(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, công nghiệp trong tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo đúng định hướng. Nhiều sản phẩm mới có giá trị cao xuất hiện, góp phần làm tăng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy được lợi thế của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), gia tăng chuỗi giá trị cung ứng của ngành đang là bài toán đặt ra cho ngành công thương nói riêng và các cấp, các ngành, các địa phương nói chung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gỡ nút thắt phát triển công nghiệp hỗ trợ

Những năm gần đây, công nghiệp trong tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo đúng định hướng. Nhiều sản phẩm mới có giá trị cao xuất hiện, góp phần làm tăng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy được lợi thế của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), gia tăng chuỗi giá trị cung ứng của ngành đang là bài toán đặt ra cho ngành công thương nói riêng và các cấp, các ngành, các địa phương nói chung.

Gỡ nút thắt phát triển công nghiệp hỗ trợSản xuất hàng may mặc tại Công ty CP May xuất khẩu HMT, xã Nga Thành (Nga Sơn). Ảnh: Minh Hằng

Còn nhiều hạn chế

Tại hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức vào tháng 7-2020, Tiến sĩ Dương Đình Giám, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương đã có tham luận về phát triển công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Từ phân tích thực tế cơ cấu, lĩnh vực ngành nghề gắn liền với tốc độ tăng trưởng, Tiến sĩ Dương Đình Giám nhận định: Một trong những hạn chế cốt lõi của ngành công nghiệp Thanh Hóa là CNHT chưa phát triển và hiện đang thiếu nguồn lực dành cho sự phát triển của lĩnh vực này. Cụ thể như tỉnh Thanh Hóa chưa có các khu công nghiệp dành riêng cho phát triển CNHT. Do đó, chưa tạo dựng và phát triển được các cụm liên kết ngành mà sản phẩm công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa là chủ đạo. Chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao để mang lại giá trị gia tăng cho kinh tế địa phương. Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng vì vậy mà còn nhiều hạn chế. Việc chậm phát triển CNHT diễn ra trên cả các chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp mới như lọc hóa dầu đến các ngành công nghiệp truyền thống, như: may mặc, giầy da, ô tô...

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, các Hiệp định CPTPP, EVFTA với lộ trình giảm thuế quan sâu là điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp may mặc, giầy da phát triển. Cùng với dư địa thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện phê duyệt quy hoạch phát triển dệt may, giầy da. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh ta phấn đấu giá trị sản xuất ngành dệt may đạt 26.000 tỷ đồng trở lên. Giá trị xuất khẩu hàng hóa dệt may đạt 1.152 triệu USD. Năm 2030, phấn đấu đưa giá trị sản xuất đạt 34.600 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu ngành dệt may đạt 1.600 triệu USD trở lên. Với ngành da - giầy, mục tiêu năm 2020, giá trị xuất khẩu đạt 810 triệu USD trở lên, thu hút 93.500 lao động. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ hiện lại đang khó với các doanh nghiệp nếu muốn được hưởng chính sách này. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu sản xuất vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc - quốc gia không tham gia CPTPP và EVFTA.

Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư trong lĩnh vực này là do nguồn lực đầu tư cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước cho ngành CNHT quá ít ỏi, chưa đủ mạnh và hiệu quả, chưa tương xứng với quy mô và vai trò vốn có. Điển hình như, nhận thấy tầm quan trọng của thu hút đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm, sản xuất nguyên phụ liệu, tỉnh Thanh Hóa cũng đã rà soát, thống nhất lựa chọn cụm công nghiệp (CCN) Bắc Hoằng Hóa để xây dựng CCN hỗ trợ ngành dệt may, với diện tích 50 ha. Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Thanh Hóa cũng đã được lựa chọn thực hiện dự án đầu tư hạ tầng cho CCN hỗ trợ này. Tuy nhiên, tỉnh và địa phương vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đột phá cho việc đầu tư xây dựng CCN này. Hiện, tiến độ xây dựng CCN Bắc Hoằng Hóa đang bị chậm tiến độ do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, dung lượng thị trường trong nước, trong tỉnh còn nhỏ, chưa bảo đảm quy mô công suất sản xuất đối với sản phẩm CNHT, trong khi đó thị trường xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh gay gắt đặc biệt từ các đối thủ cạnh tranh. Năng lực tài chính của các doanh nghiệp còn nhỏ, khó đáp ứng được nhu cầu đầu tư, thu hồi vốn trong dài hạn. Điều đó dẫn đến không chỉ ngành may mặc, giầy da mà cả các ngành CNHT cho ô tô, điện tử cũng gặp khó khăn.

Kỳ vọng từ Nghị quyết 115

Xác định CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế, ngày 6-8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP (NQ 115) về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT.

Mục tiêu của nghị quyết nhằm tạo sự phát triển đột phá CNHT trên cơ sở tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm thu hút đầu tư, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực này. 3 lĩnh vực CNHT có tiềm năng phát triển, như: lĩnh vực linh kiện phụ tùng, CNHT ngành dệt may - da giầy, CNHT cho công nghiệp công nghệ cao, cũng đã được hoạch định đường hướng và mục tiêu phát triển.

Cũng theo NQ 115, Chính phủ sẽ hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT; bảo đảm huy động hiệu quả nguồn lực phát triển CNHT; nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu tư các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Về giải pháp tài chính, sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng...

Theo danh mục các lĩnh vực ưu tiên phát triển CNHT này cũng chính là các ngành công nghiệp lợi thế của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, để đưa được NQ 115 vào thực tiễn, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT ở các cấp, các ngành. Khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong nước và nước ngoài có quy mô lớn, trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm tạo nguồn lực lớn về vốn đầu tư; đồng thời, tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tỉnh Thanh Hóa cần sớm xây dựng và ban hành Chương trình phát triển CNHT của địa phương; bố trí ngân sách hàng năm để triển khai Chương trình phát triển CNHT; hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy của Sở Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp và CNHT ở trên địa bàn; hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí xử lý môi trường cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT. Xây dựng, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi được cấp bù lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên. Quy hoạch, đầu tư và hỗ trợ đầu tư một số khu, CCN do địa phương quản lý về CNHT...

Bên cạnh công tác tuyên truyền thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực CNHT, tỉnh cũng cần sớm sửa đổi, bổ sung các chính sách đã ban hành. Trong đó, cần xây dựng cụ thể hơn các danh mục dự án CNHT có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh; phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT cũng cần được xây dựng cụ thể, dễ tiếp cận, tạo niềm tin đủ mạnh để nhà đầu tư đến với ngành công nghiệp quan trọng này.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]