(Baothanhhoa.vn) - Hệ thống truyền thanh cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân cũng như tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu trên, hệ thống truyền thanh cơ sở đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ để giải quyết những khó khăn, hạn chế nội tại, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần xây dựng chính quyền số tại cơ sở.

Chuyển đổi số trong hệ thống truyền thanh cơ sở

Hệ thống truyền thanh cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân cũng như tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu trên, hệ thống truyền thanh cơ sở đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ để giải quyết những khó khăn, hạn chế nội tại, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần xây dựng chính quyền số tại cơ sở.

Chuyển đổi số trong hệ thống truyền thanh cơ sởChỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh ông Lê Đại Tấn, công chức văn hóa, kiêm trưởng Đài Truyền thanh xã Hải Nhân có thể vận hành hệ thống truyền thanh mọi lúc, mọi nơi.

Xã Hải Nhân là địa phương đầu tiên của thị xã Nghi Sơn triển khai thí điểm việc lắp đặt đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT), hệ thống bắt đầu hoạt động thử nghiệm từ ngày 1-4-2022. Công chức văn hóa, kiêm Trưởng Đài Truyền thanh xã Hải Nhân Lê Đại Tấn cho biết: Hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT của xã được đầu tư trên 860 triệu đồng, gồm 15 cụm loa. So với hệ thống cũ, đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT quản lý, vận hành đơn giản, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian và nhân lực; có khả năng lựa chọn, giám sát và vận hành thiết bị cụm thu phát truyền thanh từ xa; quản lý thiết bị đầu cuối qua ứng dụng trên bản đồ, giúp phát hiện các thiết bị hỏng, không cần nhân lực thường xuyên đến tận nơi để kiểm tra, tự động chuyển từ văn bản dạng word sang giọng nói; chất lượng tiếp sóng tốt, âm thanh rõ ràng, không có tạp âm; chủ động về thời gian, thực hiện lập lịch tiếp âm phát sóng trước cho ngày, tuần, tháng...

Tương tự, xã Tiên Trang cũng là xã đầu tiên của huyện Quảng Xương được đầu tư đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. Cán bộ văn hóa, kiêm Trưởng Đài Truyền thanh xã Tiên Trang Lê Xuân Thọ chia sẻ: Hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT mới được lắp đặt trên địa bàn xã với 3 cụm loa, có tính năng vượt trội và tân tiến so với hệ thống truyền thanh cũ. Trong đó, phần mềm chuyển đổi văn bản sang giọng nói tự động giúp chúng tôi không phải mất nhiều thời gian, công sức ngồi đọc, thu âm bản tin rồi xử lý tạp âm trước khi phát sóng như trước. Mặt khác, phần mềm cũng có thể cài đặt đồng bộ trên điện thoại thông minh có kết nối internet, rất thuận tiện cho việc điều khiển phát sóng mà không cần lên trụ sở làm việc. Truyền thanh ứng dụng CNTT-VT được nhân rộng và đưa vào sử dụng sẽ giúp cán bộ, công chức kiêm nhiệm phụ trách đài truyền thanh như tôi giảm áp lực và xử lý công việc chuyên môn nhanh gọn, thuận tiện hơn... Xã Tiên Trang đang xin ý kiến các cấp để tiến hành khảo sát, đầu tư lắp đặt thêm 18 cụm loa, nhằm hiện đại hóa hoàn toàn hệ thống đài truyền thanh xã.

Những tiện ích mà đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT mang lại là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là giá trị đầu tư lắp đặt cụm thu của đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT lớn hơn so với hệ thống truyền thanh tần số FM. Ngoài ra, chi phí thuê đường truyền hàng tháng tốn kém. Thanh Hóa vẫn đang là tỉnh khó khăn, nguồn kinh phí cho đài truyền thanh cấp xã rất hạn chế, trong khi nhu cầu thông minh hóa các hệ thống đài truyền thanh hiện nay và đầu tư mới là rất lớn. Hạ tầng viễn thông tại các xã vùng sâu, vùng xa còn yếu, nhiều thôn, bản chưa có sóng điện thoại hoặc chất lượng thấp, không đáp ứng yêu cầu triển khai hệ thống truyền thanh thông minh...

Thực hiện Quyết định số 3668/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục, danh sách, dự toán chi tiết và kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án “Chuyển đổi số hệ thống truyền thanh cơ sở ở các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2021”, UBND tỉnh đã phê duyệt cho 3 địa phương là Hoằng Hóa, Nông Cống, Thiệu Hóa với tổng số 15 xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao được hỗ trợ chuyển đổi số hệ thống truyền thanh cơ sở năm 2021. Các xã được đầu tư máy tính làm chương trình phát thanh, phần mềm điều khiển phát sóng phát thanh qua mạng IP, Micro có dây thu âm bản tin, thiết bị điều chế âm thanh Mixer, cụm thu phát thanh ứng dụng CNTT-VT IP 120W, máy ghi âm, bộ loa kiểm thử tín hiệu, thuê bao dữ liệu điện thoại 3 năm, loa truyền thanh vành nhôm 8 Ohm 30W… với tổng kinh phí 5.249.920.000 đồng. Sau khi hoàn thành đề án sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số ở cơ sở.

Có thể nói, lợi ích và hiệu quả từ việc chuyển đổi số hệ thống truyền thanh cơ sở bước đầu đã được ghi nhận. Do đó, cùng với việc vận dụng nguồn lực từ ngân sách, thiết nghĩ các địa phương cũng cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác để đầu tư, nâng cấp hệ thống truyền thanh thông minh nhằm hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống thông tin phục vụ người dân trong kỷ nguyên số.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]