(Baothanhhoa.vn) - Du lịch là một ngành kinh tế đặc biệt, khi bản thân nó không chỉ tạo ra các giá trị vật chất to lớn như góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân...; mà du lịch còn được ví như tấm gương phản chiếu hình ảnh đất và người xứ Thanh tươi đẹp, nhân ái đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Thanh: Điểm đến của những vẻ đẹp vượt thời gian

Du lịch là một ngành kinh tế đặc biệt, khi bản thân nó không chỉ tạo ra các giá trị vật chất to lớn như góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân...; mà du lịch còn được ví như tấm gương phản chiếu hình ảnh đất và người xứ Thanh tươi đẹp, nhân ái đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Xứ Thanh: Điểm đến của những vẻ đẹp vượt thời gianTổ hợp khách sạn trong quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn.

Từ tài nguyên ở dạng tiềm năng...

Nằm ở vị trí “yết hầu” trên “dải đất hình chữ S” - Việt Nam, từ bao đời nay, Thanh Hóa luôn là một sự tồn tại đặc biệt. Để rồi, nếu quốc gia Phương Đông của sự huyền bí và những vẻ đẹp này, được đánh giá là nơi thôi thúc du khách dành thời gian để khám phá, thưởng ngoạn; thì xứ Thanh vốn được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ”, chính là tấm gương phản chiếu sinh động cho những vẻ đẹp vượt thời gian và sự huyền bí bất tận ấy.

Xứ Thanh của những vẻ đẹp vượt thời gian. “Rừng vàng” hùng vĩ ở phía Tây, nơi ẩn giấu trong những cánh rừng già vô vàn cảnh sắc thiên nhiên vừa hoang sơ, bí ẩn vừa sinh động, hấp dẫn. Đó là “viên ngọc xanh” Pù Luông, là Bến En “Hạ Long trên cạn”, là Xuân Liên – Cửa Đạt “sơn thủy hữu tình”... “Biển bạc” ở phía Đông chạy dọc 102 km từ Nga Sơn và tận Nghi Sơn, chứa đựng trong lòng nó kho tài nguyên khổng lồ, để mở ra không gian phát triển rộng lớn cho mảnh đất này. Trong đó phải kể đến một dải bờ biển tương đối bằng phẳng, khí hậu trong lành và những vụng biển xinh đẹp; những dãy núi đâm ra biển tạo nên các vũng như vũng Gầm, vũng Thủy, vũng Biện... xen kẽ là các cửa Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng và Lạch Ghép. Ngoài khơi còn được tô điểm bằng nhiều đảo lớn, nhỏ như đảo Mê, đảo Hòn Nẹ, đảo Nghi Sơn... Tất cả đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên “xứ biển” hết sức đa dạng và là cơ sở cho sự ra đời những đô thị, khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng như Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Nghi Sơn)...

Xứ Thanh của sự huyền bí bất tận, được phản ánh trong vô vàn câu chuyện lịch sử và một kho tàng văn hóa vật chất – tinh thần phong phú, sinh động và giàu giá trị. Đó là dấu ấn kinh kỳ còn phản chiếu trên 4 bức thành cổ, cũng là nơi đá phải “trơ gan cùng tuế nguyệt” để lưu lại cho nhân loại một di sản kiến trúc – lịch sử, văn hóa vô giá. Đó là “kinh đô tưởng niệm” của một trong những vương triều phong kiến thịnh vượng bậc nhất và từng “viết lại lịch sử” dân tộc ở cả 2 trang dựng nước và giữ nước. Đó còn là hang Con Moong – một “thư viện khảo cổ” về lịch sử hình thành và đấu tranh sinh tồn của loài người. Đó còn là những di sản mà chỉ cần xướng danh thôi cũng đủ đại diện cho cả một giai đoạn lịch sử, như đền thờ Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, đền thờ Dương Đình Nghệ... Chưa hết, mảnh đất của sự huyền bí này còn tồn tại một kho tàng văn hóa phi vật thể, được phản ánh chân thực, đa dạng và khá nguyên sơ trong văn hóa tộc người.

Mặc dù có nguồn tài nguyên du lịch phong phú là vậy, thế nhưng, chừng mươi mười lăm năm trước, phần lớn trong số đó vẫn nằm ở dạng tiềm năng. Bởi khi ấy, du lịch vẫn là một “khái niệm” khá mới và đi du lịch chưa dành cho số đông. Đồng thời, nhận thức hay sự thừa nhận của các cấp, ngành, địa phương về vị trí, vai trò của du lịch trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn khá hạn chế. Tuy nhiên, mọi việc nay đã khác. Bởi nhận thức thay đổi dẫn đến định hướng, tầm nhìn và các cơ chế, chính sách phát triển du lịch, cũng có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. Đồng thời, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Từ đó, mang lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh - quốc phòng.

Đặc biệt, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Theo đó, Thanh Hóa đang dồn nhiều nguồn lực, nhằm tạo đà cho du lịch cất cánh, cũng là mở ra tương lai phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp không khói. Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển này, đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, đề án liên quan đã được xây dựng và triển khai thực hiện. Trong đó, việc xác định du lịch là 1 trong 5 chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thành Hóa lần thứ XVIII) và Quyết định số 290-QĐ/TU ngày 27-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, đã thực sự tạo ra bước ngoặt phát triển chưa từng có cho ngành du lịch.

... đến vận hội phát triển

Để tận dụng những lợi thế tự nhiên và nhân văn to lớn; đồng thời, cũng là nhằm triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Thanh Hóa đã tập trung nhiều nguồn lực kinh tế để đầu tư cho du lịch. Trong đó phải kể đến việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các điểm đến. Đồng thời, xúc tiến nhanh dự án xây dựng các trạm dừng chân kết hợp khai thác, phục vụ du lịch trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh. Cùng với đó là thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch như resort, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm... Thực hiện khoanh vùng, lập quy hoạch các khu, điểm du lịch quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án kinh doanh du lịch, nhất là khu vực ven biển. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các huyện miền núi, nhằm mở rộng không gian phát triển du lịch, đáp ứng xu hướng thời đại phát triển du lịch xanh, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được chú trọng; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm; hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, được xem là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến để thu hút du khách...

Dựa vào 3 điều kiện tiên quyết là thiên thời (tài nguyên dồi dào), địa lợi (nhận thức về vai trò quan trọng của du lịch) và nhân hòa (cơ chế, chính sách làm đòn bẩy), du lịch Thanh Hóa đã có được một “thế chân kiềng” tương đối vững chắc để phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 7,4%/năm; tổng thu du lịch tăng trưởng 18,1%/năm. Cụ thể, năm 2016 toàn tỉnh đón 6.277.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt 6.298 tỷ đồng. Năm 2017 chỉ tiêu khách du lịch đạt khoảng 7.000.000 lượt khách, với tổng thu 8.000 tỷ đồng. Năm 2018 Thanh Hóa đã đón 8.250.000 lượt khách, tổng thu đạt 10.605 tỷ đồng. Năm 2019, con số lượt khách cán mốc 9.655.000, tổng thu đạt 14.526 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã góp phần thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch. Tính đến năm 2020, Thanh Hóa đã thu hút được 79 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 84.300 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, có chất lượng cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Một số dự án bước đầu đưa vào phục vụ khách du lịch, như Sầm Sơn golflinks và khu đô thị sinh thái FLC; Khu tổ hợp dịch vụ khách sạn thương mại Vincom... Đồng thời, một số dự án lớn đã và đang được triển khai đầu tư, như Khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn; Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương); Flamingo Linh Trường Khu B (huyện Hoằng Hóa).

Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án đầu tư cơ sở lưu trú du lịch cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở phân khúc 3-5 sao và hệ thống các dịch vụ cao cấp, đã góp phần tăng nội lực các điểm đến, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Thanh Hóa. Theo đó, tính đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 925 cơ sở lưu trú du lịch, với 41.300 phòng (trong đó có 225 khách sạn từ 1-5 sao với 15.260 phòng). Riêng khách sạn 3-5 sao là 43 khách sạn/4.560 phòng; trong đó có một số khách sạn lớn, đẳng cấp và chất lượng như Quần thể khách sạn FLC Sầm Sơn (5 sao), Khách sạn Vipearl (5 sao), Khách sạn Central (5 sao), resort Vạn Chài (4 sao), Khách sạn Mường Thanh (4 sao), Khách sạn Dragon Sea (4 sao), Khách sạn Thiên Ý (4 sao), Khách sạn Dragon Style (4 sao)...

Trong định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thanh Hóa cũng đồng thời xác định du lịch nghỉ dưỡng biển – đảo là sản phẩm mũi nhọn. Sự định hướng này dựa trên các lợi thế sẵn có và nhất là dựa trên lịch sử khai thác, khi du lịch nghỉ dưỡng biển đã được người Pháp khai phá ở Sầm Sơn từ hơn 1 thế kỷ trước. Trong bối cảnh hiện nay, Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển có bản sắc, thương hiệu, hiện đại, đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Từ đó tạo ra “vùng động lực” cho du lịch Thanh Hóa và đưa Sầm Sơn dần tiệm cận mục tiêu trở thành 1 trong 12 đô thị du lịch trọng điểm quốc gia. Theo đó, trong khoảng 5 năm gần đây, Thanh Hóa đã dồn lực cho Sầm Sơn phát triển, với tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp đạt trên 7.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở để định hình nên diện mạo của “một thành phố đáng sống” trong tương lai. Từ Sầm Sơn, du lịch biển – đảo đã và sẽ trở thành điểm tựa phát triển cho toàn ngành du lịch Thanh Hóa. Và thực tế cho thấy, cả một dải bờ biển xứ Thanh đã được “thắp sáng” nhờ hơn 40 dự án đã, đang và sẽ triển khai, với hệ thống các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn, biệt thự, resort, khu vui chơi giải trí, sân golf đa dạng tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Bãi Đông - Nghi Sơn...

Còn nhớ, tại một hội nghị bàn giải pháp phát triển du lịch Việt Nam cách đây vài năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển du lịch cần có quyết tâm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng và Nhân dân”. Quan điểm này thiết nghĩ đã, đang và sẽ là kim chỉ nam cho sự phát triển ngành du lịch Thanh Hóa hiện nay và tương lai!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]