(Baothanhhoa.vn) - Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, khách quan, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện CĐS trên nhiều lĩnh vực và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực với nhiều “điểm sáng”.

Chuyển đổi số: Động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, khách quan, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện CĐS trên nhiều lĩnh vực và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực với nhiều “điểm sáng”.

Chuyển đổi số: Động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhậpNăm 2023, tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong tổng quy mô nền kinh tế của Thanh Hóa đạt 8,28% (trong ảnh: Công ty TNHH Minh Lộ - một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh Thanh Hóa).

Trong nhiều dấu ấn cho thấy CĐS đang trở thành xu thế, thành động lực cho phát triển là việc tỉnh đã đưa vào triển khai, sử dụng Cổng dữ liệu mở của tỉnh (https://opendata.thanhhoa.gov.vn), gồm 234 cơ sở dữ liệu mở của 15 lĩnh vực nhằm chia sẻ, công khai các dữ liệu mở phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; đồng thời công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp. Hoàn thành kết nối giữa Cổng dịch vụ công (DVC), hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 98,22%; 100% kết quả hồ sơ giải quyết TTHC được cung cấp đồng thời cả bản giấy và bản điện tử, tạo thuận tiện cho cả chính quyền và người dân trong thực hiện lưu trữ hồ sơ... Từ đây một nền hành chính hiện đại, vì Nhân dân phục vụ đã hình thành rõ nét, hiệu quả và thực chất.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 140 mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”. Nhiều sáng kiến, giải pháp mới trong giải quyết TTHC được triển khai áp dụng hiệu quả, tiêu biểu như Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với khẩu hiệu “Làm hết việc chứ không hết giờ”; huyện Quan Hóa với mô hình “Điểm dịch vụ công trực tuyến”; huyện Thọ Xuân với sáng kiến “Ngày không hẹn, ngày không viết”; huyện Đông Sơn áp dụng mô hình “Tổng đài hỗ trợ hướng dẫn thủ tục hành chính”, “ Giờ làm việc thứ 9”; mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh... Các mô hình đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương thuộc top đầu của cả nước về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Bắt nhịp CĐS, các ngành, lĩnh vực của tỉnh đều đang chuyển mình mạnh mẽ trên không gian số, ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp tiếp cận với phương thức sản xuất mới, các dịch vụ mới... Trong đó, việc hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh ngày càng được lan tỏa sâu, rộng. Năm 2023, tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong tổng quy mô nền kinh tế của Thanh Hóa đạt 8,28%, bước đầu tạo cảm hứng cho mục tiêu toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 100 doanh nghiệp số; đến năm 2030, có ít nhất 150 doanh nghiệp số.

Tự hào là một trong những doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số của tỉnh Thanh Hóa, ông Hoàng Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Minh Lộ (TP Thanh Hóa), cho biết: Công ty TNHH Minh Lộ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với chức năng chính là sản xuất, kinh doanh phần mềm, thiết bị máy tính, thiết bị mạng và thiết bị văn phòng... Sau gần 18 năm hoạt động, Công ty TNHH Minh Lộ đã đồng hành CĐS cho 100% bệnh viện tuyến huyện của ngành y tế Thanh Hóa và các tỉnh, thành khác như: Hải Phòng, Hòa Bình, Sơn La...; cung cấp giải pháp phần mềm cho gần 400 cơ sở y tế trên toàn quốc. Sản phẩm công nghệ của Công ty TNHH Minh Lộ đã được nhận Giải bạc chất lượng quốc gia năm 2017; Giải thưởng CĐS Việt Nam - VietNam Digital Award 2023...

Cùng với việc công bố bảng xếp hạng mức độ CĐS của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện; ban hành bộ tiêu chí CĐS cấp xã đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 (Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”); tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID, thẻ CCCD gắn chíp khi giải quyết TTHC, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đẩy mạnh CĐS trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024 là năm “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa xác định: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực tiếp tục là những giải pháp đột phá chiến lược đưa Thanh Hóa tiến xa trong tiến trình CĐS.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]