(Baothanhhoa.vn) - Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp chân chính, nhiều loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng, trá hình cũng xuất hiện ngày càng nhiều với những diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng ngừa, nhận diện kịp thời những hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng, lập lại trật tự trong hoạt động bán hàng đa cấp, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật và nhận diện về kinh doanh đa cấp trá hình.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và nhận diện kinh doanh đa cấp trá hình

Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp chân chính, nhiều loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng, trá hình cũng xuất hiện ngày càng nhiều với những diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng ngừa, nhận diện kịp thời những hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng, lập lại trật tự trong hoạt động bán hàng đa cấp, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó, đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật và nhận diện về kinh doanh đa cấp trá hình.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và nhận diện kinh doanh đa cấp trá hìnhHội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và tuyên truyền nhận diện về kinh doanh đa cấp trá hình được tổ chức tại huyện Như Thanh.

Theo Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương, hiện cả nước có 20 DN đăng ký kinh doanh đa cấp chính thống. Còn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 16 đơn vị được cấp phép mở chi nhánh kinh doanh với 25.000 người tham gia. Danh sách các DN này được niêm yết trên website của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương để người dân có thể dễ dàng tra cứu. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất hiện nay là xu hướng kinh doanh đa cấp trá hình đang vô cùng phức tạp. Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhưng người dân vẫn còn lúng túng trong nhận diện các hành vi, dẫn tới bị dẫn dụ vào nhiều chiêu trò đa cấp biến tướng với những thiệt hại không hề nhỏ.

Từ năm 2022 đến nay, cùng với việc phát hàng nghìn tờ rơi cảnh báo, phối hợp với các cơ quan truyền thông mở nhiều chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Sở Công Thương và các ngành công an, quản lý thị trường đã tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nhận diện những dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng. Ước tính, có khoảng 3.000 cán bộ, công chức, đại diện các tầng lớp Nhân dân thuộc các địa phương trên địa bàn tỉnh được phổ biến sâu về các văn bản pháp luật, nhận diện các biểu hiện, hành vi đa cấp trá hình.

Ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: “Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương sẽ được cải thiện thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn cụ thể như trên. Thông qua hội nghị này, bản thân các đồng chí lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn huyện đã được trang bị thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ năng xử lý công việc liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng. Từ đó chủ động trong công tác chỉ đạo, xử lý các tình huống xảy ra tại địa phương. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn khi có hành vi, biểu hiện bán hàng đa cấp trái phép trên địa bàn quản lý thì báo cáo bằng văn bản hoặc qua đường dây nóng để có biện pháp xử lý kịp thời”.

Thời gian qua, cùng với các hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, Công an tỉnh cũng đã thường xuyên khuyến cáo, cảnh báo người dân không tham gia vào hoạt động công ty có biểu hiện hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp biến tướng. Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã và đang xuất hiện một tình trạng “báo động” là một số DN dù mới đăng ký kinh doanh nhưng đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, các DN này rất mập mờ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó hoạt động chủ yếu chính là tư vấn các cá nhân tham gia góp vốn dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và được trả lãi suất rất cao, có thể 40%, 60% thậm chí lên tới 150%. Các lĩnh vực hiện đang xảy ra biểu hiện trá hình này là: Kinh doanh bất động sản, tổ chức sự kiện, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Các DN này phần lớn lợi dụng các mạng xã hội như viber, zalo, facebook, youtube... để lan tỏa các nền tảng kinh doanh dưới danh nghĩa khởi nghiệp, làm giàu để dụ dỗ người dân.

Theo Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, lợi dụng kẽ hở trong chính sách, pháp luật của Nhà nước, rất nhiều các DN “âm thầm” xây dựng mạng lưới, tổ chức lôi kéo, rủ rê những người thiếu hiểu biết đầu tư tiền, vật chất mua bán hàng hóa kém chất lượng, mã số, vị trí nhằm mục đích trục lợi, chiếm đoạt tiền và tài sản có giá trị. Từ nội dung trên, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không tham gia vào các hoạt động dưới hình thức: Đầu tư các gian hàng ảo trên mạng; hợp đồng hợp tác kinh doanh góp vốn đầu tư các dự án, đầu tư bất động sản, đầu tư tiền điện tử (tiền ảo)... để được trả thưởng, với các mức lãi suất cao hấp dẫn. Do lợi nhuận trả cho khách hàng tham gia góp vốn không xuất phát từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà dưới hình thức lấy tiền của người góp vốn sau trả cho người góp vốn trước. Do đó, mô hình này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất tài sản của người tham gia góp vốn, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự trên diện rộng nếu công ty phá sản hoặc đối tượng điều hành công ty bỏ trốn. Người dân khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm nêu trên cần báo ngay cho cơ quan công an để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]