnh. Ảnh: lê đồng

Bài học từ Nhật Bản, Thái Lan...

Những năm 70 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã cơ bản thực hiện xong công cuộc CNH, HĐH đất nước với sự phát triển mạnh mẽ ở khu vực thành phố. Tuy nhiên, tình trạng trái ngược lại diễn ra phổ biến ở khu vực nông thôn khi chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, người nông dân bị mất phương hướng sản xuất phần vì nguồn lao động thiếu hụt, phần vì không nắm được xu hướng thị trường, nhu cầu tiêu dùng. Lúc đó, người đứng đầu tỉnh Oita, ngài Morihiko Hiramatsu đã tìm cách khôi phục nền kinh tế địa phương bằng phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, mỗi làng lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng để phát triển. Hàng loạt vấn đề được đề cập và giải quyết, như: Tổ chức sản xuất sản phẩm, tổ chức mạng lưới quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, phân phối lợi ích... Khi đã gắn kết được sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra nhiều việc làm, tăng giá trị gia tăng trong các sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Nhiều nghề truyền thống được khôi phục, nhiều nghề mới được phát triển. Phong trào đạt được những thành công vang dội, được nhân rộng ra cả nước Nhật Bản, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị... Đến tháng 9-2006, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ triển khai chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” như là một trong những giải pháp trợ giúp cho những nước kém phát triển nhất ở châu Á, châu Phi... Đến nay, đã có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng chương trình.

Gần tương đồng với Việt Nam, Thái Lan đã triển khai và thu hái nhiều thành công từ chương trình “Mỗi cộng đồng một sản phẩm”. Căn cứ đặc thù riêng, Thái Lan đã triển khai thêm nhiều cách làm sáng tạo so với Nhật Bản. Chương trình đã khuyến khích cộng đồng các địa phương phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để cấp chứng nhận thương hiệu (cấp sao cho sản phẩm thông qua các cuộc thi/đánh giá), từ đó hỗ trợ xúc tiến thương mại trong nước và xuất khẩu.

Tiềm năng phát triển to lớn của Thanh Hóa

Có thể khẳng định, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế. Từ lâu, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng, như: Chiếu Nga Sơn, tơ Hồng Đô, đúc đồng Chè Đông, bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng, nón lá Trường Giang, bưởi Luận Văn... Nền nông nghiệp đã có những chuyển biến toàn diện, các ngành dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng, ngành du lịch có nhiều khởi sắc... Với cách làm phù hợp, sáng tạo theo đặc điểm, điều kiện lợi thế của tỉnh, đã giúp cho một số sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có thể phát triển khi tham gia vào chương trình OCOP, như: Gạo hữu cơ, gạo nếp hạt cau, nấm, mộc nhĩ, mía, cam, rau an toàn, bưởi Luận Văn, bưởi Yên Ninh, dưa hấu Mai An Tiêm, thanh long ruột đỏ, thịt bò Úc, dê núi, gà đồi, gà ri, vịt Cổ Lũng, vịt bầu, trứng gà, trứng vịt, cá tầm, cá hồi, nước mắm Khúc Phụ, rượu làng Quảng, rượu Chi Nê, tinh dầu quế, đèn lồng, mực khô Sầm Sơn, chè lam Phủ Quảng, mật ong, bánh răng bừa, kẹo nhãn, miến dong, miến gạo, nước tương, mắm tép, mắm cáy, chả cá, sứa đóng túi, nem ống, thịt bò khô hun khói, thịt lợn khô hun khói, bột sắn dây, mật mía, trà rau má, dệt thổ cẩm, hà thủ ô, sa nhân, nấm linh chi, cà gai leo, chè vằng, tinh bột nghệ, tranh thêu... Đó chính là tiền đề để xây dựng thành những sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, toàn tỉnh có hơn 150 làng nghề; trong đó, có 10 làng nghề đã được công nhận thương hiệu, nhãn mác, nhiều sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Các làng nghề du lịch cũng có tiềm năng lớn để trở thành sản phẩm OCOP, nhất là loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng. Tỉnh đã phê duyệt và triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại bản Năng Cát (Lang Chánh), bản Hiêu và bản Đôn (Bá Thước), bản Hang (Quan Hóa), bản Lương Ngọc (Cẩm Thủy)... Để trở thành sản phẩm OCOP, những sản phẩm làng nghề cần được sáng tạo và đa dạng hơn nữa, phải được tăng cường quảng bá, “thổi hồn” cho sản phẩm, gắn kết được với thị trường tiêu thụ bền vững, hướng tới vươn tầm quốc tế.

Tín hiệu vui từ sự quyết tâm

Ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với mục tiêu tổng quát là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân. Chương trình được triển khai và trở thành một trong những bước tiếp theo của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tại tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2018, chương trình đã manh nha triển khai bởi sự lồng ghép các công việc từ Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh. Những tháng giữa năm 2019 này, đơn vị này đã phối hợp với các huyện, tổ chức các hội nghị triển khai chương trình OCOP. Những chuyên gia hàng đầu từ các bộ, ngành, giảng viên các trường đại học nổi tiếng đã được mời về tuyên truyền các kiến thức liên quan. Những nhóm sản phẩm đặc trưng đã được lựa chọn, xây dựng những bước đi đầu tiên để triển khai thành sản phẩm OCOP. Tháng 6–2019, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND để triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa, năm 2019, định hướng những năm tiếp theo”. Trước mắt, chương trình ưu tiên phát triển những sản phẩm sẵn có, đã phát triển thành hàng hóa, thậm chí đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng của từng địa phương trong tỉnh. Từ nay đến năm 2020, tỉnh triển khai xây dựng hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã; đồng thời, ban hành và áp dụng cơ chế, chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên phạm vi cả tỉnh. Hướng tới, tiêu chuẩn hóa khoảng 30% số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có nguồn gốc từ các địa phương trên địa bàn tỉnh (khoảng 50 sản phẩm) thành sản phẩm OCOP trong năm 2020; trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, 10 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 30 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.

Tại huyện Thọ Xuân vào một ngày cuối tháng 9, chúng tôi được đồng hành cùng cán bộ Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đi triển khai hồ sơ cho sản phẩm làng nghề kẹo lạc xã Xuân Yên và bánh gai Tứ Trụ. Đây là 2 sản phẩm làng nghề truyền thống được huyện chọn làm điểm chương trình OCOP, mang theo nhiều kỳ vọng phát triển hơn nữa các làng nghề, đưa sản phẩm truyền thống ra với thị trường trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Bài cuối: Thành quả và những bài học kinh nghiệm.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]