(Baothanhhoa.vn) - Khi người dân địa phương không còn mặn mà với đồng ruộng, nhiều diện tích vùng sâu trũng đã và đang dần bị bỏ hoang, thì vợ chồng anh Phan Văn Hùng ở thôn Thạc Quả, xã Yên Trường (Yên Định) lại quyết tâm cải biến đất hoang.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Biến đồng sâu trũng thành vùng rau an toàn

Biến đồng sâu trũng thành vùng rau an toàn

Mô hình trồng rau trong nhà lưới của gia đình anh Phan Văn Hùng, thôn Thạc Quả, xã Yên Trường (Yên Định) cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Khi người dân địa phương không còn mặn mà với đồng ruộng, nhiều diện tích vùng sâu trũng đã và đang dần bị bỏ hoang, thì vợ chồng anh Phan Văn Hùng ở thôn Thạc Quả, xã Yên Trường (Yên Định) lại quyết tâm cải biến đất hoang.

Hàng trăm triệu đồng thu nhập mỗi năm chính là thành quả cho những nỗ lực không mệt mỏi của gia đình, mà trước kia, ít người dân địa phương dám tin anh chị có thể thành công tại khu đồng hẻo lánh lắm nắng, nhiều gió ấy.

Là chủ của mô hình trồng rau an toàn rộng tới 3 ha, nhưng vợ anh Hùng là chị Nguyễn Thị Lọc vẫn xắn tay, lội ruộng làm việc cả ngày như những lao động khác. Theo chị, phải trực tiếp sản xuất mới đúc rút được kinh nghiệm và điều hành công việc sát sao. Với sự cần mẫn của vợ chồng chị Lọc cùng 6 lao động thuê lâu dài, những luống su hào, bắp cải, đậu cô-ve, các loại rau màu thay nhau gối lứa. Trong tổng số diện tích đất sản xuất, gia đình chị đã xây dựng được 3.000 m2 nhà lưới, sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài diện tích nhà lưới, gia đình chủ yếu trồng ớt xuất khẩu bởi có sự liên kết sản xuất với Công ty CP Thực phẩm xuất nhập khẩu Đồng Giao (Ninh Bình).

Dẫn chúng tôi thăm mô hình sản xuất rau màu quy mô nhất tại xã Yên Trường, chị Nguyễn Thị Lọc không ngần ngại kể về những kinh nghiệm mà mình đúc rút được. “Bí quyết để rau bán được giá cao là trồng trước thời điểm chính vụ khoảng 15 ngày. Khi thị trường còn khan hiếm loại rau đó, thì bán mới được giá cao, đầu ra lại rộng mở bởi là sản phẩm đầu vụ”. Do chú trọng sản xuất theo hướng an toàn nên các loại rau canh tác trong nhà lưới tại đây được các trường học có tổ chức cho học sinh bán trú trong vùng đặt hàng cung ứng hàng ngày. Ngoài ra, gia đình còn mở một quầy rau sạch bán tại chợ Kiểu trong xã để phục vụ nhân dân địa phương. Phần còn lại được các tư thương đến nhập để đưa đi chợ đầu mối rau quả ở TP Thanh Hóa và các nơi trong tỉnh. “Sản xuất phải tính đến lợi nhuận là điều tất yếu, song gia đình tôi luôn đặt cái “tâm” lên đầu. Tức là không vì lợi ích mà dùng thuốc kích thích tăng trưởng hay các chất cấm gây hại cho người dùng. Rau trong nhà lưới nên cũng không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều người biết đến mô hình của gia đình nên rất yên tâm” – chị Lọc khẳng định.

Được biết, vợ chồng anh Hùng, chị Lọc đã có nhiều năm làm thuê tại các mô hình trồng rau trong nhà lưới tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Qua quá trình lao động xứ người, anh chị dần học tập phương pháp canh tác, những kinh nghiệm quý. Xác định không thể ly hương mãi nên anh chị quyết tâm về quê hương, tìm cách phát triển trồng rau trong nhà lưới để phát huy được kinh nghiệm đã học tập. Những năm 2014 – 2015, vùng trồng màu xã Yên Trường đã có nhiều nông dân năng động gom đất để trồng hoa và các loại rau màu giá trị kinh tế cao. Riêng khu đồng thôn Thạc Quả, do vừa xa các khu dân cư, vừa sâu trũng nên thường xuyên ngập lụt, canh tác không mấy hiệu quả. Nhiều hộ dân trong xã lại có thế mạnh phát triển thương mại – dịch vụ nơi phố Kiểu nên không còn mặn mà với ruộng đồng. Nhiều thân ruộng trong số đó đã bị người dân bỏ hoang, để cỏ dại phát triển.

Để có đất canh tác, vợ chồng anh Hùng phải đến từng hộ vận động để dồn đổi hoặc thuê lại. Nhiều khó khăn chồng chất liên tục dồn đến như thách thức ý chí làm giàu của đôi vợ chồng mới trở về quê hương lập nghiệp. Có nhiều hộ, ruộng không sản xuất nhưng sẵn sàng bỏ hoang, không chịu chuyển nhượng. Tự vận động, thuyết phục, diện tích đã dần được mở rộng. Mênh mông một vùng sâu trũng không hợp với phát triển rau màu, gia đình anh chị lại phải dốc toàn bộ tài sản tích cóp, chạy vạy vay mượn để tôn cao nền và từng bước đầu tư sản xuất. Họ hàng nội ngoại và bạn bè của vợ chồng anh Hùng đều can ngăn bởi thấy khả năng thất bại.

Nhớ lại những ngày đầu, chị Lọc, cho biết: “Thấy gia đình tôi quyết tâm và có hướng sản xuất lớn, chính quyền xã và huyện Yên Định cũng quan tâm ủng hộ. Một đường điện đến tận khu sản xuất, 6 giếng khoan lấy nước tưới và nhiều cơ sở hạ tầng khác được tỉnh, huyện hỗ trợ theo chính sách khuyến khích chung. Bí thư đảng ủy xã khi ấy còn thỉnh thoảng xuống lội tận ruộng để động viên. Gia đình càng thấy vững tâm hơn”. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng thỉnh thoảng vẫn diễn ra gây thất thu, khiến gia đình gặp khá nhiều khó khăn. Lấy lợi nhuận đầu tư từng bước và tôn thêm thân ruộng, đến giai đoạn gần đây, mô hình đã thành công.

Hàng chục tấn rau quả mỗi năm được cung ứng cho thị trường; đó chính là “trái ngọt” của những nỗ lực không ngừng nghỉ và khát vọng làm khởi nghiệp tại quê nhà của vợ chồng anh Hùng, chị Lọc. Hơn thế, mô hình này chính là nơi để bà con nông dân trong vùng đến tìm hiểu, học tập. Nó như một sự khẳng định: Tuy hoàn cảnh và điều kiện khó khăn, nhưng ý chí quyết tâm cộng với sự cần cù thì vẫn có thể làm giàu được.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]