(Baothanhhoa.vn) - Với các dòng tộc vua chúa phong kiến, việc hướng về tổ tiên, nguồn cội không chỉ nhằm thực hành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngợi ca công đức tiền nhân, mà còn là nơi để gửi gắm và bày tỏ khát vọng vững bền muôn đời cho vương triều. Gia Miêu ngoại trang (làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung ngày nay) - “đất tổ” nhà Nguyễn - nơi “đất lớn chúa thiêng sinh ra Triệu tổ/vun đắp cương thường nêu rạng thánh võ”, cũng từng giữ vai trò như vậy. Để rồi, dấu ấn đậm đặc nhất như là minh chứng cho sự tồn tại của vương triều này trên đất xứ Thanh, phải kể đến Khu di tích lăng miếu Triệu Tường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di tích lăng miếu Triệu Tường: Dấu tích về nơi khởi phát một vương triều

Với các dòng tộc vua chúa phong kiến, việc hướng về tổ tiên, nguồn cội không chỉ nhằm thực hành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ngợi ca công đức tiền nhân, mà còn là nơi để gửi gắm và bày tỏ khát vọng vững bền muôn đời cho vương triều. Gia Miêu ngoại trang (làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung ngày nay) - “đất tổ” nhà Nguyễn - nơi “đất lớn chúa thiêng sinh ra Triệu tổ/vun đắp cương thường nêu rạng thánh võ”, cũng từng giữ vai trò như vậy. Để rồi, dấu ấn đậm đặc nhất như là minh chứng cho sự tồn tại của vương triều này trên đất xứ Thanh, phải kể đến Khu di tích lăng miếu Triệu Tường.

Di tích lăng miếu Triệu Tường: Dấu tích về nơi khởi phát một vương triều

Lăng Trường Nguyên.

Làng Gia Miêu - như trong bài minh của vua Minh Mạng, được khắc trên tấm bia đá đặt tại lăng Trường Nguyên - vốn là nơi “non nước bao bọc râm mát tùng xanh/khí thiêng nhóm họp đời đời xưng vinh”. Tọa lạc trên mảnh đất ấy, Khu di tích lăng miếu Triệu Tường - lưng dựa núi, mặt hướng ra cánh đồng ngút ngát - từ lâu đã đặt ra cho hậu thế nhiều câu hỏi về dụng ý lựa chọn, sắp đặt của người xưa. Theo các nguồn sử liệu, thì năm 1804, sau khi vua Gia Long lên ngôi đã cho xây dựng ở quý hương Gia Miêu một khu miếu thờ có 3 gian 2 chái. Gian chính giữa thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế, gian bên tả thờ Thái Tổ - Gia Dụ Hoàng Đế (Nguyễn Hoàng), đều hướng về Nam, hàng năm gặp tiết ngũ hương và các tiết khác đều tế theo lệ các miếu ở kinh, quan tỉnh khâm mạng làm lễ. Miếu được đặt tên là Nguyên miếu, cạnh đó còn có miếu thờ Trừng Quốc Công thân phụ Nguyễn Kim. Năm 1808, Gia Long đặt tên cho khu mộ Nguyễn Kim là lăng Trường Nguyên.

Sách “Niên giám Đông Dương” chép lại: “làng Quý Hương, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các vị tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng lũy, làm đúng như một tòa thành nhỏ, đó là Tôn Thanh hay còn gọi là Triệu Tường”. Còn sách “Đại nam nhất thống chí” có đoạn: “Lăng Trường Nguyên của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế bản triều. Ở núi Triệu Tường huyện Tống Sơn. Tĩnh Hoàng Hậu cũng hợp táng ở đây. Năm Gia Long thứ 5 dâng tên là Trường Nguyên. Năm Minh Mệnh thứ 3 ngự chế bài minh và năm Thiệu Trị thứ nhất ngự chế bài thơ, điêu khắc vào bia, dựng đình ở phía tả lăng”.

Như vậy, dựa theo sử liệu và sách ảnh còn lưu giữ về di tích, các nhà nghiên cứu đã thống nhất nhận định rằng, khu lăng miếu Trường Nguyên được xây dựng hết sức cầu kỳ, công phu và được ví như hình mẫu thu nhỏ của kinh thành Huế. Toàn bộ “tòa thành” có chu vi 182 trượng, bao quanh thành là hào nước, trên có cầu gạch bắc qua; thành được bao bọc bởi hai lớp lũy và có bốn cửa trổ theo bốn phương Đông – Tây – Nam - Bắc. Trong đó, cửa Nam là một Tam Quan, phía sau có hồ bán nguyệt. Khu điện miếu được chia thành 3 khu, gồm khu Nguyên miếu là nơi thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng; khu phía Đông là nơi thờ Trừng Quốc Công (cha Nguyễn Kim); khu phía Tây là trại lính và nhà ở của các quan viên, gia nhân được giao việc trông coi lăng.

Nói về nghệ thuật sắp đặt trong Nguyên miếu, học giả người Pháp là H.Le Breton đã mô tả khá chi tiết: “Trước các bài vị có kê hai cái sập chạm rồng. Bên trái và bên phải là hai rương quần áo thờ. Mỗi lần vua Nguyễn về Nguyên miếu đều cúng tế theo đúng mọi nghi lễ quy định. Người ta trải lên bức sập trong cùng một chiếc chiếu hoa. Trên chiếu hoa lại trải chiếu son để bầy các món ăn. Rồi tiếp đến là hai bàn thờ. Trên bàn thờ phía trong những ngày cúng kị bằng các mâm quả, các cây đèn thiếp, trên bàn thờ phía ngoài bầy ngũ sự bằng thiếp, những lọ hoa, hai con hạc gỗ sơn son thiếp vàng, hai khay vàng giấy để sau khi lễ xong thì đem đốt. Khoảng giữa hai bàn thờ là những cái bàn để dâng bò, dê, lợn cúng tế. Khi nhà vua đến cúng bái thì trải một cái chiếu trước bàn thờ ngài...”.

Cùng với khu điện miếu, thì lăng Trường Nguyên cũng là công trình kiến trúc đặc biệt quan trọng, nằm trong tổng thể khu di tích. Tư liệu cũ còn chép lại, thì lăng này vốn không có dấu vết rõ ràng, nên vua Gia Long chỉ cho xây thành một nền vuông để bái yết và cúng tế. Nói về nơi an táng Nguyễn Kim, trong vùng còn lưu truyền một câu chuyện hết sức ly kỳ. Vùng núi Triệu Tường từng tồn tại long khẩu (miệng rồng). Khi quan tài của Triệu Tổ Nguyễn Kim được đưa vào thì trời bỗng đổ mưa lớn, sấm sét dữ dội. Chờ khi mưa ngớt, mọi người trở lại thì đã không tìm được long khẩu – nơi chứa quan tài Triệu Tổ, mà xung quanh núi đá, cây cối um tùm đã che kín lối. Về sau khi tổ chức lễ tế, họ tộc và các chức sắc nhà Nguyễn thường hướng đến núi Triệu Tường để vọng bái. Ngày nay, công trình này đã được tu bổ, tôn tạo lại và cùng với tấm bia có bài minh của vua Minh Mạng, bài thơ của vua Thiệu Trị được đặt ở vị trí trang trọng, lăng Trường Nguyên trở thành điểm thường xuyên lui tới dâng hương, vãn cảnh của con cháu dòng họ Nguyễn và khách thập phương.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, khu điện miếu, lăng mộ tại làng Gia Miêu đã bị phá hủy nghiêm trọng. Sau khi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, nhiều năm trở lại đây, Khu di tích lăng miếu Triệu Tường đã được đầu tư nghiên cứu, khai quật khảo cổ và tu bổ, tôn tạo. Đặc biệt, quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử lăng miếu Triệu Tường, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 424/QĐ-UBND, ngày 1-2-2010 đã tạo cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo di tích. Từ đó đến nay, 2 công trình quan trọng là Nguyên miếu và Trừng quốc công miếu (thuộc dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lăng miếu Triệu Tường, giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành, với tổng kinh phí đầu tư hơn 40 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn huy động xã hội hóa khác.

Để việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả, cũng là nhằm trả lại kiến trúc - cảnh quan di tích sao cho tương xứng với vị thế và giá trị lịch sử của nó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3199/QĐ-UBND ngày 24-8-2018, về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung. Trong đó nêu rõ, việc điều chỉnh Quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích một cách có hệ thống, bảo đảm các nguyên tắc về bảo tồn di tích gốc và bảo đảm tính khả thi khi thực hiện quy hoạch. Đồng thời, xây dựng khu di tích thành điểm đến của du lịch Thanh Hóa và đất nước; cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đô thị Hà Long.

Cũng theo Quy hoạch được điều chỉnh, thì Khu di tích lăng miếu Triệu Tường có quy mô 27,85 ha. Đồng thời, đưa khu vực làng Gia Miêu cổ (10,68 ha) và khu vực bảo vệ cảnh quan núi Thiên Tôn (196,17 ha) vào vùng nghiên cứu quy hoạch. Không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực quy hoạch tổng thể gồm 2 vùng chức năng: Vùng cảnh quan di tích (miếu Triệu Tường, lăng Trường Nguyên, đình Gia Miêu, đền Ông, nhà thờ họ Nguyễn Hữu); vùng hỗ trợ phát huy giá trị di tích (khu đón tiếp, quảng bá lễ hội; khu bãi đỗ xe, dịch vụ và đường giao thông). Không gian kiến trúc cảnh quan vùng di tích phục nguyên bố cục không gian kiến trúc, cảnh quan truyền thống trên cơ sở tư liệu ảnh, khảo cổ và bố cục tổng thể mặt bằng di tích đồng niên đại, đồng loại hình. Đồng thời, các công trình phụ trợ di tích bảo đảm hình thức, vật liệu hài hòa với di tích.

Hy vọng với việc triển khai quy hoạch một cách hiệu quả và đúng tiến độ, Khu di tích lăng miếu Triệu Tường sẽ được trả lại diện mạo vốn có. Đó cũng là cách hậu thế thể hiện sự tri ân với khát vọng của tiền nhân: “Trông ngắm non sông nhớ đến gốc cõi/ Khắc chữ vào bia lưu ức vạn tài”!

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài Và Ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

2 bình luận

 Nguyễn Hữu Huế ,bút hiệu Nguyễn Triệu Hải - 15:12 15/04/19

 Trả lời

Tôi rất tự hào được mang dòng máu của họ Nguyễn Hữu, nay được biết tỉnh Thanh Hóa có kế hoạch xây đền thờ họ Nguyễn Hữu tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh kêu gọi con cháu họ Nguyễn Hữu đang sinh sống trong cũng như ngoài nước có chút đóng góp xây nhà thờ họ . Đây là chút lòng thành của hậu duệ Nguyễn Hữu để đời đời con cháu biết nơi thờ cúng tổ tiên.Trong cuộc đời mỗi người nếu có dịp thì tìm về nguồn cội để thắp nén hương cho tổ tiên.

 Nguyễn Văn Phong - 19:34 18/03/19

 Trả lời

Nhà thờ họ Nguyễn Hữu nhắc trong bài đưa vào cụm di tích là sai lầm.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]