(Baothanhhoa.vn) - Năm 2023 được đánh giá là một năm kinh tế khó khăn, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) không thật sự thuận lợi. Song, nhiều DN vẫn nỗ lực, tăng tốc sản xuất dịp cuối năm để đạt được những mục tiêu đề ra.

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh cuối năm

Năm 2023 được đánh giá là một năm kinh tế khó khăn, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) không thật sự thuận lợi. Song, nhiều DN vẫn nỗ lực, tăng tốc sản xuất dịp cuối năm để đạt được những mục tiêu đề ra.

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh cuối nămCông ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (thị xã Bỉm Sơn) nỗ lực tăng tốc sản xuất cuối năm. Ảnh: Chi Phạm

Theo khảo sát, năm nay các hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do tổng cầu thế giới suy giảm, giá cả leo thang, hoạt động xuất khẩu trì trệ. Nhiều DN bị thiếu hụt đơn hàng dẫn đến doanh thu giảm sút nghiêm trọng, một số còn phải tạm ngừng hoạt động hay thu hẹp quy mô bởi chi phí sản xuất tăng cao... Tuy nhiên, với sự cố gắng của DN và nỗ lực của các cơ quan quản lý, từ nửa đầu quý III, bức tranh công nghiệp của tỉnh đã có tín hiệu hồi phục. Trong đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với nhiều nhóm hàng hóa đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giúp các DN bớt áp lực về kinh tế. Từ đó chuyên tâm vào sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn cũng như tìm kiếm đối tác mới để gia tăng thị phần. 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 15,42% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều có mức tăng khá. Cụ thể, thuốc lá tăng 6,7%; quần áo các loại tăng 7,9%; giày thể thao tăng 10,1%; xi măng tăng 0,9%; sắt thép tăng 7,8%, thiết bị điện, điện tử tăng 8,2%... so với cùng kỳ năm 2022. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh, là động lực để các DN tiếp tục phấn đấu tăng tốc sản xuất cũng như tạo sự bứt phá để về đích trong tháng cuối năm 2023.

Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (đóng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn), trong nửa đầu năm 2023 đã rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng. Trước thực trạng đó, công ty đã chủ động tìm kiếm thị trường và nguồn hàng mới chứ không ngồi im “trông chờ” tín hiệu từ thị trường. Do đó, để tăng tốc sản xuất cuối năm, cùng với việc tuyển dụng thêm lao động, công ty còn đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng dây chuyền, máy móc công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó mà DN đã “giữ chân” được nhiều đối tác quan trọng cũng như tìm kiếm được thêm nhiều đơn hàng mới cho năm 2024. Hiện công ty đang là đối tác chiến lược may gia công tại Việt Nam của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như: Nike, Converse, Hurley, Jordan...

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh cuối nămNgười lao động trong ca sản xuất thời điểm cuối năm tại Công ty TNHH MTV Cử Nga (Đông Sơn).

Ông Trịnh Xuân Lượng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa cho biết: Đối với ngành dệt may năm 2023, tình hình có phần khó khăn hơn mọi năm rất nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công ty đã đạt chỉ tiêu doanh thu 600 tỷ đồng, tương đương 70% kế hoạch năm. Đây là sự nỗ lực không hề nhỏ của toàn thể công nhân viên công ty. Từ giờ tới cuối năm, số lượng đơn hàng ngày một nhiều, để kịp thời gian giao hàng cho đối tác, công ty sẽ phải thuê thêm nhân công và bổ sung một số máy móc, thiết bị mới. Với những tín hiệu tích cực này, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng có thể đạt được 100% mục tiêu đã đề ra trong năm.

Còn đối với ngành vật liệu xây dựng, tháng cuối năm cũng được xem là cơ hội “vàng” để DN tạo sự bứt phá trong sản xuất cũng như tìm kiếm đối tác mới cho quý I năm sau. Điều này được thể hiện rõ nét trong không khí làm việc khẩn trương của Công ty TNHH MTV Cử Nga (Đông Sơn), chuyên sản xuất, cung cấp các loại đá ốp lát: đá marble, đá granite, đá trang trí tự nhiên... và thi công các công trình về đá. Được biết, từ đầu năm hoạt động sản xuất của công ty cũng bị chững lại một vài tháng do thị trường tiêu thụ có dấu hiệu sụt giảm. Song, tại thời điểm này, công ty đang duy trì ở mức ổn định, vận hành hết công suất để kịp tiến độ giao hàng. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ.

Ông Trần Ngọc Cử, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cử Nga cho biết: Với tín hiệu thị trường phục hồi trở lại vào đầu quý III/2023, DN chúng tôi “dễ thở” hơn rất nhiều. Từ những thuận lợi đó, công ty đã triển khai kế hoạch cho quý IV và đến thời điểm hiện tại đã theo sát được 80%, phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch. Để tiếp tục tăng tốc sản xuất, công ty sẽ bố trí thêm máy cắt đá công nghệ cao để tạo hình hoa văn tinh xảo hơn, đáp ứng nhu cầu về mặt thẩm mĩ cho khách hàng; linh hoạt bám sát thị trường để nhập các chủng loại đá với mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, để lượng đơn hàng xuất ra theo đúng kế hoạch năm thì việc đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động cũng được công ty chú trọng. Do đó, công ty đã tổ chức 1 - 2 buổi huấn luyện cho người lao động nâng cao tay nghề, trình độ cũng như sự chủ động trong phòng ngừa và dự báo rủi ro trong quá trình sản xuất.

Cùng với sự nỗ lực tăng tốc của các DN, hiện nay, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung rà soát, đánh giá lại khả năng thực hiện kế hoạch của từng nhóm, ngành hàng. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 200 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD...

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]