(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi nhuyễn thể, trong đó ngao là loài nuôi chủ lực và chiếm ưu thế. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi ngao liên tục gặp nhiều rủi ro khiến cho người nuôi ngao lao đao, thua lỗ. Trước thực tế trên, tỉnh ta đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn cho người nuôi ngao, đẩy mạnh nghề nuôi ngao phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển nghề nuôi ngao hiệu quả và bền vững

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi nhuyễn thể, trong đó ngao là loài nuôi chủ lực và chiếm ưu thế. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi ngao liên tục gặp nhiều rủi ro khiến cho người nuôi ngao lao đao, thua lỗ. Trước thực tế trên, tỉnh ta đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn cho người nuôi ngao, đẩy mạnh nghề nuôi ngao phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững.

Gia đình chị Bùi Thị Lài, thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc (Hậu Lộc) vớt vát số ngao còn lại sau mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Nghề rủi ro cao...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 1.500 ha diện tích nuôi ngao tập trung tại các huyện: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia; sản lượng hàng năm đạt khoảng 15.000 tấn. Trước năm 2014, giống ngao chủ yếu du nhập từ các tỉnh miền Nam. Sau năm 2014, ngao giống được sản xuất chủ động tại các tỉnh phía Bắc như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một phần tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện nay chi phí ngao giống đã giảm từ 5-7 lần so với các năm trước, dẫn đến nhiều hộ nuôi với mật độ cao hơn 2-3 lần so với hướng dẫn kỹ thuật. Ngao được tiêu thụ trong tỉnh, các tỉnh phía Bắc và xuất đi Trung Quốc. Giá ngao thương phẩm hiện nay thấp, trung bình khoảng 10-12.000 đồng/kg, doanh thu trung bình từ 200-250 triệu/ha, lợi nhuận đạt 40-50% doanh thu.

Chị Bùi Thị Lài, thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc (Hậu Lộc), một hộ nuôi ngao đã lâu năm, lắc đầu ngán ngẩm: “Trận mưa lớn vừa rồi đã làm cho diện tích ngao nuôi của gia đình tôi bị ngập chết 40%. Liên tiếp 3 năm nay gia đình tôi đều có diện tích ngao chết và bị thua lỗ. Trước đây, nếu cứ suôn sẻ thì chí ít gia đình tôi còn lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ mọi chi phí. Nhưng xem ra cứ như vài năm nay, tình hình thời tiết thất thường, làm ăn thất bát, thu nhập thất thu là cái chắc!”.

Chị Nguyễn Thị Thơm, một chủ cơ sở nuôi và thu gom ngao có nhiều kinh nghiệm ở xã Quảng Nham, chia sẻ: “Hàng năm thường vào thời điểm chuyển mùa (cuối tháng 3, đầu tháng 4), nhiệt độ nước thay đổi, đúng lúc ngao vào mùa sinh sản, kết hợp với nuôi thả mật độ dày, ngao không đủ dưỡng chất, kháng thể kém, vì vậy, ngao có hiện tượng chết, tỷ lệ bình quân 20-30%. Tuy nhiên, năm nay tỷ lệ ngao chết đã tăng lên tới 70%, năng suất, sản lượng ngao sụt giảm, kéo theo thua lỗ là khó tránh khỏi. Điều này báo động nghề nuôi ngao đang đứng trước nhiều rủi ro, bất lợi, thách thức do cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, khiến cho người nuôi ngao hết sức lo lắng, chán nản”.

Thực tế cho thấy, nhiều năm nay tình trạng ngao chết hàng loạt và kéo dài xuất hiện tại các vùng nuôi như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia với hàng trăm ha, tỷ lệ chết 40-70%, thậm chí lên tới 90%. Ngao là loài nuôi nhạy cảm với môi trường, chủ yếu chết do một số nguyên nhân, như: Với các bãi nuôi có thời gian phơi bãi dài từ 8 -10 tiếng trở lên, do mặt cát bị phơi nắng trong thời gian dài nên khi nước biển dâng, độ nóng của nước tăng đột ngột. Các loài địch hại chủ yếu của ngao là ốc, ốc hoa, ốc chân trâu, ốc xoắn, hà xanh, người nuôi chỉ có thể bắt trực tiếp để trừ hại. Một nguyên nhân nữa là do sự thay đổi môi trường giữa 2 nền nhiệt độ và độ mặn, đỉnh điểm ngao chết nhiều nhất thường từ tháng 11 đến tháng 2 (âm lịch) hàng năm, khi khả năng chống chịu với điều kiện khó khăn và không cạnh tranh được với cá thể khác về dinh dưỡng, thức ăn... Ngoài ra, do xả thải từ các cơ sở chế biến thủy hải sản trực tiếp ra biển, lượng rác thải sinh hoạt lớn, nuôi thả với mật độ quá dày... cũng là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết.

Hướng tới giải pháp hiệu quả, bền vững

Hậu Lộc là một trong những huyện có sản lượng ngao thương phẩm lớn nhất tỉnh, với hơn 700ha. Để phát huy những tiềm năng và hiệu quả từ ngao, ông Nguyễn Văn Toản, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hậu Lộc cho biết: Huyện đã và đang tiến hành dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Ngao Hậu Lộc” cho sản phẩm ngao của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thực hiện từ tháng 4-2018 đến tháng 4-2020. Điều này sẽ giúp nâng cao vị thế sản phẩm ngao Hậu Lộc trên thị trường trong, ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, làm cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc bảo tồn, phát triển vùng nuôi ngao. Khi giá trị sản phẩm ổn định và tăng cao sẽ tăng thêm thu nhập cho người lao động từ 15-20% so với trước đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.

Đối với huyện Quảng Xương, bà Vũ Thị Ánh Nguyệt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, cho biết: “Hàng năm huyện thường xuyên tổ chức tập huấn các lớp nâng cao kỹ thuật nuôi ngao, vận động bà con kịp thời cải tạo bãi nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, không xả thải ra môi trường... Trên địa bàn huyện đã thành lập HTX ngao Hợp Thành tại xã Quảng Nham, nhằm tạo chuỗi liên kết từ quá trình ương nuôi ngao giống, tuân thủ kỹ thuật nuôi, thu mua nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất và giải quyết đầu ra sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu ngao Quảng Nham có mặt tại thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Trao đổi với ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, được biết: Xác định những giá trị lợi ích mà con ngao mang lại, tỉnh ta đã quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với tổng diện tích nuôi ngao là 1.500 ha, tập trung tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia. Trong nội dung tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh ta cũng đã xác định tập trung ưu tiên đầu tư tạo đột phá về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả các sản phẩm có lợi thế trong đó có ngao. Mở rộng và ổn định vùng nuôi ngao Bến Tre 1.500 ha tại các vùng nuôi: Nga Sơn 550 ha, Hậu Lộc 750 ha, Hoằng Hóa 100 ha, Quảng Xương 40 ha, Tĩnh Gia 60 ha; sản lượng hàng năm đạt 15.000 tấn trở lên. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu nhân rộng công nghệ sinh sản nhân tạo đối với giống ngao, nuôi ngao an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường, phấn đấu từ năm 2020 tỉnh ta chủ động được hoàn toàn việc sản xuất ngao giống. Rõ ràng, để đảm bảo diện tích, phát triển hiệu quả và bền vững nghề nuôi ngao trên địa bàn tỉnh, các huyện có diện tích nuôi ngao cần rà soát lại quy hoạch nuôi ngao của địa phương, chỉ đưa phần diện tích đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vào quy hoạch nuôi, thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi ngao tuân thủ quy trình kỹ thuật. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các huyện hướng dẫn quy trình nuôi, công tác quản lý vùng nuôi. Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát nhuyễn thể hai mảnh vỏ đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm; thực hiện thu mẫu định kỳ để đánh giá môi trường và dịch bệnh nhằm cảnh báo cho người nuôi tránh được những rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản xây dựng kế hoạch và kinh phí thực hiện chương trình giám sát vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại huyện Hậu Lộc giai đoạn 2017-2020. Các cơ quan chức năng phối hợp với UBND các huyện và các ngành liên quan hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân sống trên địa bàn thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Các ngân hàng (đã cho các hộ vay nuôi ngao) xem xét, gia hạn thời gian trả nợ để tạo điều kiện cho người nuôi khắc phục, phát triển sản xuất.


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]