(Baothanhhoa.vn) - Nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục đóng vai trò quan trọng, là khâu “then chốt” trong hoạt động giáo dục. Ở mỗi cấp học, trình độ và yêu cầu dành cho nhà giáo, CBQL giáo dục lại khác nhau. Do vậy, việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ nhà giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng cả về trước mắt cũng như lâu dài, nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên: Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài

Nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục đóng vai trò quan trọng, là khâu “then chốt” trong hoạt động giáo dục. Ở mỗi cấp học, trình độ và yêu cầu dành cho nhà giáo, CBQL giáo dục lại khác nhau. Do vậy, việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ nhà giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng cả về trước mắt cũng như lâu dài, nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên: Nhiệm vụ trước mắt và lâu dàiCô và trò Trường Mầm non Định Tân (Yên Định) trong giờ học.

Hiện toàn tỉnh có hơn 2.000 trường học các cấp, với trên 53.000 cán bộ, giáo viên (CBGV), nhân viên. Trong đó, CBQL và giáo viên là hơn 50.400 người. Trong đó có 46.678 người có trình độ đạt chuẩn trở lên, chiếm 92,5%. Để kịp thời giúp đội ngũ CBGV cập nhật, bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, hằng năm, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ CBGV ở tất cả các cấp học. Đây được coi là cơ hội thuận lợi để giáo viên trang bị thêm kiến thức, bổ sung kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Tại huyện Yên Định, thực hiện chủ trương của ngành, Phòng GD&ĐT huyện đã chủ động phổ biến các nội dung, kế hoạch lớp bồi dưỡng, tập huấn đến các đơn vị, trường học để nhà trường nắm và cử CBGV tham gia theo yêu cầu. Sau khi đại diện CBGV tiếp thu nội dung tập huấn, bồi dưỡng ở cấp tỉnh, Phòng GD&ĐT huyện triển khai hội nghị tập huấn đến 100% CBGV trong toàn huyện. Ngoài ra, thực hiện chủ trương nâng chuẩn cho CBGV để đáp ứng yêu cầu đổi mới, hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện đều hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trường rà soát, lựa chọn CBGV tham gia theo quy định. Đơn cử như trong năm học 2021-2022, toàn huyện đã cử 14 giáo viên ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS tham gia các lớp học nâng trình độ đạt chuẩn. Với cách làm này, tỷ lệ CBGV đạt trình độ chuẩn theo tiêu chí mới được nâng lên qua từng năm học. Qua rà soát, thống kê, hiện tỷ lệ CBGV đạt chuẩn ở cấp mầm non là gần 100%, trên chuẩn là 88,9%, tăng 3,9% so với năm học trước; ở cấp tiểu học, tỷ lệ đạt chuẩn là 80,4%, trên chuẩn là 1,03%, tăng 0,97%; ở cấp THCS tỷ lệ CBGV đạt chuẩn là 96,1%, trên chuẩn là 2,02%, tăng so với năm học trước là 1,82%. Cô giáo Phạm Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Định Tân, chia sẻ: Nhà trường đang có 3 giáo viên theo học lớp nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng tại Trường Đại học Hồng Đức. Sau khi 3 giáo viên hoàn thành khóa học, tỷ lệ CBGV đạt chuẩn của nhà trường sẽ là 100%. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để nhà trường tiếp tục giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong giai đoạn đổi mới.

Tại các địa phương khác cũng vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBGV luôn nhận được sự quan tâm của ngành giáo dục và các đơn vị trường học. Thầy giáo Đinh Xuân Giang, giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất, Trường THCS Thành Hưng (Thạch Thành), cho hay: “Đến nay tôi đã có 32 năm công tác trong ngành, còn ít năm nữa là về nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới giáo dục tôi đã quyết định đăng ký và được nhà trường tạo điều kiện cho tham gia lớp học nâng trình độ đạt chuẩn theo yêu cầu”.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, trong 5 năm gần đây, toàn ngành có 11.540 lượt CBQL được bồi dưỡng tiêu chuẩn nghề nghiệp, chức danh quản lý; 67.500 lượt CBGV các cấp được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng phương pháp dạy. Trong đó, khối mầm non có 3.108 CBGV; khối tiểu học có 16.225 CBGV; khối trung học có 45.904 CBGV và khối giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng có 2.270 CBGV. Cũng trong thời gian trên, toàn ngành cử 3.218 giáo viên đi đào tạo nâng trình độ chuẩn. Trong đó cấp mầm non là 1.586 người, tiểu học 977 người, THCS 472 người, THPT 154 người và giáo dục thường xuyên 29 người. Tính riêng trong năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức 7 lớp bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý với tổng số 421 học viên. Trong đó, bồi dưỡng cấp chứng chỉ CBQL trường mầm non, tiểu học, THCS trước khi bổ nhiệm cho 210 giáo viên thuộc nguồn kế cận; bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý giáo dục cho 200 CBQL trường mầm non, tiểu học, THCS đương chức có chứng chỉ CBQL quá 5 năm và 6 cán bộ, công chức tham gia bồi dưỡng CBQL cấp phòng theo kế hoạch của UBND tỉnh. Cũng trong năm học, toàn tỉnh có 460 giáo viên tham gia các lớp đào tạo nâng trình độ chuẩn tại Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng giáo viên, CBQL cốt cán và đại trà trong khuôn khổ Chương trình ETEP của tỉnh cũng được triển khai hiệu quả. Trong đó có từ 25.800 đến trên 26.600 giáo viên tham gia bồi dưỡng giáo viên đại trà theo các mô đun; gần 2.700 CBQL tham gia bồi dưỡng CBQL đại trà theo các mô đun...

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo không ngừng được nâng lên, tỷ lệ CBQL và giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng. Ở các cơ sở giáo dục mầm non đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức chăm sóc, nuôi dạy trẻ theo phương pháp khoa học. Ở các cấp học phổ thông đã có những thay đổi lớn về phương pháp soạn bài, giảng bài, tổ chức giáo dục theo chủ đề, chủ điểm, giáo viên biết khơi gợi tính tích cực, tự giác của học sinh. Đặc biệt, sau khi được bồi dưỡng, Sở GD&ĐT tiếp tục yêu cầu đội ngũ giáo viên tăng cường tự học, tự nghiên cứu để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới, nhất là đối với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, hiện nay công tác bồi dưỡng CBGV vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, nhất là khi toàn tỉnh vẫn còn 3.799 CBGV có trình độ chưa đạt chuẩn, chiếm 7,5%. Đặc biệt, theo nhận định, đánh giá nhiều CBQL giáo dục, một bộ phận nhà giáo vẫn chưa thoát khỏi phương pháp dạy học cũ, chưa nhạy bén và thích ứng với những tình huống và đổi mới của giáo dục trong từng địa phương, từng cấp học. Nhiều giáo viên kiến thức khoa học tương đối vững, nhưng lại hạn chế trong việc xử lý các tình huống sư phạm, khả năng truyền thụ bài giảng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy...

Yêu cầu đặt ra lúc này là mỗi giáo viên cần phải chú trọng trau dồi năng lực cũng như kỹ năng sư phạm để phù hợp với từng môn học trong chương trình mới. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng tổ chức các hoạt động cho học sinh. Đồng thời, không ngừng rèn luyện về đạo đức, có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp để mỗi giáo viên là tấm gương cho học sinh noi theo. Ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục cũng cần khuyến khích, tạo động lực cho CBQL, giáo viên thực hiện tốt công tác tự bồi dưỡng, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy. Trước mắt, cần bảo đảm cho giáo viên được cập nhật những kiến thức được điều chỉnh và đổi mới trong chương trình môn học, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục. Về lâu dài cần có thêm cơ chế, tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn cao hơn tiêu chí hiện hành để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của người giáo viên trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]