(Baothanhhoa.vn) - Xác định được tầm quan trọng của tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) đối với sản xuất nông nghiệp, hội nông dân (HND) các cấp đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hội Nông dân tỉnh với chương trình ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất

Xác định được tầm quan trọng của tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) đối với sản xuất nông nghiệp, hội nông dân (HND) các cấp đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân.

Hội Nông dân tỉnh với chương trình ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuấtNhờ áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nhiều mô hình ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) hàng năm cho thu nhập cao.

Đến thăm mô hình trồng dưa trong nhà lưới của gia đình anh Lê Xuân Sơn, ở xã Ngọc Phụng (Thường Xuân), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những công nghệ, thiết bị nông nghiệp đang áp dụng tại đây. Ðưa chúng tôi thăm mô hình rộng trên 1.000m2, anh Sơn giới thiệu: Năm 2017, được sự hỗ trợ từ chính sách của tỉnh, cộng thêm nguồn vốn của gia đình, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới hiện đại, áp dụng công nghệ cao với hệ thống tưới tự động bằng điều khiển từ xa, mô hình trồng dưa của gia đình anh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo anh Sơn, nếu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thu nhập cao gấp đôi so với sản xuất truyền thống. Được sự hỗ trợ của UBND huyện Thường Xuân và xã Ngọc Phụng, anh đã mạnh dạn đầu tư 1.000m2 nhà lưới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với việc luân canh 2 vụ dưa, 3 vụ cà chua và dưa chuột, lợi nhuận của gia đình anh hàng năm đạt khoảng 200 triệu đồng. Ngoài việc ít bị ảnh hưởng những bất lợi của thời tiết, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn giúp gia đình anh giảm chi phí lao động, sản phẩm trái vụ an toàn được người tiêu dùng chấp nhận.

Tốt nghiệp khoa nông học chuyên ngành trồng trọt Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) từ năm 2008, với niềm đam mê học hỏi nghiên cứu sáng tạo, kỹ sư nông nghiệp Trịnh Quốc Toản, ở xã Định Bình (Yên Định) đã tiếp tục học lên thạc sĩ và may mắn trong một chương trình hợp tác đào tạo giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với nước bạn, anh Toản đã được tham gia đợt thực tập tại Israel. Tại đây anh đã học hỏi tiếp thu được nhiều tiến bộ KHKT tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Trở về Việt Nam anh được nhận vào làm việc tại một số công ty lớn về nông nghiệp. Tuy nhiên, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, muốn đem sức lực và kiến thức của mình vào việc đóng góp xây dựng quê hương, Trịnh Quốc Toản đã tìm gặp và rủ thêm một số bạn cùng lớp trở về quê hương lập nghiệp. Công ty TNHH Nông nghiệp VietGap tại huyện Yên Định do anh làm giám đốc đã thu hút được 6 kỹ sư trẻ cùng hùn vốn thuê đất tạo lập nên những điểm sáng về mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp bằng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như các mô hình trang trại tại các xã Yên Phong, Định Bình, Yên Ninh.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh, ở thôn Yên Cẩm 1, xã Đông Yên (Đông Sơn) cũng rất thành công khi trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ nhà kính. Năm 2015, anh Anh đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng màng lưới nhà kính trên diện tích 2.000m2 để trồng rau an toàn. Rau trồng trong nhà kính nên hạn chế được sâu bệnh xâm nhập, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm hơn một nửa so với trồng ngoài trời. Nhất là có thể trồng quanh năm vì không phụ thuộc vào thời tiết, năng suất đạt cao và bảo đảm rau an toàn. Anh Anh cho hay: Do sử dụng hệ thống phun tưới tự động, tự điều chỉnh độ ẩm bên trong nên khi nhiệt độ lên cao, hệ thống phun sương trong nhà kính sẽ tự bật lên làm mát vườn. Trường hợp thời tiết bất thường, như quá nắng, hệ thống màng cản quang sẽ tự động kéo ra tạo bóng mát và khi có mưa, hệ thống cũng sẽ tự kéo mái không cho mưa lọt vào bên trong nhà kính.

Đồng chí Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Với mong muốn giúp hội viên, nông dân tiếp cận và ứng dụng KHKT vào sản xuất, chế biến, HND tỉnh luôn bám sát cơ sở, xây dựng các mô hình theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp hội viên nông dân tiếp cận KHKT, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt để học tập và làm theo. Hội cũng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan mô hình về các lĩnh vực như xây dựng nông thôn mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh...; đồng thời thực hiện các đề tài khoa học; cung cấp dịch vụ hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu; tổ chức giao lưu hội chợ xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là giới thiệu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh.

Bên cạnh đó, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ hợp tác, HTX, chi, tổ hội nghề nghiệp; nêu gương các điển hình tiên tiến nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để khuyến khích, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ phù hợp với thực tế phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, tổ hợp tác, HTX... phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế tập thể trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, các cấp HND trong tỉnh đã phối hợp chuyển giao KHKT về chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng chế phẩm sinh học BioWISH trong chăn nuôi, trồng trọt, xử lý rơm rạ trên đồng ruộng, xử lý môi trường cho 138.858 lượt cán bộ, hội viên nông dân; tổ chức 57 cuộc hội thảo cho 3.316 lượt người tham gia... Nhờ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất, những năm gần đây, các cấp HND trong tỉnh đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong đó nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản trong nông hộ tại xã Đồng Tiến (Triệu Sơn); mô hình sản xuất rau an toàn ở các huyện Thiệu Hóa, Nông Cống, Thọ Xuân; mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học tại xã Lộc Thịnh (Ngọc Lặc)...

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ hội viên tiếp cận và ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu KHKT, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có bước phát triển mới, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao.

Bài và ảnh: Quốc Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]