Sau hơn 20 năm kể từ ngày đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4-12-1999), danh hiệu Di sản đã mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thể hiện rõ nét nhất trên các lĩnh vực hợp tác quốc tế, bảo tồn trùng tu, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đã giúp xác lập điểm đến Quảng Nam như là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của miền Trung và cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quảng Nam bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch

Sau hơn 20 năm kể từ ngày đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4-12-1999), danh hiệu Di sản đã mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; thể hiện rõ nét nhất trên các lĩnh vực hợp tác quốc tế, bảo tồn trùng tu, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đã giúp xác lập điểm đến Quảng Nam như là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của miền Trung và cả nước.

Quảng Nam bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch

Phố cổ Hội An. Ảnh: Minh Hiếu

Thúc đẩy du lịch phát triển

Năm 2019, lần đầu tiên Quảng Nam đón gần 7,7 triệu lượt khách tham quan, lưu trú (khách quốc tế đạt trên 4,6 triệu lượt), tăng 17,93% so với năm 2018; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 6 nghìn tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 14 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng TP Hội An đón trên 5,35 triệu lượt khách, tăng gần 6% so với cùng kỳ (khách quốc tế đạt 4 triệu lượt); tổng lượt khách lưu trú trên 1,97 triệu, tăng 13,56% so với cùng kỳ, doanh thu vé tham quan phố cổ Hội An đạt hơn 287 tỷ đồng. Đây là những con số khá ấn tượng nếu biết năm 1999 chỉ khoảng 200 nghìn lượt khách du lịch đến Hội An. Tương tự, với Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) danh hiệu Di sản văn hóa thế giới cũng đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ du lịch nơi đây với lượng khách tăng đột biến qua từng năm, nếu năm 1999 chỉ khoảng 3 nghìn lượt khách mua vé tham quan thì năm 2019 hơn 420 nghìn lượt khách đã tham quan du lịch đến Mỹ Sơn, tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ gần 66 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, vai trò của di sản trong phát triển du lịch rất quan trọng, thể hiện rõ nét ở lượng khách đến hai di sản ngày càng đông, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy nhiều hoạt động liên quan như phát triển sản phẩm làng nghề; gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt giúp lan tỏa du lịch ra các địa phương và vùng lân cận. Tại TP Hội An, những năm gần đây ngành thương mại dịch vụ, du lịch luôn chiếm tỷ trọng trên 70% trong tổng cơ cấu kinh tế thành phố. Thông qua du lịch nhiều hoạt động thương mại dịch vụ Hội An phát triển, góp phần hình thành các cơ sở kinh tế, thu hút nguồn lực cộng đồng. Cùng với đó, không gian du lịch cũng được mở rộng phát triển ra vùng ven như đảo Cù Lao Chàm, biển An Bàng, rừng dừa nước Cẩm Thanh, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà... với các dịch vụ, sản phẩm đa dạng (làng nghề, sinh thái, trải nghiệm văn hóa...), góp phần tạo sinh kế, thu nhập cho người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND TP Hội An, thành công nhất của Hội An kể từ khi khu đô thị cổ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới chính là đã thay đổi nhận thức của cộng đồng và đội ngũ những lãnh đạo địa phương, thể hiện qua việc ban hành các quy chế phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, phát triển du lịch, góp phần bảo tồn tốt các giá trị văn hóa; hình ảnh điểm đến Hội An ngày càng lan tỏa xa hơn. Kể từ khi đô thị cổ Hội An được UNESSCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, khoảng 30 danh hiệu đã được du khách và các tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới bình chọn, tôn vinh. Có thể kể đến các danh hiệu như: Thành phố cảnh quan châu Á; Thành phố lãng mạn nhất; Điểm hẹn hò lý tưởng nhất; Phong cảnh chụp ảnh đẹp nhất; Thủ phủ ẩm thực thế giới; Thành phố du lịch “bụi” giá rẻ; Lễ hội đèn lồng đẹp nhất... Không ít sản phẩm đã khẳng định được chỗ đứng và thương hiệu vững chắc trong lòng du khách như “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Chợ đêm”, không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản... Đặc biệt, việc lồng ghép các giá trị văn hóa phi vật thể vào sản phẩm du lịch như trò chơi dân gian, hô hát bài chòi, múa rối nước... đã góp phần quan trọng tạo nên cái hồn và sức sống di sản. Trong đó, hô hát bài chòi đã trở thành loại hình diễn xướng dân gian hấp dẫn gắn liền với không gian phố cổ về đêm suốt hơn 15 năm qua.

Hướng đến sự phát triển bền vững

Không chỉ giúp phát triển du lịch, danh hiệu di sản cũng mang đến nhiều cơ hội thu hút các nguồn lực đầu tư, bảo tồn văn hóa từ các tổ chức trong và ngoài nước. Hơn 20 năm qua, hàng chục dự án, chương trình đầu tư từ các chính phủ và tổ chức quốc tế như Quỹ Đại sứ Canada; Quỹ Đại sứ Hoa kỳ; Quỹ Công chúa Hà Lan; Quỹ JICA Nhật Bản; Tổ chức DED và GIZ của Đức; Hội châu Á Hoa Kỳ; UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương; Văn phòng UNESCO tại Hà Nội... với số tiền tài trợ hàng chục tỷ đồng, giúp hàng trăm ngôi nhà cổ Hội An được trùng tu bảo tồn vững chắc. Tương tự, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, kể từ năm 2000, các tổ chức trong nước, quốc tế như Lerici, MAG, JICA, Trường Đại học Milan, Viện ASI (Ấn Độ), Tổ chức America Express, Văn phòng UNESCO Hà Nội, Viện Trùng tu di tích, Viện Khảo cổ, Cục Di sản... đã hỗ trợ tài chính và kỹ thuật tiến hành phát lộ, bảo tồn thành công nhiều ngôi đền tháp nơi đây. Điển hình, có thể kể đến Dự án trùng tu bảo tồn nhóm tháp G (Italia) và Dự án bảo tồn các nhóm tháp K, H, A (Ấn Độ). Trong đó, việc bảo tồn thành công nhóm tháp G (2003 - 2013) đã trở thành hình mẫu cho việc trùng tu các nhóm tháp còn lại, không chỉ ở Mỹ Sơn, Quảng Nam mà rộng hơn là các đền tháp trên dải đất miền Trung. Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nhìn nhận, hiệu quả của công tác bảo tồn di sản không chỉ giúp nhiều đền tháp được hồi sinh mà còn góp phần phục hồi cảnh quan môi trường hiệu quả. Chỉ trong thời gian ngắn nhiều nhóm tháp đã được mở cửa đón khách tham quan sau khi được bảo tồn thành công như nhóm tháp G, E7 và mới đây là hai nhóm tháp K, H.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, suốt nhiều năm qua Quảng Nam luôn xác định bảo tồn di sản phải gắn với phát triển du lịch bền vững. Do đó, trong công tác nghiên cứu, quản lý, tu bổ di sản văn hóa đều gắn với mục tiêu này, xem đây là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Hiệu quả từ việc tu bổ di tích mang lại không chỉ giúp các di tích an toàn hơn mà còn tạo điều kiện để phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch. “Chúng tôi luôn xác định bảo tồn di sản chính là bảo tồn phần xác và phần hồn. Trong đó, phần xác chính là khu phố cổ, là những ngôi đền tháp nên việc trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp luôn được chú trọng để thúc đẩy phát huy giá trị di tích. Cùng với đó, việc giữ gìn, phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể như các loại hình văn hóa truyền thống, nếp sống hiền hòa mến khách của người dân hay các trò chơi dân gian... sẽ góp phần làm cho di sản đẹp hơn, hấp dẫn hơn”, ông Hồng chia sẻ.

Vĩnh Lộc (Báo Quảng Nam)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]