(Baothanhhoa.vn) - Làng văn hóa Roộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh) nằm trong một vùng thung lũng xanh ngút ngàn, đời đời được bao bọc, chở che bởi núi non điệp trùng. Tự bao đời nay, vùng thung lũng ấy vốn là địa bàn quần cư, cùng nhau chung sống thuận hòa của 3 dân tộc: Kinh, Mường, Thái.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rộn ràng không gian lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy

Làng văn hóa Roộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh) nằm trong một vùng thung lũng xanh ngút ngàn, đời đời được bao bọc, chở che bởi núi non điệp trùng. Tự bao đời nay, vùng thung lũng ấy vốn là địa bàn quần cư, cùng nhau chung sống thuận hòa của 3 dân tộc: Kinh, Mường, Thái.

Rộn ràng không gian lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy

Không khí sôi nổi, tưng bừng của lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy – hát múa ăn mừng dưới cây bông. Ảnh: T.L

Trong đó người Thái chiếm số lượng nhiều nhất và là thành phần chính tạo nên sắc thái văn hóa truyền thống của làng. Đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu giá trị tinh thần, nền tảng văn hóa sẽ thấy được nét đặc sắc rất riêng ở vùng đất nơi này: Mặc dù dân cư không thuần nhất nhưng mỗi dân tộc đều giữ được phong tục, tập quán, bản sắc của dân tộc mình và được cộng đồng tôn trọng. Các sinh hoạt văn hóa của dân tộc này thì dân tộc khác cũng có thể tham dự và ngược lại. Chính đặc điểm này đã tạo nên sự “thống nhất trong đa dạng” và hình thành nên tình thương yêu, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sinh hoạt và tạo dựng cuộc sống của người dân làng Roộc Răm trong mấy trăm năm lịch sử. Đây cũng là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần làm nên sức sống bền bỉ của lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy – hát múa ăn mừng dưới cây bông, đưa lễ tục này từ chỗ có nguy cơ mai một, thất truyền trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, được cộng đồng người Thái sáng tạo ra từ lâu đời, nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Xuất phát từ mục đích thờ tướng quân Trần Công Bát ở đền Cấm; mong ước sự bình yên trong cuộc sống và trả ơn các đấng thần linh đã phù hộ cho cộng đồng làng bản, lễ tục này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về tính cố kết cộng đồng để tạo nên sức mạnh chiến thắng thiên tai địch họa mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, đề cao giá trị nhân văn sâu sắc.

Theo các cụ cao niên trong làng, trước kia, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy thường được tổ chức vào dịp tháng giêng, tháng hai theo chu kỳ cứ ba năm làm “đại”, một năm làm “tiểu”. Những năm gần đây, dân làng kết hợp tổ chức lễ tục vào dịp “Tết cơm mới” ngày 15 tháng 11 (âm lịch). Việc tổ chức lễ tục có thể diễn ra ở phạm vi các gia đình (thường vào năm làm tiểu). Vào năm làm “đại”, lễ tục sẽ được tổ chức tại đền Cấm. Nội dung của lễ tục bao gồm các hoạt động: Tế lễ thần linh (Mường trời), thổ địa, thần núi, thần rừng, thành hoàng, làm lễ cơm mới, lễ cầu may, cầu mát, giải hạn, cầu an lành cho dân... Nét đặc sắc của lễ tục tập trung ở hoạt động “chơi bói hoa” – diễn tả một số trò chơi dân gian mô phỏng việc lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người xưa trong xã hội Thái cổ truyền. Hòa trong âm nhạc rộn ràng, quyện vào hơi men rượu cần ngây ngất, tất cả cùng nhau kết thành không gian lễ tục độc đáo, níu lòng người cùng say, cùng múa, cùng hát ca...

Việc tổ chức lễ tục là do ông mo hoặc bà tày đứng ra chủ trì làm lễ. Có thể thấy ở bất kỳ bản làng nào của dân tộc Thái cũng đều có truyền thống mở lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy, đặc biệt là ở những bản làng có ông mo hoặc bà tày tài giỏi, có uy tín, đông con mày, con nuôi... Để tiến hành lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy, đồng bào Thái ở làng Roộc Răm phải làm lễ “Tem phạ”. Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, mọi nhà phải treo các dải chỉ xanh, đỏ để tang Trời 3 ngày. Đặc biệt, không gian lễ tục không thể thiếu được hình tượng cây bông – linh hồn của lễ tục, biểu tượng cho cuộc sống sinh sôi, trù phú của bản mường, sự bảo tồn nòi giống của tự nhiên. Việc làm cây bông được dân làng chau chuốt tỉ mỉ, tiến hành làm trước khi diễn ra lễ hội từ nhiều tháng liền. Thân cây bông thường được làm bằng tre (hoặc luồng). Hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục. Người dân cắt gọt hoa ngay khi mới chặt cây từ trong rừng về. Sau đó, hoa được đem đồ chín, phơi khô, nhuộm màu bằng nhựa các loại vỏ cây và được xâu chuỗi lại với nhau bằng sợi cây rừng. Các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất treo trên cây bông được đan bằng tre, nứa. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9, 12 tầng. Hiện nay, cây bông thờ ở làng Ruộc Răm được phép làm 9 tầng rực rỡ sắc màu từ các loại hoa, các hình tượng chim chóc, muông thú, dụng cụ lao động sản xuất...

Kin Chiêng Boọc Mạy thực chất là một giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, song lại ra đời và tồn tại cùng với sự vận hành của thiết chế bản Mường. Vì thế, lễ tục đã thu hút được cả cộng đồng dân cư cùng chung sống trong bản, trong mường và các vùng lân cận khác tham dự. Chẳng biết có tự bao giờ thế nhưng sức sống của di sản này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho đến ngày nay, lễ tục đã không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Hình thức nghi lễ, trò diễn, vũ hội trong lễ tục đã thể hiện tính cộng đồng trong bản mường rất chặt chẽ. Đó là khát vọng tự do, bình đẳng, không phân biệt giai cấp, sang giàu, nghèo hèn; đề cao mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với trời đất, thần linh. Sâu sắc hơn, nó chính là nhân sinh quan, vũ trụ quan, thiên - địa - nhân hòa hợp trong một ước mơ giản dị của con người. Đồng thời, lễ tục thể hiện khát vọng được hưởng thụ và sáng tạo trong không gian văn hóa truyền thống. Người nhập vai “thần”, đóng vai “Mường trời” đã mượn cái “huyền ảo”, cái “linh thiêng”, cái “uy” của “thần” để nói cái thực ở đời, răn dạy người đời điều chỉnh các hành vi văn hóa của con người, không làm điều ác, sống yêu thương nhau, bảo ban nhau hướng đến những điều tốt lành trong cuộc sống. Ở đây, người lao động đã mượn không gian của lễ hội, mượn tiếng nói của thần linh tạo ra thời điểm tự do nhất, có ý nghĩa nhất cho cộng đồng để cùng nhau vui chơi, nhảy múa, ăn uống và cùng nhau làm “thần” trong sáng tạo đầy thăng hoa. Không ai khác, chính họ đã thỏa mãn nhu cầu văn hóa cao cả ở cộng đồng và chính mình; đồng thời tạo nên tín ngưỡng mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc. Những lời cúng thần linh, lời dặn cây bông, lời hái thuốc, lời các trò chơi, trò diễn thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả của người lao động đã góp phần điều chỉnh các hành vi văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng: “Mường Roộc Răm quê tôi từ khi có đất và nước, có vua mường Trời, có Phật cao thiên. Tôi Mo mùn mường này, xin mặc áo, thăng gươm, đội mũ chầu ấn tế. Mo tôi có dòng, dòng nhà Mo có dõi, được Trời đất giao cho kiếm lệnh, có tổ tông truyền bá lâu đời. Roộc Răm mường này quê tôi có chủ đất, chủ nước, có thổ công long mạch, có thành hoàng bản địa. Hôm nay ngày lành tháng tốt, dân làng Roộc Răm gồm già, trẻ, gái, trai cùng chung lòng chung dạ, sắm lễ tế các thần linh có cả mâm chay để thỉnh Phật, lợn, gà to, sạch, đẹp, rượu cần, rượu xiên, trầu, cau, xôi trắng, xôi màu xin dâng tế thần linh, thành hoàng thổ địa, thần linh ở trên núi, có công giúp dân làng, bảo vệ lúa nương, rẫy, trừ ma tà yêu quái, hiện linh về hái lá chữa bệnh...”.

Từ điệu hát múa ăn mừng dưới cây bông – sinh hoạt văn hóa truyền thống ra đời và tồn tại trong đời sống cộng đồng của người Thái làng Roộc Răm như mạch nguồn hội tụ và lan tỏa. Thuộc thế hệ thầy mo thứ 9 của làng, thầy mo Lò Đình Ước (thôn 1, xã Xuân Phúc, Như Thanh) là người lưu giữ được gần như toàn bộ lời cúng “gọi mường ma trên trời xuống dự lễ”, lời khặp, lời hát trong các trò chơi, trò diễn thuộc lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy. Chính bởi vậy, thầy Ước hiểu nét đẹp, ý nghĩa sâu sắc của lễ tục đối với cộng đồng và luôn đau đáu trong lòng tâm niệm phải khôi phục, phát triển lễ tục truyền thống mà cha ông để lại. Dẫu rằng, có những giai đoạn, cùng với biến động lịch sử, thăng trầm đời sống, lễ tục đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Nhưng hơn tất thảy, chính vai trò, ý nghĩa và sự chung sức, đồng lòng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc của biết bao thế hệ người dân làng Roộc Răm đã vẽ nên hành trình đầy tự hào để lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đến với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thầy Ước khẳng định: “Người dân làng Roộc Răm chúng tôi luôn tự hào về truyền thống quý báu mà cha ông đã trao truyền lại và sẽ cố gắng thật nhiều để có thể tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị lễ tục xứng tầm danh hiệu”.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]