(Baothanhhoa.vn) - Ngành nông nghiệp những năm gần đây dù đạt được những kết quả tích cực, song nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều rủi ro, có những thời điểm phải kêu gọi “giải cứu”. Để nông nghiệp thực sự thành trụ đỡ của nền kinh tế, nông dân sống khỏe từ nông sản của mình thì cần phải có bước chuyển cả về nhận thức và hành động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyển đổi tư duy

Ngành nông nghiệp những năm gần đây dù đạt được những kết quả tích cực, song nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều rủi ro, có những thời điểm phải kêu gọi “giải cứu”. Để nông nghiệp thực sự thành trụ đỡ của nền kinh tế, nông dân sống khỏe từ nông sản của mình thì cần phải có bước chuyển cả về nhận thức và hành động.

Chuyển đổi tư duy

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, đã đề ra yêu cầu phát triển nông nghiệp toàn diện với quy mô phù hợp, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với XDNTM; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp...

Trong xu thế phát triển hiện nay, vấn đề này hết sức quan trọng nhằm tạo ra giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp. Với một tỉnh mà ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn đóng vai trò chủ đạo, nông dân còn chiếm số đông như Thanh Hóa, thì yêu cầu chuyển đổi tư duy trong nông nghiệp càng trở nên quan trọng, thúc bách.

Như chúng ta đã biết, dù trên địa bàn tỉnh đến nay đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô; có những tiềm năng, thế mạnh được đánh giá có tính vượt trội, nhưng giá trị trên đơn vị diện tích thì lại chưa cao, hiệu quả kinh tế mà ngành nông nghiệp đem lại chưa như kỳ vọng.

Khoảng trống trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nhiều địa phương đó là chưa liên kết hoặc chậm liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản, nhất là liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí. Ở không ít địa phương, nông dân thường “tự bơi” trong “bể kinh nghiệm” của mình là chính. Một số nơi áp dụng biện pháp kỹ thuật với yêu cầu khắt khe, nhưng tính tuân thủ của nông dân vẫn là vấn đề rất đáng lo lắng.

Ở một số địa phương doanh nghiệp đã chủ động bắt tay với nông dân để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, chế biến, tuy nhiên chưa có sự bền vững. Một số nông hộ bội tín, phá hợp đồng khi giá cả thị trường có sự thay đổi dẫn đến doanh nghiệp bị động. Mặt khác, chuyện doanh nghiệp bỏ cọc, thương lái bỏ rau củ mọc mầm ở đồng, để quả chín rụng cũng là chuyện xảy ra ở nhiều thời điểm.

Việc chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp sẽ giúp khỏa lấp đi những bất cập này. Mà muốn thực hiện điều đó đòi hỏi phải đẩy mạnh và tuân thủ liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành thương phẩm, đảm bảo yêu cầu, chuẩn mực của thị trường. Theo đó, những mô hình nuôi, trồng cũ cần phải có chính sách đồng bộ hơn để kích hoạt nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ... Đây là những mô hình tạo ra giá trị lớn hơn trên từng đơn vị diện tích nông nghiệp, và cũng đã manh nha ở một số địa phương, cần tiếp tục được lan tỏa, phát huy.

Có thể nói, để dịch chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sự xuất hiện của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp lớn với một thái độ nghiêm túc sẽ góp phần định hình tư duy của nông dân từng bước chuyển đổi để thực hành làm kinh tế nông nghiệp. Cùng với đó đòi hỏi phải đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... Thực hiện những yêu cầu này bên cạnh khát vọng của nông dân, vai trò đồng hành của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn là rất quan trọng.

Thái Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]