(Baothanhhoa.vn) - Quê tôi, vào tiết tháng 8 hàng năm thường có những trận lụt lớn, mọi vật như chim cò, cầy cáo đều nổi bềnh lên mặt nước, tìm những cành cao mà đậu, đó là dịp dân làng đua nhau chở thuyền đi săn bắn. Lớp học chúng tôi có thầy Bắc rất giỏi nghề này, nhưng không đi, nghĩ vì chúng tôi mà thầy phải lên lớp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tình người

Quê tôi, vào tiết tháng 8 hàng năm thường có những trận lụt lớn, mọi vật như chim cò, cầy cáo đều nổi bềnh lên mặt nước, tìm những cành cao mà đậu, đó là dịp dân làng đua nhau chở thuyền đi săn bắn. Lớp học chúng tôi có thầy Bắc rất giỏi nghề này, nhưng không đi, nghĩ vì chúng tôi mà thầy phải lên lớp.

Nói là lớp học nhưng chỉ có tám học trò, tôi và Chức đến sau, kém mấy người đi trước ít nhất năm tuổi. Họ đã biết viết tập, biết làm toán cộng trừ, tôi và Chức phải nhờ thầy cầm tay cho mạc từng chữ. Thầy chịu khó lắm, quý bọn tôi như con đẻ. Khác mọi người là thầy không đánh học sinh hoặc chửi nặng nửa lời (ngày đó có những thầy giáo hay cầm thước gõ vào tay, vào đầu học sinh trốn học, nghịch ngợm, nói chuyện riêng, thậm chí có đứa không thuộc lòng một bài thơ cũng bị véo tai). Riêng tôi với Chức, thầy phải vất vả kèm bốn tháng mới để chúng tôi tự viết tập và đếm từ một đến một trăm...

Tháng 9 - 1958, lần đầu xã tôi được mở trường quốc lập. Tôi và Chức cùng các anh chị trên tuổi vào lớp một. Lúc này họ không còn đố kỵ tôi và Chức nữa, bởi nhiều khi họ phải nhờ bọn tôi giải toán... Thời gian qua mau, năm 1965 chúng tôi học hết lớp bảy, thi tốt nghiệp cả lớp có tôi và Chức được năm điểm toán, bốn điểm văn, đứng đầu lớp. Điểm năm ngày ấy ngang điểm mười bây giờ. Đúng vào giai đoạn giặc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, tất cả các công trường, nhà máy, đường giao thông đều bị chúng oanh tạc. Nếu tiếp tục học lên cấp ba phải đến trường huyện xa tám cây số, đường sá khó đi, lại phải qua đò Bưởi, cộng thêm hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nên hầu hết chúng tôi từ giã trường phổ thông. Một số đi thanh niên xung phong, số vào bộ đội, mấy bạn nạp đơn và được tuyển vào trường trung học sư phạm. Riêng Chức, nhờ kinh tế gia đình khá vững nó vào trường cấp ba, sau ba năm được tuyển vào đại học. Ra trường, nó được phân công làm việc hợp với khả năng nên tiến rất nhanh: Sau hai năm công tác được phong hàm thiếu úy, ba năm tiếp lên trung úy... và cứ thế theo niên hạn lên đến đại tá, chẳng phải tiếp xúc với bom đạn lần nào.

Ngày Chức nhận hàm đại úy về nghỉ phép mười lăm ngày để cưới vợ, bấy giờ tôi là giáo viên dạy trường cấp hai xã nhà đến bàn với anh ta lại thăm thầy Bắc, bởi dạo này thầy hay ốm, đi phải chống gậy. Tôi thực lòng tâm sự: “Từ ngày cậu đi tới nay bọn tớ cứ đến ngày hai mươi tháng mười một kéo nhau đến thăm hỏi các thầy, đứa ở xa không về được thì gửi thư chúc sức khỏe. Riêng cậu, bận việc quá hay sao?”. “Giờ Thái nói mình mới nhớ - rồi Chức cười khà khà - ông bảo ta đến thăm thầy Bắc, cái thầy dạy từ những năm vỡ lòng chứ gì?”. “Phải, người đã cầm tay chúng mình nắn từng chữ, sau mấy tháng ta vượt lên ngang sáu bạn lớn tuổi...”. “Để khi khác, giờ mình đang bận. Chắc Thái cũng hiểu về tâm lý rồi đấy!”. “Còn thời cơ nào nữa? Để khi khác cậu về thầy đã ra Cồn Than kia mất rồi!”. “Không phải quên thầy Bắc, còn hàng chục thầy từ ngày mình học cấp một đến hết chương trình đại học nữa cơ. Nhất số thầy ở trường đại học đã cho mình không biết bao nhiêu chữ!”...

À ra thế, tôi trách mình, cứ tưởng cậu ta vẫn còn như bạn Chức ngày xưa!...

Vợ Chức là cô giáo Thục, ngày tôi làm hiệu trưởng, cô chủ nhiệm lớp tám A. Mấy lần Chức bàn đưa Thục ra Hà Nội, anh ta sẽ tìm việc khác nhàn hơn mà lương bổng khá cao, cô không nghe. Lý do Thục không thích ở nơi phố phường chen chúc, nhà quê tuy nghèo, giản dị nhưng có mái ấm gia đình và mảnh vườn xanh tươi, cô cho rằng không hạnh phúc nào hơn thế. Anh ta nói: “Cô đi hoặc không, tùy! Tôi dứt khoát chẳng trở về cái làng quê nghèo nàn lạc hậu này nữa. Hà Nội tuy chật chội, nhưng cứ làm một căn nhà nhiều tầng mà xem, muốn hứng gió hướng nào cũng được. Còn bạn bè nữa... Không làm thêm thì thôi, đã bỏ công, ít ra cũng thu được hàng chục triệu... Lại còn văn hóa: Ở đâu bằng thủ đô, con người văn hóa, mọi mặt xã hội cũng văn hóa!”...

Lần thầy Bắc qua đời, bạn bè gần xa lần lượt đến viếng. Hoàn cảnh nhà thầy còn mỗi vợ chồng già, hai con trai đã hy sinh từ thời chống Mỹ, hai cô con gái lấy chồng xa. Đợt này thầy ốm dài ba tháng, tôi vận động được hai bạn gái (nói là bạn nhưng giờ họ đã thành bà) đến chăm sóc thầy hàng ngày. Cái hôm bà Kính thấy thầy đang “bắt chuồn chuồn”, người khô héo, má hóp, ngực lép dưới manh áo cứng đờ, hai môi túm lại, đầu cố lắc lư như muốn nhắn nhủ điều gì làm bà hoảng quá chạy ra thông báo dân làng. Tôi sang dặn Thục: Em điện xem Chức có về được không... Cả đời bận việc không đến với thầy được, nay gặp cảnh nghĩa tử nghĩa tận cũng nên gắng mà về. Nghe chưa hết lời, mặt Thục tái mét, bỏ bút đánh cạch rồi chạy vào mở máy điện thoại, suýt nữa đá phải con mèo vừa lượn qua. Vì ngoài đường có tiếng máy cày nên cô phải mở loa ngoài, tôi đứng khá xa vẫn nghe được cả lời hai bên: “Anh Chức ơi?” - Thục gọi. Chức hỏi: “Gì thế em?”. “Thầy Bắc mất rồi!”. “Già thì phải chết, có gì mà lạ!”. “Anh Thái đang ngồi đây, anh ấy bảo anh gắng về, bạn bè đến đông lắm.”. “Làm sao về được, công việc cơ quan đâu đơn giản mà mình muốn đi đâu thì đi.”. “Bận mấy anh cũng gắng thu xếp mà về!”. “Em sao thế? Chuyện... thầy Bắc là giáo viên vỡ lòng dạy anh có vài năm... Để khi khác về có được không. Lại còn xe cộ nữa...”. “Chả lẽ đại tá, phó cục trưởng mà không có xe?”. “Cứ làm như thể... Tôi quyết định cô bỏ vào phong bì năm trăm... làm ngay! Một người dạy có mấy chữ a b c mà cứ coi như tướng không bằng”.

Tôi khuyên Thục thôi ngay, lòng buồn vô hạn, thấy mình vô duyên, tự nhiên rước cái vạ vào thân!...

Thục trở ra bàn nước, má cô lấm tấm mồ hôi, đưa tay lên gạt vội hai má rồi nghe tôi giới thiệu: Thầy Bắc dạy bọn anh chưa đến hai năm, nhưng vẫn ngang bằng bốn năm trường mầm non luyện bây giờ. Thầy không thu của các em một đồng tiền công nào, nghĩa là thầy nghe tiếng gọi của Tổ quốc mà đứng ra mở lớp. Phòng học phải nhờ cụ Hiều có ba gian nhà tranh vách nứa. Bàn ghế không có, thầy huy động học sinh mang tre đến và tự tay thầy đóng mấy cái chỏng, ghế thì bọn anh tự kiếm - đứa khúc gỗ chẻ đôi, đứa viên gạch để ngồi. Nhớ cái lần đê Kim Tân bị vỡ, thầy đang đọc cho học sinh viết chính tả thì cụ Hiều ở ngoài đồng chạy về, báo: “Anh cho các cháu chạy lụt ngay, nước lên đến ngõ nhà tôi rồi. Lạ thật, mưa ít mà lụt, có lẽ mưa rừng quá nhiều!”. Thầy hoảng quá, dặn mấy anh chị lớn tuổi tìm cách chạy về nhà, rồi thầy bế xốc tôi và Chức lội qua cổng cụ Hiều một đoạn khá dài, đến đầu xóm tôi thấy nước ngập vào từng nhà, thầy lại bế hai đứa chạy lên nhà thầy. Thầy dặn chúng tôi không được đi đâu hết rồi để cả quần áo ướt sũng bơi vào nhà tôi và nhà Chức, dặn: “Các bác rút mau, khả năng nước còn lên cao nữa đấy. Hai cháu đang ở nhà tôi rồi. Nào, cần chuyển những gì tôi đỡ cho!”... Đấy, tình nghĩa thầy trò là thế.

Làm tang cho thầy Bắc xong, bà Kính, vợ thầy chẳng hiểu thế nào lại mang phong bì năm trăm ngàn đồng trả Thục. Cô giật mình, nghẹn ứ cổ, bỗng nhớ lúc đàm thoại với Chức. “Có lẽ hồn thầy nghe chăng?” - cô nghĩ - Lâu nay đâu có chuyện trả lại tiền phúng viếng! Đúng là thầy đã về!” - rồi cô khóc.

Đến nay tôi đã bước sang tuổi sáu mốt, Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng cứ mỗi khi nhớ lại quãng đời đã qua nhiều lần ứa nước mắt. Những năm tháng gần đây trường lớp, bàn ghế được trang bị đầy đủ, đẹp mắt, lương bổng giáo viên cũng khá cao, ai mà chẳng muốn đến trường. Càng cảm thấy đầy đủ bao nhiêu, lòng tôi lại day dứt những kỷ niệm ngọt bùi thì ít thương đau lại nhiều. Ngoài thầy Bắc, những người như thầy Thiều A, thầy Thiều B, thầy Vân,... ở mãi tận Hậu Lộc, Nghệ An cũng vì tương lai con em mà lặn lội đến cái nơi “chưa nắng đã hạn chưa mưa đã lụt”... Mỗi lần về quê nghỉ phép các thầy hầu hết phải đi bộ, đường xa đã đành, còn bị bom đạn Mỹ chặn lối. Nhớ mỗi lần đi lĩnh gạo, các thầy phải cuốc bộ qua cánh đồng, qua đò Bưởi... đến kho gạo xa gần mười cây số, lúc trở về vai đeo bao tượng nặng mười bốn cân, cả gạo lẫn ngô, hoặc mạch nom cứ như người hành khất.

Tuy chịu đựng nhiều gian khổ, nhưng các thầy được gặt hái nhiều vinh quang tự hào: Lớp học chúng tôi ngày đó nay đã nhiều người trở thành ông nọ bà kia, một số phải nằm lại nơi chiến trường cũng đã góp phần làm rạng rỡ non sông sạch bóng quân xâm lược. Hàng năm cứ đến ngày Hiến chương các nhà giáo chúng tôi lại đến thăm những thầy còn sống, các thầy đã ra đi cũng được thắp vài nén nhang. Đến với các thầy có người tay chống nạng, người bế cháu nhỏ, môi má điểm nụ cười vui như đi trẩy hội...

Riêng Chức, nay đã về hưu, vẫn ở lại thành phố có căn nhà bảy tầng với vợ bé. Còn Thục, hai đứa con tốt nghiệp đại học, kiếm được công ăn việc làm tạm ổn. Lắm người hỏi: “Nhiều chữ như ông Chức sao lại oái oăm thế?”, tôi đành gượng cười... Bỗng một ngày gần đây tôi nghe tin khủng khiếp: Ông Chức lâm bệnh K, cô vợ bé hầu như không còn mặn nồng nữa. Vậy ai chăm sóc Chức, người trong cơ quan cũ chẳng mấy ai có thời gian giúp anh ta!... Điều rất lạ, Chức chưa được xếp vào dạng tuấn tú nhưng vẫn cặp kè được cô nàng có tiếng: Một người mẫu, thiếu chút nữa cô trở thành hoa hậu. Từ ngày cô phát hiện Chức lâm bệnh thì bỏ hẳn cơm nước ở nhà, nhiều đêm chẳng thèm về...

Chức là người ghét lối mê tín dị đoan, nhưng vấp phải căn bệnh này ai nói gì ông cũng nghe: Hết dùng thuốc nam đến nhờ bói toán...

Một hôm Chức thuê thợ lái dùng xe riêng của ông đưa xuống Hà Đông gặp cô đồng Hoài. Thời gian ông quỳ gối trước bát hương nghi ngút, Hoài dùng ngón tay cái bấm các đốt mấy giây, mắt thăm dò mặt mũi tay chân Chức. “Được rồi - cô nói - ông quay lại đây! Có phải trước mặt tôi là quan lớn?”.

- Phải, nhưng tôi đã nghỉ hưu”.

- Được, về hoặc ở cũng thế cả thôi. Ông biết mình mắc tội gì chưa, thành khẩn nói tôi nghe? Ở đây không được dối...

- Thưa thầy, ai mà không gặp khuyết điểm, nói về tội thì tôi chẳng có tội tình gì - nhìn cô đồng cười, Chức có vẻ bối rối: - Thực đấy, nhưng... nếu có thể... thầy chỉ giùm?.

- Tội phụ rẫy! Ông đã phụ tình vợ con và vô ơn cả với những người bề trên.

- Với cha mẹ?...

- Không phải riêng cha mẹ... Cứ về suy nghĩ, nếu đúng hôm sau trả tiền công, nay tôi chưa lấy. Tôi nói việc này ông phải nghe: Mau chóng trả ơn và tự “cải bản thân”! Ông là người có học, phải vắt óc mà nhớ công sức những ai đã từng giúp mình và ai là người suốt đời say đắm thủy chung. Đáng sợ nhất cái lương tâm thiếu minh bạch, ông chuyên ưa nịnh hót của bọn tiểu nhân mà nâng đỡ chúng, mối lái nhau làm ăn, chỉ thấy cái lợi trước mắt là “được cả ta và mình” mà không nghĩ đến đạo lý... Nếu thành tâm thì sửa ngay, có thể ông còn sống thêm được dăm năm hoặc lâu hơn nữa. Ông đừng cười, báng bổ ai chứ với tôi chỉ có thiệt! Xưa có câu: Thiện ác đều bày ra mặt đó. Gương đây, ông soi này! - cô dùng ngón trỏ chỉ vào hai mang tai bạnh ra che gần hết cổ của ông ta và đôi lông mày mọc ngược rất khác thường, rồi cô dằn từng tiếng: - Ông có chạy đằng trời cũng vấp cảnh cô đơn. Nay ông được liệt vào lớp người già, nếu biết hối cải vẫn chưa muộn, có thể trời đất sẽ dung tha!

Chức nghĩ mãi mới tìm ra cách “cải” bản thân: Đó là về nhận lỗi vợ và làm lễ tạ ơn thầy Bắc. Nhưng ông thấy ngài ngại... Đầu tiên Chức làm công tác tư tưởng vợ, để ông ta nói hết Thục lên tiếng: “Anh có đan lát đâu mà lỗi. Lâu nay anh mải vì nhiệm vụ quốc gia là lý do chính đáng, mẹ con tôi đã trách gì đâu. Anh bận, tôi tự lo việc nhà là phải. Thằng Thắm, con Luyện đã có công ăn việc làm lại càng đỡ phải lo. Căn nhà này vẫn có phần của anh đấy, thích ở thì ở hoặc đi đâu cũng mặc anh.”... Biết không còn cách nào hàn nổi vết thương gia đạo, nhưng Chức cũng yên tâm phần nào, vì đã bộc lộ những trái ngang của chính mình, hy vọng ngày nào đó Thục sẽ nghĩ lại, bởi ông biết “điểm yếu” của người phụ nữ thường dễ sẵn lòng vị tha.

Trước ngày làm lễ tạ thầy, Chức hỏi ý tôi nên hay không... Tôi nghĩ thầy mất đã lâu cũng giống những người già phải ra đi, cần gì phải lễ lạt, bèn hỏi lại: “Ông cho biết lý do?”. Chức trả lời: “Mình muốn giả ơn thầy thôi mà”. “Sao, trước đã có lần cậu quan niệm thầy chỉ dạy có hai năm vỡ lòng?”. “Đúng, mình đã sai”... Biết Chức chưa thực lòng nhưng tôi vẫn yên tâm phần nào, bởi ông ta đã nghĩ đến tâm linh, tức đã biết sợ những trái ngang của chính mình...

Đến nay Chức đang còn sống, cô vợ bé sau khi tìm hiểu biết căn bệnh này không lây thì quay trở lại. Cô chỉ thực sự yêu Chức mỗi tháng vài lần vào các ngày thân nhiệt cô cao hơn những ngày thường, hai má hồng lên, đồng thời cô tranh thủ tận dụng hết uy tín còn lại của ông: Mối lái cho những trường hợp đã có bằng tốt nghiệp đại học nhưng chưa tìm được việc làm... Còn Thục, không hề cản trở việc đi lại giữa hai đứa con và cha chúng, biết con không muốn nhìn mặt cha nhưng cô vẫn khuyên, tình nghĩa cha con không thể mất.

Tôi không muốn gợi lại những cảnh thương lòng, nhưng biết nói sao, bởi ngành chúng tôi luôn gắn hai chữ “Tình người”, kể từ khi mới bước vào đời. Có người hỏi tôi quan niệm ngành mình thế nào, tôi khẳng định rất vinh quang, tự hào rằng mình đã chở con thuyền đưa bao người qua con sông... đầy ý nghĩa.


Truyện ngắn của Trọng Nghĩa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]