(Baothanhhoa.vn) - Qua hết đất Campuchia, đơn vị đã vào đến Miền Đông và đoàn của Tình được phân công đi nhiều đơn vị. Tình được giao nhiệm vụ tại đài vô tuyến 315B đóng trên một đồi đất đỏ để đảm bảo liên lạc với 315A.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rừng Miền Đông

Qua hết đất Campuchia, đơn vị đã vào đến Miền Đông và đoàn của Tình được phân công đi nhiều đơn vị. Tình được giao nhiệm vụ tại đài vô tuyến 315B đóng trên một đồi đất đỏ để đảm bảo liên lạc với 315A.

Đứng trên đỉnh đồi có thể quan sát toàn cảnh thị xã Ninh Lộc, một thị xã nhỏ, toàn là đồi cao su bao quanh, những ngôi nhà lợp tôn bạc thếch, chỉ thưa thớt ít nhà dân còn chủ yếu là các đơn vị bộ đội, lúc đó, nơi này được coi là “Thủ đô” của quân giải phóng. Sau ca trực buổi chiều, mấy anh em lững thững dạo quanh thị xã vắng tanh, thật buồn, thỉnh thoảng gặp một chiến sĩ đang làm công tác vệ binh. Thấy một cây đào lộn hột rất nhiều quả, mấy anh hái ăn thử thì chao ôi chát ơi là chát, không thể nào ăn được. Về đơn vị, hỏi mấy anh quê ở miền Nam, Tình mới biết trái đào lộn hột không ăn quả được mà chỉ ăn hạt.

Một hôm, thủ trưởng đơn vị gọi Tình lên bảo: “Bộ Tư lệnh thông tin B2 đang cần đài trưởng, đồng chí vào đó công tác một thời gian nhé”. Tình chấp hành mệnh lệnh lên đường vào khu rừng cao su cách đơn vị cũ chừng dăm cây số là nơi trú quân của D39 thông tin B2.

Những ngày ở rừng cao su là chuỗi ngày chống chọi với mưa rừng, sốt rét. Mỗi khi mưa đổ ào ào xối xả xuống tán cây là tăng võng ướt sũng, hầm hào ngập nước, phải gồng mình bảo vệ máy móc khí tài, do đó bộ đội đầm mình trong mưa mấy ngày liên tục là chuyện thường nhật, rồi bị muỗi tấn công, cùng với hiểm họa từ việc sử dụng nước suối để sinh hoạt đã kéo theo căn bệnh sốt rét liên miên. Chỉ một thời gian ngắn, Tình lại bị sốt rừng quật ngã, triệu chứng rất lạ, cứ thấy mỗi khi ăn không biết no là y chang hôm sau cơn sốt đùng đùng kéo đến. Vì sốt cao nên Tình được đơn vị đưa sang trạm xá D72 để điều trị. Những ngày ốm thật nặng nề, buổi tối còn thấy đồng đội nằm ở võng bên cho y tá tiêm thuốc, sáng hôm sau đã không thấy nữa, thế là thêm một đồng đội đã ra đi. Đêm ở trạm xá sực mùi thuốc, mùi bông băng kèm theo tiếng rên của thương binh, phía xa xa ánh pháo sáng lập lòe như ma chơi chập chờn, tiếng bom nổ ầm ào, tiếng pháo nổ chát chúa vọng về từ chốt Trân Lê. Những âm thanh hỗn loạn tạm lắng xuống thì cộng hưởng xào xạc của gió, của cơn mưa bất chợt trên rừng cao su cứ lao xao, hư ảo tạo cảm giác bất an vọng về. Khi Tình chống gậy xuất viện để trở về đơn vị, các bác sĩ D72 bắt tay chúc mừng anh vì đã gồng mình vượt qua những ngày đối mặt với tuyệt vọng để bình phục dần dần, trong khi cùng đợt điều trị đó, phần đông số anh em bị sốt rét ác tính đã vĩnh viễn nằm lại ở rừng cao su Miền Đông. Sau này về miền Bắc, khi gặp lại một bác sĩ đã từng điều trị cho Tình ở D72, anh nắm chặt lấy tay Tình mà rằng: “Chúng tôi tưởng không còn hy vọng, vậy mà anh đã vượt qua thật là kỳ lạ, có lẽ hồng phúc nhà anh lớn lắm”.

Không chỉ có bệnh tật, đau ốm, đơn vị thường xuyên phải chịu đói triền miên. Lúc thì chỉ ăn củ mì (sắn), lúc toàn đậu xanh, cơm đậu xanh, canh đậu xanh, thức ăn cũng đậu xanh. Ăn mãi không thể nào nuốt nổi. Có dạo, từ khu vực giáp ranh, cơ sở của ta không tài nào mua được thứ gì tiếp tế cho bộ đội do địch càn quét và lùng sục gắt gao. Ở cứ, bộ đội ăn lá sắn non, lá cây, đào củ rừng ăn thay cơm. Càng đói bộ đội càng ngã bệnh. Hôm biết tin đã móc được gạo từ Campuchia đưa sang, ai cũng mừng. Bữa đó, đại đội ra lệnh cho anh nuôi chỉ nấu ít cơm rồi tăng dần vào hôm sau vì sợ bộ đội bị đói từ lâu, nay đột ngột ăn no lại phát bệnh. Có gạo, được ăn cơm nhưng cũng chỉ là cơm với lá sắn luộc rồi vắt thật khô chấm với muối trắng. Trước yêu cầu tự túc, các đơn vị ở cứ đều triển khai bộ phận chuyên phát rẫy trồng mì (sắn), trồng rau để phục vụ đời sống. Anh Tự, anh Cung đều là người Cam Thành vào chiến trường từ năm 1969, thuộc Công trường 7 (Phiên hiệu đơn vị chủ lực) do bị thương chuyển về đơn vị thông tin, được ưu tiên đi làm rẫy. Có hôm đói quá, tổ đài của Tình ra rẫy xin rau của anh Tự về nấu ăn. Không biết thế nào việc đó đến tai Trung đội trưởng. Trung đội trưởng gọi cả tổ đài lên để phê bình nghiêm khắc: “Rau ở rẫy là của chung, no cùng no, đói cùng đói, vì đồng hương, các đồng chí làm thế còn đồng đội trong đơn vị lấy rau đâu mà ăn”. Phê bình anh em, nhưng Tình nhìn thấy ánh mắt anh hoe đỏ đang cố ghìm lại, không để nước mắt trào ra trước mặt chiến sĩ. Khi đơn vị tiến về giải phóng Sài Gòn, anh Tự, anh Cung được cử ở lại cứ để trông coi rẫy. Sau này anh Tự phục viên về quê. Hôm biết gia đình anh có việc buồn, Tình và mấy anh em cựu chiến binh đến thăm. Anh rầu rĩ: “Buồn quá các ông ạ, vợ chồng tôi chỉ có một đứa con duy nhất, từ khi sinh ra cháu đã yếu và ốm đau quặt quẹo vì di chứng của chất độc da cam, cháu vừa đi rồi...”. Đồng đội cũ nhìn anh mà xót xa và bỗng dưng Tình giật mình thấy sợ, biết đâu anh cũng đã bị nhiễm chất độc từ lâu mà không biết. Anh Cung cũng về quê, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên lại xin đi định cư vào chính khu vực đóng quân ngày xưa để trồng cà phê. Trong tổ đài, Tình được coi là chủ công các phiên liên lạc quan trọng. Một hôm, anh Hồi là trưởng đài và cũng là người cao tuổi nhất, vào Miền Đông từ năm 1968, hì hục cả buổi đào được mấy củ măng về cho anh em. Biết Tình đang ở trên đại đội chưa về, anh bảo: “Các chú để cho chú Tình ít măng để tối nay Tình trực ca”. Tình nhai miếng măng rừng mà nghẹn lại dù rất đói. Sau khi giải phóng miền Nam, anh Hồi trở ra Bắc, đi học rồi công tác tại một trường dạy nghề. Họ gặp lại nhau khi Tình về tỉnh công tác. Hằng năm mấy anh em cùng quê, cùng ở chiến trường B2 thường họp mặt vào dịp 30-4. Sốt rét, đói và rách là những cam go mà bộ đội Miền Đông thường xuyên chịu đựng. Vài bộ quân phục từ miền Bắc mang vào đã rách nát từ lâu, bộ đội được phát đủ loại quần áo do đơn vị hậu cần tự may bằng vải nilon thời bấy giờ, nhưng không đủ cung cấp cho anh em. Tình và anh Miễn - báo vụ viên - chung nhau một chiếc quần dài, ai có việc lên khỏi hầm được mặc quần dài còn người dưới hầm thì mặc quần cộc. Một hôm, Tình được lên tiểu đoàn báo cáo thành tích tại hội nghị thanh niên, ở nhà đại đội trưởng gọi anh Miễn có việc. Anh Miễn đành cởi áo dài quấn ngang lưng để sang lán đại đội. Đại đội trưởng thấy vậy bèn cho anh Miễn một chiếc quần dài đã cũ. Thế là Tình và anh Miễn không phải dùng chung nữa. Mặc dù không chính quy, nhưng những bộ quần áo nilon rất thuận tiện khi ở rừng vì rất mau khô khi gặp mưa. Có hôm mấy anh em đi công tác lên trung đoàn, đang ngồi nghỉ ven bờ suối, thấy một tốp người mặc quần áo y hệt quân giải phóng cũng đang ngồi ở gốc cây gần đấy. Tình định hỏi xem đơn vị nào thì anh Từ ra hiệu dừng lại rồi thì thào: “Đừng ai nói gì, cứ ngồi im, để tôi nói Nam lại đó, thám báo đấy”. Anh Nam bình tĩnh lại nơi tốp người lạ đang ngồi, không hiểu anh nói gì, thấy tốp người đó dừng lại một lúc nữa rồi kéo nhau đi. Anh Nam trở lại, Tình hỏi xem anh nói gì? Anh bảo: “Tớ quát chúng nó rồi hỏi: Chúng mày sao lại vào đây? Một đứa có vẻ là trưởng toán ngập ngừng một lúc rồi hỏi: Vậy ông ở đâu mà hỏi? Tớ quát to hơn: Mày muốn bắn vỡ đầu hả, chúng tao đang phục kích tại đây để chặn đường giao liên cộng quân, theo kế hoạch, chúng mày mật phục hướng tây, sao lại vào đây?. Nghe vậy, chúng nó nhìn tớ một hồi rồi kéo nhau đi về hướng Tây”. Chả là, anh Nam là người Nam bộ nên anh Từ đã nhanh trí bảo anh Nam lại đấu trí với thám báo ngụy. Mấy anh em thở phào nhẹ nhõm, rồi hỏi anh Từ: “Tại sao anh đoán đúng là thám báo?”. Anh cười: “Bọn chúng ngố lắm, các cậu không thấy à, mặc quần áo giải phóng mà lại đeo súng AR15 đi giầy ngụy, vì bọn chúng sợ muỗi vắt rắn rết mà”. Ai nấy nhìn anh mà thán phục kinh nghiệm của người lính từng trải, lúc ấy, lỡ có người để lộ giọng nói miền Bắc thì cuộc đọ súng chưa biết sẽ diễn ra theo kết cục thế nào.

Do yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị di chuyển liên tục, lúc thì ở Ninh Lộc, lúc ở Mát Sát, khi thì Đăng Gia, Mập Bù và sang cả đất bạn. Có khi vừa kịp quấn võng dù thì bom nổ ầm ầm trước mặt. Có lúc vừa hành quân để tránh pháo kích lại nhận được lệnh quay trở lại nơi địch vừa bắn phá. Anh em được phổ biến kinh nghiệm, khi máy bay rải thảm hoặc pháo tầm xa dội tọa độ phải chạy ngược về nơi bom vừa nổ hoặc pháo giặc vừa dập xong là sẽ an toàn. Mỗi khi đến vị trí trú quân là phải đào hầm ngay để đặt máy làm việc. Hầm làm việc chỉ vừa chỗ cho báo vụ viên và quay viên thao tác, còn phải đào một hầm bên cạnh để trú ẩn, sinh hoạt. Sau khi đào sâu khoảng hai mét, lấy cây rừng dựng cột và đan lá trống quân để lợp mái. Rừng Miền Đông rất nhiều lá trống quân, nằm võng dưới hầm nhìn lên thấy rõ cả khoảng trời, nhưng khi mưa lại không hề bị dột.

Tổ đài của Tình ban đầu có 5 người: Tình và anh Miễn là báo vụ, anh Hồi là Đài trưởng và anh Trụ, anh Đôn là quay viên, sau này anh Hồi là cán bộ trung đội nên Tình làm đài trưởng. Mỗi phiên liên lạc, quay viên là người vất vả nhất, khi báo vụ mở máy canh tác là quay viên gò lưng để quay ga vô nô phát điện, mồ hôi túa ra ướt đẫm. Anh Đôn do bị thương, từ Công trường 7 chuyển về và là người duy nhất của trung đội chưa bị sốt rét quật ngã nên đảm nhiệm quay ga vô nô là chính, vì anh Trụ sức khỏe yếu, lại liên tục sốt rét, sau này phải đi trạm xá điều trị nhưng không ổn nên được đưa ra miền Bắc. Sau ngày giải phóng, anh Đôn đi học đại học, thành kỹ sư xây dựng về công tác ở huyện nhà. Hôm nghe tin anh ốm nặng do ung thư, Tình đến thăm anh. Anh rơm rớm nước mắt, ra hiệu cho vợ mang giấy bút lại để nói chuyện với Tình vì tia xạ thanh quản nên không phát âm được. Hai anh em viết đi viết lại để trao đổi với nhau, cuối cùng anh viết: “Chắc tôi sắp đi rồi, anh em ở lại cố giữ gìn sức khỏe. Tôi có đứa con trai duy nhất, anh xem ở đâu có việc làm anh giúp tôi cho cháu đi làm...”. Tình nắm chặt tay anh, bàn tay sần sùi vì cầm súng, đào hầm, vác máy, quay ga vô nô rồi gật gật vì nghẹn ngào không nói được thêm gì. Sau khi anh mất, Tình bố trí cho con anh vào làm việc tại cơ quan của Tình.

Đêm đêm dưới hầm trực máy thật buồn. Những lúc như thế, anh em trong tổ đài thường kể cho nhau nghe về quê hương bản quán, về bố mẹ, gia đình cho đỡ nhớ. Anh Hồi hỏi: “Bây giờ các chú thích nhất là gì?”. Anh Miễn đáp ngay: “Thích nhất là được về ngoài Bắc chứ còn gì nữa”. Anh Đôn lại bảo: “Biết khi nào hết chiến tranh mà ra Bắc, thôi bây giờ tớ chỉ thích được ăn một bữa cơm gạo trắng, có cá, có thịt và có rượu”. Nghe anh nói mà cả tổ phát thèm.

Còn Tình không nói ra nhưng thầm nghĩ: Giá được ra khỏi rừng để phóng tầm mắt nhìn thoải mái đến tít tắp chân trời thì sung sướng biết bao. Đối với họ, cuộc sống dưới hầm trong rừng sâu triền miên thì ước mong nhỏ nhoi đó cũng khó thành hiện thực.

Thế rồi ao ước của Tình cũng trở thành hiện thực khi đơn vị nhận được lệnh hành quân tiến về đồng bằng. Đoán biết vào chiến dịch lớn và có thể đơn vị không quay trở lại, một số anh em được phân công ở lại trông coi cứ rất buồn vì không được đi cùng. Tình vinh dự được kết nạp vào Đảng, trước giờ lên đường vào chiến dịch. Buổi lễ được tổ chức ngắn gọn, đơn sơ tại nơi đóng quân của đại đội. Đứng nghiêm nghe chính trị viên tuyên bố quyết định kết nạp, anh lại nhớ đến lời dặn của bố khi ông đến thăm Tình lúc còn ở ngoài Bắc và xin hứa sẽ hết sức phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Từ hướng Tây Nam, Đoàn 232 tiến vào Sài Gòn với quyết tâm giải phóng miền Nam. Đêm Nghĩa Hậu, cách Sài Gòn khoảng chừng 50km, tiếng súng đì đùng, đạn nổ đỏ trời, các đơn vị đang truy quét những tốp lính ngụy vừa chạy vừa kháng cự. Trong nhà dân, tổ đài của Tình hoạt động liên tục, dày đặc các phiên liên lạc nối các mũi tấn công. Đang làm việc, bất ngờ có một bóng đen lẩn vào, anh Miễn rút súng lên đạn áp sát ngay. Kẻ đó vội vã quỳ sụp xuống rồi rối rít van lạy xin tha chết. Vừa lúc bà má chủ nhà xuất hiện, chắp tay vái: “Thưa giải phóng, nó là con tui bị bắt quân dịch, đi lính trong Sài Gòn bỏ trốn về đây, xin các ông tha cho”. Cả tổ hội ý chớp nhoáng nhưng không biết làm thế nào nên cử anh Đôn chạy sang nhà chỉ huy để xin ý kiến. Anh Đôn vừa đi thì một nữ biệt động thành ùa vào. Cô không quan tâm đến những người trong nhà mà ào lại ôm lấy bà má nước mắt chảy ròng: “Má ơi, chúng con đang tiến về giải phóng Sài Gòn...”. Bà má âu yếm xoa đầu cô: “Chu cha mi, mau về lấy chồng cho má yên lòng trước khi nhắm mắt”. Rồi má đưa mắt về phía người lính ngụy nói: “Anh Hai mày cũng vừa về tới”. Lúc đó cô gái mới nhìn thấy vội lại nắm tay người lính ngụy rưng rưng: “Anh Hai! Trời ơi em lo cho anh quá chừng”. Nhìn ba mẹ con họ ôm nhau khóc ngay trước đêm giải phóng đô thành, mấy chiến sĩ giải phóng thấy lòng thắt lại, nỗi đau chiến tranh li tán đã phân chia chiến tuyến ngay trong một gia đình, đã vò nát tâm can bao bà mẹ đêm đêm lo lắng đợi chờ những đứa con mang nặng đẻ đau.

Cửa đã mở, hôm sau đơn vị hành quân sớm. Không phải là đoàn quân khoác bòng (một loại túi vải thay ba lô của quân giải phóng), mang súng cuốc bộ nữa mà hành quân cơ giới. Đoàn xe của đơn vị Tình vào đến ngã bảy Sài Gòn khoảng gần 10 giờ, sáng ngày 30-4-1975, khi ở đó vừa tạm lắng tiếng súng của một trận giao tranh ác liệt. Lực lượng biệt động thay nhau làm nhiệm vụ dẫn đường, nhân dân ào ra hai bên đường vẫy cờ hoa chào mừng giải phóng quân nên đoàn xe của đơn vị nhích đi chậm chạp. Không thể tả được cảm xúc buổi trưa hôm đó giữa Sài Gòn, niềm vui ào đến làm bộ đội không thấy đói và cũng hết cả mệt, ai nấy nhanh chóng tập kết ở các vị trí đã định rồi bắt tay vào lắp đặt máy móc để làm việc ngay. Đêm đầu tiên, Sài Gòn ngập tràn ánh điện, thành phố hầu như nguyên vẹn khi năm cánh quân tiến vào giải phóng. Sau những hoan hỉ, cảm xúc lâng lâng, bồng bềnh trong chiến thắng là một Sài Gòn xa lạ. Cả đêm, tại cư xá vốn của Mỹ không ai ngủ được, cứ thao thức nhìn thành phố qua ô cửa sổ với cảm xúc trào dâng và tin rằng mình sắp được trở về miền Bắc để sum họp với gia đình.

Rời khu cư xá Mỹ, Tình và một số anh em về Biệt khu Thủ đô. Tại đây, họ được phát quân trang từ miền Bắc chở vào nhưng vẫn mang trên mũ ngôi sao nửa đỏ, nửa xanh. Thấy bộ đội, bà con Sài Gòn thì thào với nhau: Sao nửa xanh nửa đỏ là quân giải phóng còn người nào trên nón có sao vàng nền đỏ là cộng quân. Ở Biệt khu Thủ đô, đài của Tình đảm bảo thông tin phục vụ nhiệm vụ của Ủy ban Quân quản, TP Sài Gòn - Gia Định nên được đeo băng đỏ mỗi khi ra đường. Thấy các chiến sĩ đi bộ, những người chạy xe ôm, xe lam cứ áp sát để chở họ đi miễn phí, nhưng không bao giờ bộ đội nhận lời vì chấp hành kỷ luật và cũng cảnh giác trong khi đang hỗn loạn, không thể biết được người nào thực sự là dân lao động và ai là ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ. Đài của Tình vừa canh tác vừa tự lo hậu cần, anh Pha được giao nhiệm vụ đi chợ hàng ngày mua thực phẩm. Ngày nào đi qua hàng thuốc tây ngã Bảy anh cũng phải chờ cho dãn xe cộ rồi mới băng qua đường. Có hôm anh mua nhiều thứ, khi đi ra lòng đường thì mấy bó rau tuột khỏi xe đạp. Cô hàng thuốc tây thấy vậy chạy ra nhặt lại giúp anh. Thế rồi họ quen nhau, mỗi khi mua hàng xong, anh Pha đều nán lại hàng thuốc tây. Lâu lâu họ mến nhau rồi yêu nhau. Đơn vị biết chuyện nên anh Pha bị kiểm điểm và buộc phải chấm dứt quan hệ với cô hàng thuốc tây vì cô có người anh trai là lính ngụy. Bẵng đi một thời gian, ai cũng tưởng họ đã quên chuyện cũ. Khi anh Pha được điều đi Cam Bình, cách Sài Gòn mấy trăm cây số, cô gái bán thuốc tây vẫn ra thăm thường xuyên. Khi được phục viên, anh Pha đưa cô gái ra Hà Nội để xin phép gia đình làm lễ cưới, nhưng bố mẹ anh không đồng ý. Tưởng rằng mọi chuyện đi vào dĩ vãng, ai ngờ bố mẹ anh Pha gạn hỏi đám nào anh cũng tìm mọi lý do để trì hoãn, sau khi tốt nghiệp đại học, anh xin vào công tác tại TP Hồ Chí Minh, kết duyên với cô hàng thuốc tây thuở nọ rồi đưa bố mẹ anh vào cư trú tại nơi anh công tác. Một số anh trong đơn vị Tình cũng chuyển ra các cơ quan dân sự và lấy vợ ở Sài Gòn.

Khi công việc chủ yếu của Ủy ban Quân quản đã hoàn tất, Tình chuyển về Lâm Phú. Thời gian này đơn vị không canh tác mà học chính trị là chính. Số đông được phục viên về quê, số anh em bị thương được ra Bắc an dưỡng. Những người đã học xong cấp ba ngoài miền Bắc được tuyển vào các trường đại học, không phải thi. Anh Miễn ở tổ đài Tình học xong đại học và trở lại quân đội, đến hàm Đại tá rồi nghỉ hưu tại Sài Gòn cùng vợ con.

Những ngày ấy thật trăn trở, băn khoăn, không biết mình đi đâu về đâu, và không có lúc nào Tình lại mong mỏi được về quê đến thế. Đêm thao thức nhớ bố mẹ, gia đình, làng xóm và lại thấy nhớ rừng cao su xào xạc đêm đêm, không biết giờ này trên cứ, đồng đội của anh làm gì, ai ở lại, ai đi, rồi mai mốt cuộc sống sẽ ra sao!

Truyện ký của VŨ DUY HÒA


Truyện Ký Của VŨ DUY HÒA

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]