(Baothanhhoa.vn) - Được sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp bộ đoàn, địa phương, nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh niên tham gia phát triển các mô hình kinh tế, giảm nghèo bền vững

Được sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp bộ đoàn, địa phương, nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi xứ Thanh.

Mô hình trồng cam Tuyên Quang trên đất đồi của thanh niên Bùi Văn Phương, thôn Xuân Chính, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) cho thu nhập cao. Gia Bảo

Về xã Tân Phúc (Lang Chánh) chúng tôi được nghe kể nhiều về gương thanh niên Vi Văn Bình với sức trẻ cùng ý chí dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương mình với mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tới thăm vùng đồi rộng 8 ha của gia đình anh Vi Văn Bình với màu xanh ngút tầm mắt chúng tôi không nghĩ rằng chỉ vài năm về trước toàn bộ khu vực này chỉ là vùng đất hoang hóa, cỏ dại, lau lách mọc um tùm. Đến khi huyện Lang Chánh có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, Vi Văn Bình đã mạnh dạn nhận đấu thầu đất để xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Suy nghĩ rằng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, Bình dành nhiều thời gian, công sức cải tạo 8 ha đất đồi hoang hóa thành những mảnh đất màu mỡ, tốt tươi. Bước đầu Bình trồng 5 ha luồng, diện tích còn lại thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trồng cây ăn quả, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà dưới tán rừng. Sau nhiều năm miệt mài hăng say lao động, đến nay trang trại của Bình đã hái quả ngọt, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 120 – 150 triệu đồng. Ở huyện Lang Chánh, không chỉ gương thanh niên Vi Văn Bình mà còn nhiều mô hình trang trại, gia trại do thanh niên làm chủ đã và đang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như: Mô hình chăn nuôi gà nòi chân vàng, gà nòi ô tía của thanh niên Lê Thanh Tùng, bản Giàng, xã Trí Nang; trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả của Phạm Văn Xoa, bí thư chi đoàn thôn Mốc, xã Đồng Lương; mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của Lương Trọng Thành, chi đoàn bản Phá, xã Tam Văn...

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Tân Bình (Như Xuân), ngay từ khi còn nhỏ, thanh niên Chu Văn Chung đã nuôi mơ ước làm giàu ngay trên mảnh đất mình sinh ra. Sau nhiều năm bôn ba ở các tỉnh phía Nam để mưu sinh, năm 2009 Chung quyết định về quê lập nghiệp và đảm nhận bí thư đoàn thôn Dọc Nái. Khởi nghiệp ban đầu Chung mua máy cày đất phục vụ cho Nhà máy Đường Nông Cống và bà con trong xã. Nhận thấy đất bãi ven sông Mực còn để trống, anh làm đơn xin UBND xã cho khai hoang, phục hóa để phát triển kinh tế trang trại. Sau nhiều tháng trời bỏ công sức, Chu Văn Chung đã khai hoang được 3 ha đất bãi ven sông. Bước đầu trồng mía nguyên liệu kết hợp trồng sắn để chăn nuôi lợn, gà. Do chất đất phù hợp, năm đầu tiên cây mía đã thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ lợi thế vườn đồi, Chung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả, bước đầu mua 9 con trâu sinh sản, đồng thời trồng cỏ voi ven sông để làm thức ăn chăn nuôi... Đến nay, trang trại của Chung đã có 3 ha mía nguyên liệu, 24 con trâu, 10 sào cỏ phục vụ chăn nuôi. Trừ chi phí, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 30 đến 40 lao động.

Để giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi của tỉnh, những năm gần đây, công tác tuyên truyền hướng nghiệp, tạo việc làm ngày càng được chú trọng, vai trò của đoàn thanh niên thông qua việc tư vấn, định hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế; thành lập mô hình Câu lạc bộ “Thanh niên phát triển kinh tế”; triển khai đề án tín dụng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... bước đầu đã phát huy hiệu quả, nhiều thanh niên không những thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Điển hình như: Mô hình trang trại nuôi gà ri của thanh niên Quách Thị Ngân, xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc) có quy mô 20.000 con, với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ đồng, doanh thu bình quân một năm đạt trên 8 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với 5 triệu đồng/người/tháng; mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của Trần Văn Quảng, xã Hà Vinh (Hà Trung) với tổng doanh thu hàng năm từ 7-8 tỷ đồng, trừ chi phí thu lợi nhuận 500-600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng...

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện chỉ có 1.500 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, 25 mô hình tổ hợp tác, HTX thanh niên. Giai đoạn 2012-2017, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 7.033 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế; tổ chức 375 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ hàng nghìn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tiếp cận vay vốn phát triển kinh tế trang trại, gia trại, vườn, đồi; xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả 27 mô hình kinh tế tập thể... Ngoài ra, Tỉnh đoàn cũng đã phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020”. Cuộc thi nhằm tạo sân chơi bổ ích cho đông đảo ĐVTN, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức kinh tế, xã hội đối với các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của ĐVTN. Mục đích cuộc thi nhằm thúc đẩy, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp; kích thích sự sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng trong ĐVTN; tạo sân chơi bổ ích, giúp ĐVTN có cơ hội trải nghiệm thực tế để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp, từ đó tìm kiếm, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.

Có thể thấy rằng, từ hoạt động thực tiễn thanh niên tham gia phát triển kinh tế đã và đang nhân lên niềm tin về tinh thần lập thân, lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ miền núi xứ Thanh. Những mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi tỉnh ta.


Xuân Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]