(Baothanhhoa.vn) - Tuổi trẻ bồng bột, dễ mắc phải những sai lầm và cái giá phải trả cho những sai lầm đó đôi khi không hề nhẹ, nhất là sai lầm dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với những người trẻ tuổi thì hình phạt nghiêm khắc chưa hẳn là cách tốt nhất để cảm hóa họ, thay vì đó, một bản án nhân văn nhưng vẫn đủ sức răn đe, cho họ một cơ hội thức tỉnh để sửa chữa sai lầm mới là điều cần thiết. Vụ án “Cố ý gây thương tích” tại huyện Như Xuân mà các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Thanh Hóa tham gia bào chữa cho các bị cáo trong năm 2018 mang lại một niềm tin như vậy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thức tỉnh để sửa chữa sai lầm

Tuổi trẻ bồng bột, dễ mắc phải những sai lầm và cái giá phải trả cho những sai lầm đó đôi khi không hề nhẹ, nhất là sai lầm dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với những người trẻ tuổi thì hình phạt nghiêm khắc chưa hẳn là cách tốt nhất để cảm hóa họ, thay vì đó, một bản án nhân văn nhưng vẫn đủ sức răn đe, cho họ một cơ hội thức tỉnh để sửa chữa sai lầm mới là điều cần thiết. Vụ án “Cố ý gây thương tích” tại huyện Như Xuân mà các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Thanh Hóa tham gia bào chữa cho các bị cáo trong năm 2018 mang lại một niềm tin như vậy.

Thức tỉnh để sửa chữa sai lầm

Ảnh minh họa.

9h30 tối ngày 19-3-2018, Tấn (sinh năm 1993), xã Thanh Xuân (Như Xuân) và nhóm bạn cùng thôn đi xe máy đến xã Cát Vân để chơi tại đám cưới. Khoảng 22h, Nhi (sinh năm 2002), xã Thanh Lâm cũng đến đám cưới chơi. Khi thấy Nhi đi từ trong nhà ra ngõ đứng, Tấn cùng đám bạn cũng đi theo. Tấn xin số điện thoại của Nhi nhưng không được nên giật điện thoại để xem số rồi chạy ra phía trường mầm non đối diện. Nhi đuổi theo không được nên ngồi xuống sân trường. Lúc này, Tấn chạy lại bế Nhi lên, Nhi vùng vằng thì Tấn lại thả xuống. Tấn và đám bạn dọa Nhi là bắt về làm vợ. Nghe thấy vậy, Nhi gọi anh Tùng, ở xã Cát Vân là người quen ra để đưa mình vào nhà. Tùng đi từ trong đám cưới ra đưa Nhi vào nhà. Khi đến ngõ, chỗ Tấn và đám bạn đang đứng, Tùng nói: “Tao thách chúng mày bắt đấy, chúng mày thích làm loạn ở đây à?”. Hai bên lời qua tiếng lại, một người trong nhóm bạn của Tấn lao vào túm cổ áo Tùng, đấm và vật Tùng ngã xuống đất. Tấn và một số người khác cũng lao vào đánh Tùng. Cùng lúc, Tấn còn rút dây thắt lưng vụt 2 cái vào đầu Tùng, khiến Tùng bị thương nặng, dây thắt lưng bị đứt, phần khóa bằng kim loại rơi ra. Thấy đánh nhau, có người la kêu cứu thì mọi người đang ngồi chơi trong đám cưới mới chạy ra can ngăn sự việc. Hậu quả, Tùng bị thương nặng phải cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Ngày hôm sau, Tấn đã đến cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Như Xuân đầu thú về hành vi phạm tội của mình. Cơ quan CSĐT Công an huyện Như Xuân đã tiến hành trưng cầu giám định thương tích đối với nạn nhân trong vụ án. Kết quả giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh kết luận Tùng bị thương tích 23%, trong đó thương tích do Tấn dùng dây thắt lưng đánh dẫn đến chấn thương sọ não kín là 21%, các tổn thương còn lại là 2%.

Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ xác định Tấn và 3 đối tượng khác đã cùng đánh, đấm, đá vào người Tùng, riêng Tấn đã rút dây thắt lưng, dạng dây da, có khóa bằng kim loại hình chữ H – là hung khí nguy hiểm để vụt vào đầu Tùng. Kết quả điều tra phù hợp với lời khai của các đối tượng, lời khai của các nhân chứng, lời khai của bị hại, vật chứng thu được tại hiện trường, kết luận giám định và các chứng cứ khác. Gia đình Tấn đã thỏa thuận, bồi thường tổn thất về vật chất, tinh thần cho Tùng với số tiền là 47 triệu đồng. Phía gia đình bị hại đã thống nhất và không có yêu cầu bồi thường thêm và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Như Xuân đã truy tố Tấn và 3 đối tượng khác về tội “Cố ý gây thương tích”.

Trong vụ án này, có 2 trợ giúp viên pháp lý, thuộc Chi nhánh TGPL số 4, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh được phân công bào chữa cho 4 bị cáo. Tại phiên tòa, các trợ giúp viên pháp lý có quan điểm thống nhất với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân huyện về tình tiết vụ án, tội danh, điều luật, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và trách nhiệm bồi thường dân sự. Tuy nhiên, trợ giúp viên pháp lý đề nghị hội đồng xét xử xem xét thêm về nhân thân của các bị cáo để đưa ra một bản án thấu tình, đạt lý, tạo điều kiện cho các bị cáo được hưởng mức án khoan hồng của pháp luật, không nhất thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội để bị cáo có cơ hội sửa chữa những lỗi lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội. Cả 4 đối tượng liên quan trong vụ án đều là người dân tộc thiểu số, có tuổi đời còn trẻ, trình độ văn hóa hạn chế, hiểu biết xã hội cũng như pháp luật còn hạn chế nên mới dẫn đến hành vi phạm tội. Mặc dù gia đình các bị cáo khó khăn về kinh tế, các bị cáo đã tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả; người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các bị cáo đã thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình...

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã xử phạt Tấn 36 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”, thời gian thử thách là 60 tháng. Ba bị cáo còn lại bị xử phạt 12 và 24 tháng tù cho hưởng án treo cũng về tội danh trên, thời gian thử thách là 24 tháng. Các bị cáo được giao cho UBND cấp xã giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo.

(Tên nhân vật trong vụ án đã được thay đổi).

Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]