(Baothanhhoa.vn) - Xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo, nhưng bằng ý chí, nghị lực và nỗ lực phấn đấu vươn lên, anh Lê Văn Đức (sinh năm 1979), thôn Tân Phúc, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) đã thành công từ mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc, đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lê Văn Đức – gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi

Xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo, nhưng bằng ý chí, nghị lực và nỗ lực phấn đấu vươn lên, anh Lê Văn Đức (sinh năm 1979), thôn Tân Phúc, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) đã thành công từ mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc, đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Lê Văn Đức – gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Lê Văn Đức còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động ở địa phương.

Cuộc sống nghèo khó đã nhen nhóm và nung nấu ý chí thoát nghèo, trăn trở làm sao cho cuộc sống vơi bớt khó khăn luôn thường trực trong đầu anh Đức. Anh nghĩ, muốn thoát khó khăn không có cách nào khác là phải dám nghĩ, dám làm, đổi mới cung cách làm ăn. Trong một lần đi thăm trại bò ở huyện Đông Sơn, thấy người ta phải thuê người để làm trang trại, anh nghĩ sao mình lại không sử dụng sức lao động và kiến thức của mình, vì thế anh đã quyết tâm tìm tòi học hỏi để xây dựng mô hình phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.

Năm 2003, ở địa phương có diện tích đất đồi hoang người dân trả lại không nhận, anh đã viết đơn xin nhận thầu 3 ha. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền và Huyện đoàn Vĩnh Lộc, anh được tiếp cận vốn vay thanh niên lập nghiệp theo Đề án 120 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Từ nguồn vốn vay 45 triệu đồng ban đầu, anh đã bắt đầu khởi nghiệp từ chăn nuôi bò và trồng ngô để “lấy ngắn nuôi dài”. Do ở trong vùng lụt, diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò bị ngập lụt thường xuyên nên anh đã chuyển sang xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc theo hướng công nghiệp với quy mô ban đầu 4 lợn nái giống.

Trải qua quá trình chăn nuôi với không ít khó khăn nhưng với lòng quyết tâm, niềm đam mê và có kiến thức chăn nuôi thú y, được tập huấn khoa học kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi, anh Đức đã từng bước học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công đi trước, nên mô hình chăn nuôi của gia đình anh phát triển ngày càng ổn định. Đến nay, quy mô trang trại có 100 lợn nái, 1.100 lợn thịt, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 3 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, người lao động còn có thưởng thêm và được đóng BHXH...

Từ mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Đức, đến nay toàn xã phát triển được 89 trang trại, trong đó có 15 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã học tập và nhân rộng mô hình với quy mô từ 15 đến 50 lợn nái, có thu nhập ổn định.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, anh Đức cho biết: Để xây dựng được mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc có thành quả như ngày hôm nay là do sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân trong tìm tòi học hỏi, tích lũy, trau dồi kinh nghiệm qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng... để áp dụng vào thực tế của gia đình mình. Bên cạnh đó, là sự động viên, giúp đỡ của gia đình, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, vay vốn...

Ông Trịnh Trọng Trung, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc cho biết: Sau nhiều năm chịu khó, nỗ lực phấn đấu phát triển mô hình chăn nuôi lợn, đến nay từ hộ nghèo, gia đình anh Đức trở thành hộ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn xã về chăn nuôi lợn cho thu nhập cao, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn xã. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Đức còn tích cực tạo điều kiện giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi lợn và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế tại địa phương với mong muốn giúp thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn cùng phấn đấu vươn lên thoát nghèo và ổn định đời sống. Đặc biệt, là phó bí thư đoàn xã anh Đức đã quan tâm hỗ trợ những đoàn viên, thanh niên mới khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kiến thức để phát triển kinh tế; đóng góp cho quỹ khuyến học, vận động hỗ trợ trẻ em nghèo vượt khó, đối tượng yếu thế trên địa bàn...

Với những việc làm đầy trách nhiệm, ý nghĩa và hiệu quả trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và chung tay xây dựng nông thôn mới; đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại tại địa phương, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại chỗ anh Lê Văn Đức đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; được tuyên dương tại hội nghị điển hình tiên tiến của huyện lần thứ X, giai đoạn 2015-2020 và là một trong những gương tiêu biểu đại diện cho huyện tham dự hội nghị điển hình tiên tiến của tỉnh tới đây.

Bài và ảnh: Tô Hà


Bài Và Ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]