(Baothanhhoa.vn) - Tư Phố, Đông Phố, Duy Tinh, Trấn thành Thanh Hóa ở Dương Xá, Hạc Thành là những nơi đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ Thanh Hóa xưa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ Thanh Hóa

Tư Phố, Đông Phố, Duy Tinh, Trấn thành Thanh Hóa ở Dương Xá, Hạc Thành là những nơi đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ Thanh Hóa xưa.

1. Tư Phố

Nơi đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ Thanh Hóa

Chùa Vồm nằm dưới chân núi Bàn A (xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa).

Đây là trị sở sớm nhất và tương đối lâu của Thanh Hóa thời thuộc Hán cho đến đầu Tiền Tống (520 năm). Sách “Đô thị cổ Việt Nam” viết: “Quận trị Tư Phố thuộc cả vùng Dương Xá; trên sườn phía Tây núi Vồm hiện còn địa danh mang tên “Tây Trấn Thành”; dưới chân núi có địa điểm xưa gọi là “Trạm Trung Đồ”. Tại khu vực núi Vồm, Dương Xá, nhân dân thu lượm được rất nhiều hiện vật vũ khí bằng đồng, nhiều gốm Hán, tiền ngũ thù...”. “Mật độ mộ táng thời Hán dày đặc trong các di chỉ Đông Sơn, Thiệu Dương, đặc biệt có nhiều ngôi mộ thời Tây Hán cho phép giả định rằng trung tâm Cửu Chân vào buổi đương thời không kém gì Giao Chỉ” (Phạm Văn Kính). Vùng Dương Xá xưa là một vùng nằm trên bờ sông Mã, sông Chu, nơi hợp lưu của hai con sông lớn nhất xứ Thanh này có tên là Ngã Ba Đầu thuộc huyện Thiệu Hóa, tên xưa là Kẻ Giàng (cũng gọi Kẻ Ràng) và Kẻ Vồm. Tư Phố xưa nằm trên phần đất Kẻ Vồm, có núi Vồm và nhiều cảnh đẹp quanh vùng có tên là “Bàn A thập cảnh” (mười cảnh đẹp quanh vùng núi Bàn A). Tư liệu lịch sử gọi đây là Doanh Xá (hay Dinh Xá) nay thuộc xã Thiệu Khánh, bên cạnh Dương Xá (nay là xã Thiệu Dương) đều thuộc TP Thanh Hóa.

2. Đông Phố

Nơi đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ Thanh Hóa

Bia Trường Xuân, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.

Quận trị Cửu Chân từ Tư Phố dời về Đông Phố đời Tiền Tống (420-479). Sách “TP Thanh Hóa” viết: “Quận trị Cửu Chân từ đời Tùy đã dời Tư Phố về Đông Phố (tức làng Đồng Pho, xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn). Và suốt trong thời kỳ đô hộ của nhà Đường thì Đông Phố vẫn là quận trị của Cửu Chân”. Thật ra Đông Phố vào thời Tùy là một vùng rộng bao gồm các xã ngày nay là Đông Hòa, Đông Xuân, Đông Ninh... thuộc huyện Đông Sơn. Lê Ngọc (tức Lê Cốc) là Thái thú quận Cửu Chân. Khi nhà Đường diệt nhà Tùy, ông không theo nhà Đường mà tự xưng là Hoàng đế, cùng các con trai gái của mình, cho xây dựng kinh đô Trường Xuân (nay thuộc xã Đông Ninh) để chống nhà Đường. Lê Ngọc cùng các con (3 trai 1 gái) đã hy sinh và được nhân dân vùng Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống thờ làm Thành Hoàng gọi chung là Đức Thánh Ngũ Vị mà nổi bật nhất là Thánh Lưỡng Tham xung tá quốc. Ngày nay ở làng Đồng Pho, Trường Xuân (thuộc xã Đông Hòa và xã Đông Ninh) còn lại một số dấu vết về Đông Phố như “vết tích những đường phố thẳng và các giếng đá là một khu của thành” (Lịch sử Thanh Hóa tập II). Tấm bia “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo an đạo trường chi bi văn” (lập năm 618) cùng các truyền thuyết dân gian là hồi quang của quận trị Đông Phố. Dương Đình Nghệ dấy quân từ Ấp Giàng (Dương Xá), song Ngô Quyền làm trấn thủ Ái Châu đóng trị sở ở Đông Phố và “địa điểm xuất quân của Ngô Quyền ra Bắc dẹp thù trong, giặc ngoài cũng có nhiều khả năng từ trị sở Đông Phố”. Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước và Lê Hoàn làm vua cho đến khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, quận trị Châu Ái vẫn là Đông Phố.

3. Duy Tinh

Nơi đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ Thanh Hóa

Bia thời Lý tại chùa Sùng Ngiêm Diên Thánh (xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc).

Lộ phủ Thanh Hóa từ thời Lý chuyển về làng Duy Tinh, nay là xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc. Sách “Lịch sử Thanh Hóa” (Tập II) chép: “Nằm cạnh con sông Lạch Trường, Duy Tinh là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời và từng là lỵ sở của vùng Dư Phát từ thời Bắc thuộc. Thời Đinh, Tiền Lê, Duy Tinh đã là một trung tâm sản xuất và thương mại lớn của Châu Ái bao gồm các xã Văn Lộc, Mỹ Lộc, Thuần Lộc huyện Hậu Lộc ngày nay. Là một vùng dân cư đông đúc, đồng ruộng màu mỡ, Duy Tinh còn có tên gọi khác: Thiện La, Hà Liên, Yên Thường... Phía Tây Duy Tinh có sông Ấu, ngược theo dòng Trà Giang đến Đại Lí – Ba Bông – Đồng Cổ, hoặc theo đường bộ lên Tư Phố đều thuận tiện”. Chưa rõ trấn lỵ Thanh Hóa rời khỏi Duy Tinh từ thời nào. Chỉ biết một số trường hợp cử quan đầu tỉnh “coi giữ” đất Thanh đời Lý được sử sách ghi lại chắc là đóng ở Duy Tinh... Trấn lỵ Duy Tinh được mở ra trong thời kỳ Phật giáo thịnh hành trở thành quốc giáo. Các quan đầu tỉnh như Lý Thường Kiệt, Chu Công đã chú trọng xây dựng chùa chiền trong cõi, nổi tiếng như chùa Linh Xứng trên núi Ngưỡng Sơn ở làng Ngọ Xá (huyện Hà Trung) và chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở làng Duy Tinh cạnh trấn lỵ Thanh Hóa.

4. Trấn thành Thanh Hóa ở Dương Xá

Nơi đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ Thanh Hóa

Đền thờ Dương Đình Nghệ ở Dương Xá (xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa).

“Đại Nam nhất thống chí” chép: “Trấn thành cũ ở bãi sông Dương Xá, huyện Đông Sơn; từ nhà Lê đến Tây Sơn, trấn thành ở đây, bản triều (tức triều Nguyễn) dời đến địa phận xã Thọ Hạc mà bỏ thành này”. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi: “... Trấn sở ở Dương Xá, Hiến Ti ở Doanh Xá”. Như vậy, từ khi Lê Thái tổ lên ngôi, trấn thành Thanh Hóa dời về vùng Dương Xá (làng Giàng hay Ràng), xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, nay thuộc TP Thanh Hóa. Thật ra, vùng Dương Xá xưa bao gồm cả hai xã Thiệu Dương và Thiệu Khánh hiện nay. Trấn sở (tức Thừa ti) đóng ở Dương Xá (Kẻ Giàng) và Hiến ti đóng ở Doanh Xá (tức Kẻ Vồm – Thiệu Khánh). Doanh Xá (hay Dinh Xá) và Dương Xá xưa đều thuộc làng Giàng với các tên như làng Giàng trên (tức Doanh Xá), làng Giàng dưới (tức Dương Xá); hoặc còn gọi Giàng Nội và Giàng Ngoại, chia làng Giàng cổ thành làng Giàng phía trong đê (nội) và làng Giàng phía ngoài đê (ngoại) tức bãi sông Dương Xá. “Trấn thành cũ đóng trên bãi sông Dương Xá” tức làng Giàng ngoại. Trấn ti (cũng là Thừa ti) có thành lũy, còn Hiến ti đóng ở chân núi Vồm, vòng ngoài của thành lũy Trấn ti nên không có thành, chỉ có dinh thự, ngày nay đã mất dấu vết.

5. Hạc Thành

Nơi đặt quận trị, trấn lỵ, tỉnh lỵ Thanh Hóa

Thành Thanh Hóa, xây dựng năm 1804.

Tên Hạc Thành (thành chim Hạc) vốn từ tên địa danh của các làng cổ nơi đây có tên là Thọ Hạc, Hạc Oa. Thuộc về đất Hạc Thành từ khi Dương Xá chuyển về là các thôn: Thọ Hạc, Phú Cốc, Mật Sơn và chia thành 2 giáp là Giáp Đông Phố (có 10 ấp) và Giáp Nam Phố (có 7 ấp). Sau khi dời tỉnh lỵ về Thọ Hạc, năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình Nguyễn đã huy động nhân lực trong tỉnh gấp rút xây dựng một tòa thành mới. Hạc Thành được xây dựng theo kiểu Vô-băng (Vauban) là kiểu thành quân sự của Pháp... Trong thành có 3 dinh là Tổng đốc, Bố chánh, Án sát. Chức Tổng đốc đứng đầu tỉnh tương đương với hàm Thượng thư trong triều nên gọi là Cụ Thượng. Là vùng đất tổ của các chúa và vua nhà Nguyễn nên Tổng đốc Thanh Hóa phải là người thuộc dòng họ tôn thất, phải là trọng thần của triều đình được vua Nguyễn tin cẩn giao cho cai trị chung cả tỉnh. Dinh Bố chánh thì coi việc hộ (như dân binh, điền thổ, sưu thuế). Dinh Án sát thì coi việc hình (xét xử các vụ kiện cáo). Ngoài ra còn có Dinh Đốc học để coi việc học, Dinh Lãnh binh (hay đề đốc) để coi việc binh. Trong thành còn có Hành Cung là nơi dành riêng đến đón rước vua Nguyễn khi vua về thăm quê tổ hoặc đi tuần du.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn trọng thủy - 05:39 10/05/19

 Trả lời

Ở quê tôi có một ngôi mộ cổ ko biết có từ bao giờ. Từ cái thời ông nội của tôi còn trẻ đã có mà giờ tôi sắp làm ông. Trên bia mộ có mấy dòng chữ trung quốc

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]