(Baothanhhoa.vn) - Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục tỉnh nhà nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Trợ thủ đắc lực” trong đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục tỉnh nhà nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.

Phòng học Tin học của Trường THPT Lê Thánh Tông (Thọ Xuân) được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Ảnh: Phong Sắc

Thực tế cho thấy, hầu hết các môn học đều có thể ứng dụng CNTT để tăng sự hấp dẫn của bài giảng, giúp học sinh (HS) dễ tiếp thu kiến thức. Để nâng cao chất lượng dạy và học, ngoài việc thực hiện tốt công tác chuyên môn, một trong những ưu tiên của các nhà trường hiện nay là tăng cường đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu, bảng tương tác... Và, với xu thế phát triển mạnh mẽ của CNTT, giáo viên cũng đã và đang thay đổi từ cách dạy học truyền thống với hình thức đọc - chép sang giáo án điện tử với những hình ảnh minh họa sống động, gây sự thu hút, lôi cuốn đối với các em HS, giúp cho chất lượng giờ học được nâng cao một cách hiệu quả. Trong mỗi giờ học, với giáo án điện tử, HS sẽ được mở rộng hiểu biết thông qua các video, hình ảnh liên quan trực tiếp đến bài học. CNTT không chỉ là “trợ thủ đắc lực” cho giáo viên mà còn là người bạn đồng hành thân thiết của HS trong xã hội học tập, kỷ nguyên tri thức số.

Bên cạnh khả năng nâng cao hiệu quả giảng dạy, học tập, CNTT ngày càng thể hiện rõ vai trò đối với hoạt động quản lý giáo dục. “Đón đầu” các công nghệ hiện đại, nhiều trường đã triển khai hệ thống gửi tin nhắn đến điện thoại di động thông báo cho phụ huynh kết quả học tập của con em mình; ứng dụng CNTT vào quản lý hồ sơ HS, theo dõi thời khóa biểu, báo điểm... Từ đó, các bậc phụ huynh có thể nắm bắt được tình hình học tập của con em để phối hợp cùng với thầy, cô giáo và nhà trường trong việc quản lý và giáo dục HS. Nhờ có CNTT mà chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Ở Trường THCS Lê Thánh Tông (Thọ Xuân), các phòng học đều có màn hình ti vi kết nối máy tính và internet, thư viện nhà trường cũng được đầu tư lắp đặt 10 máy tính kết nối internet theo hướng thư viện điện tử; 100% giáo viên có máy tính xách tay để lên lớp. Trong các giờ học, HS vừa được nghe giáo viên giảng dạy, đồng thời được nhìn hình ảnh thực tế từ màn hình tivi để so sánh, giúp việc dạy học hiệu quả hơn. Thầy Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tông cho biết: Cùng với việc sử dụng các thiết bị CNTT trong giảng dạy, nhà trường còn ứng dụng nhiều phần mềm trong quản lý cũng như trong dạy và học. Đặc biệt, nhà trường đã tổ chức quản lý hoạt động chuyên môn của giáo viên thông qua việc mở và thiết lập tài khoản cho giáo viên, HS trên trang Web http://truongtructuyen.edu.vn, với tổng số tài khoản được mở cho giáo viên là 30, trong đó 100% các tài khoản sau khi mở được sử dụng hiệu quả. Qua đó, giúp việc quản lý hiệu quả, chính xác, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường cũng không ngừng được nâng lên. Kết thúc năm học 2017 - 2018, tỷ lệ HS đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh tiếp tục giữ vững tốp đầu của huyện, tỉnh; 100% học sinh lớp 9 thi đậu THPT...

Hiện nay, hoạt động ứng dụng CNTT đã được 613 trường THCS, 677 trường tiểu học, 665 trường mầm mon, hơn 100 trường THPT, 19 trường THCS... trong toàn tỉnh đẩy mạnh và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong các cấp học, có hơn 2.000 trường kết nối mạng cáp quang, gần 1.000 phòng máy vi tính, hơn 17.800 máy vi tính phục vụ dạy học, gần 8.000 máy tính phục vụ công tác quản lý,... Hầu hết giáo viên các trường học trong tỉnh đều biết sử dụng máy tính, internet để soạn giáo án, tìm hiểu nguồn tư liệu hỗ trợ giảng dạy. Các phần mềm quản lý Emis, Pmis, Smas trong quản lý HS, giáo viên, quản lý tài chính đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Phần lớn giáo viên đã biết cách sử dụng Power Point để làm giáo án điện tử, trao đổi nghiệp vụ qua email hoặc tham gia các diễn đàn giáo dục nội bộ hoặc của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Tại các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, thị xã, thành phố cũng như cấp tỉnh đều có những giờ giảng có ứng dụng CNTT đạt hiệu quả tốt. Sở GD&ĐT cũng duy trì hệ thống thông tin qua website và email để triển khai văn bản chỉ đạo, điều hành, phản ánh các hoạt động của ngành và các cơ sở GD&ĐT; nêu gương điển hình, người tốt, việc tốt; tiếp thu ý kiến góp ý của xã hội, nhân dân để kịp thời điều chỉnh các quyết định trong quản lý Nhà nước và điều hành các hoạt động GD&ĐT, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD&ĐT, việc ứng dụng CNTT trong dạy học trong các nhà trường vẫn còn những hạn chế nhất định, như: Một số giáo viên vẫn chưa phân biệt rõ giữa phương pháp giảng dạy và công cụ giảng dạy, họ cho rằng sử dụng CNTT trong giảng dạy là đã áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Một số giáo viên khi thiết kế bài giảng bằng Power Point đã sử dụng những hình ảnh, font chữ, màu chữ lòe loẹt, hoặc những hiệu ứng ẩn hiện nhảy múa không hợp lý, gây phản cảm và làm cho học sinh chú ý nhiều vào hiệu ứng mà sao lãng nội dung. Cơ sở vật chất đã được đầu tư, tăng cường, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn đổi mới hiện nay...

Muốn đổi mới phương pháp dạy học thì việc ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy và học phải đi trước một bước. Khắc phục những khó khăn, hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học, để CNTT trở thành “trợ thủ đắc lực” trong đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, trong giai đoạn tới, ngành giáo dục tỉnh nhà xác định, tăng cường tập huấn về CNTT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của chính quyền các cấp trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại cho các cơ sở giáo dục; quan tâm xây dựng các mô hình ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy và học từ Sở GD&ĐT đến các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đúng như tinh thần của Chỉ thị số 29/2001/CT-BGD&ĐT “Đối với GD&ĐT, CNTT có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi phương pháp, phương thức dạy và học. CNTT là phương tiện để tiến tới một xã hội học tập”.


Lê Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]