(Baothanhhoa.vn) - Ngày 24-8-2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2745/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà nói chung và phát huy tối đa được tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp CNC.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 24-8-2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2745/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà nói chung và phát huy tối đa được tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp CNC.

Thanh Hóa khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Điền Trạch, huyện Thọ Xuân.

Là đơn vị “tiên phong” phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh, năm 2013 Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã đầu tư xây dựng và đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp CNC Lam Sơn, với tổng kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Từ cơ sở ban đầu đó, hàng năm, công ty đã sản xuất từ 2,5 - 3 triệu cây giống mía invitro, 30.000 cây hoa lan hồ điệp, 50.000 cây hoa các loại, 50 ha nhà lưới sản xuất rau, hoa quả theo công nghệ Isarel đã cho tổng sản lượng gần 2.000 tấn rau quả bảo đảm chất lượng. Những năm sau đó, công ty tiếp tục đầu tư sản xuất 200 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ điều khiển dinh dưỡng tự động.

Thành công từ mô hình ứng dụng CNC của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Các sản phẩm nông nghiệp CNC: Dưa Kim Hoàng hậu, Kim Cô nương, dưa lưới Nhật, dưa baby, rau thủy canh...

Nối tiếp những thành quả trong phát triển nông nghiệp CNC từ các doanh nghiệp, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cũng đang mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nông nghiệp CNC. Các HTX đã áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng thực nghiệm khoa học vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho các loại cây trồng, đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để sản xuất các sản phẩm rau, quả, ứng dụng công nghệ vào chăm sóc cây con, như: Tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, bón phân qua nước với phương thức tưới nhỏ giọt. Để nông nghiệp CNC không chỉ phát triển trong khối doanh nghiệp, mà còn được nhân rộng và phát triển mạnh ở các HTX, tổ hợp tác và hộ cá thể, tỉnh đã và đang lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để triển khai, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC.

Nhằm khơi dậy tiềm năng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng CNC, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Thanh Hóa tại huyện Thọ Xuân và là một trong 20 khu nông nghiệp ứng dụng CNC của cả nước. Trên cơ sở phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29-6-2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Thanh Hóa đến năm 2020, với tổng diện tích 1.000 ha. Trong đó, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là 485,4 ha, gồm: Vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng CNC 161,45 ha; vùng sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng CNC 42,02 ha; vùng sản xuất mía đường ứng dụng CNC 103,07 ha; khu chăn nuôi ứng dụng CNC 51,2 ha... Và để hiện thực có hiệu quả về phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng CNC, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thông qua việc tạo điều kiện về tích tụ đất đai, giải phóng mặt bằng, có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất ban đầu. Nhờ đó, những năm gần đây, liên tục có những mô hình sản xuất nông nghiệp CNC được đi vào hoạt động và có không ít mô hình mở rộng quy mô sản xuất.

Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, CNC còn được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực và hàng loạt công nghệ hiện đại, như: Thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân giới tính cho bò sữa, thụ tinh nhân tạo nâng cao tầm vóc đàn bò; nghiên cứu đánh giá, tuyển chọn bò đực giống tại Moncada để sản xuất tinh đông lạnh, phục vụ công tác phát triển giống bò Việt Nam... Xây dựng thành công các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, áp dụng hệ thống chuồng kín, nuôi sàn, điều hòa ẩm độ và nhiệt độ, xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô để nhân rộng một số loài cây lâm nghiệp. Xây dựng, nhân rộng các mô hình nuôi ứng dụng CNC, như: Nuôi tôm hùm, cá giò ở khu vực biển Hòn Mê, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở nhiều địa phương.

Việc chú trọng ứng dụng CNC và phát triển nông nghiệp theo hướng CNC thực sự đã tạo ra sự chuyển mình lớn cho nền nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Điều này được minh chứng rõ khi mà tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản lợi nhuận đạt tới hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói là có tới 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]