Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển rừng luồng với trữ lượng lớn, tập trung ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển cây luồng hiện nay vẫn chưa đáp ứng giá trị kinh tế và lợi ích của nó trong đời sống. Vì vậy, cần có các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển rừng luồng theo hướng hiệu quả và bền vững, qua đó quảng bá tiềm năng, thế mạnh cũng như tạo cơ hội để nâng cao giá trị cây luồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển hiệu quả và bền vững giá trị cây luồng xứ Thanh

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển rừng luồng với trữ lượng lớn, tập trung ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển cây luồng hiện nay vẫn chưa đáp ứng giá trị kinh tế và lợi ích của nó trong đời sống. Vì vậy, cần có các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển rừng luồng theo hướng hiệu quả và bền vững, qua đó quảng bá tiềm năng, thế mạnh cũng như tạo cơ hội để nâng cao giá trị cây luồng.

Phát triển hiệu quả và bền vững giá trị cây luồng xứ Thanh

Rừng luồng của gia đình anh Cao Văn Thụ ở bản Tân Sơn, xã Thanh Xuân (Quan Hóa) đang cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.A

Cây luồng – cây xóa đói, giảm nghèo

Luồng là cây đặc hữu của Thanh Hóa, được tỉnh quan tâm lập quy hoạch, gây trồng từ hàng chục năm trước. Cây luồng đã gắn bó với đời sống nhân dân qua các thập niên, đến nay vẫn giữ vai trò không nhỏ trong xóa đói, giảm nghèo, phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân các huyện miền núi và trung du.

Vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX, tỉnh ta đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi thư khen ngợi 5 lần và một lần được đón cố Thủ tướng về thăm phong trào trồng luồng tại xã Ngọc Liên, huyện Lương Ngọc (Ngọc Lặc ngày nay) vào năm 1969. Từ đó diện tích rừng luồng của tỉnh đã tăng lên từ 11.795 ha năm 1972 lên 50.000 ha năm 2000, đến nay là 78.657 ha; trong đó huyện Quan Hóa có 27.268,6 ha; Lang Chánh có 13.015,1 ha; Quan Sơn có 12.431,12 ha; Bá Thước có 11.119,73 ha;... Luồng Thanh Hóa chiếm 50% diện tích rừng luồng cả nước, phần lớn là rừng trồng thuần loài. Tính đến nay, trên 80% diện tích rừng luồng đã được giao lâu dài cho hộ dân chủ động quản lý, khai thác, có thu nhập từ nghề rừng.

Theo số liệu thống kê những năm gần đây, hàng năm tỉnh ta cung cấp ra thị trường khoảng 24 triệu cây/năm (trị giá khoảng 240 tỷ đồng) tương đương 0,55 triệu tấn. Tuy nhiên, năng suất này đang là con số khiêm tốn, nếu được quản lý, bảo vệ, chăm sóc thâm canh, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, hàng năm có thể cung cấp ra thị trường khoảng 70 triệu cây luồng, tương đương 1,6 triệu tấn, tạm tính doanh thu từ bán luồng cây là 700 tỷ đồng/năm. Những năm gần đây, cây luồng đã được đưa vào chế biến công nghiệp làm ra nhiều sản phẩm có giá trị như: Đũa, tăm mành, ván sàn, đồ thủ công mỹ nghệ, là nguyên liệu cho sản xuất giấy sợi, phế liệu của cây luồng (mắt, gốc, cành, ngọn...) còn dùng để sản xuất than hoạt tính. Măng luồng là loại thực phẩm sạch, chứa nhiều dinh dưỡng và chất xơ được nhiều người ưa chuộng. Ngoài ra rừng luồng còn có giá trị phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn và lưu giữ khí cac-bon (khí nhà kính) bảo vệ môi trường.

Về Quan Hóa thăm rừng luồng lớn nhất tỉnh ta, anh Cao Văn Thụ ở bản Tân Sơn, xã Thanh Xuân, chia sẻ: “Gia đình tôi hiện trồng 15 ha rừng luồng với khoảng 3.000 gốc. Do được tập huấn cách trồng, chăm sóc, thường xuyên chặt tỉa, phát dọn vệ sinh nên rừng luồng của gia đình tôi luôn xanh tốt, mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng”.

Cũng như anh Thụ, gia đình chị Lương Thị Nguyệt ở bản Sại, xã Phú Lệ có gần 7ha rừng luồng với 1.000 gốc. Chị Nguyệt cho hay: “Ngoài việc chăm sóc phát dọn tỉa cành, gia đình tôi còn thực hiện đúng kỹ thuật, bón phân cho gốc luồng mỗi năm 2 lần theo định kỳ. Vì vậy rừng luồng cứ thế sinh sôi phát triển, mỗi năm cho thu nhập khoảng 150 triệu”.

Chị Hà Thị Nga, phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Quan Hóa, cho biết: Toàn huyện có 27.268,6 ha, chiếm 34,32% tổng diện tích rừng luồng toàn tỉnh. Phần lớn diện tích rừng luồng thuộc quy hoạch rừng sản xuất và thuộc đất 02 của các hộ gia đình, cá nhân. Trên địa bàn có 23 công ty, HTX, cơ sở chế biến lâm sản chuyên thu mua và chế biến các mặt hàng sơ chế chủ yếu là đũa, giấy, vàng mã, ván sàn... Để thực hiện thâm canh phục tráng rừng luồng, huyện đã và đang phối hợp với ngành lâm nghiệp phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; hướng dẫn các hộ đăng ký tham gia phục tráng rừng luồng; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng... Năm 2019, huyện chỉ đạo thâm canh phục tráng rừng luồng 1.800 ha ở 12 xã với 1.335 hộ tham gia. Đặc biệt, huyện đã có 2.369,6 ha rừng luồng với 545 hộ ở 4 xã: Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Sơn và Phú Lệ được cấp chứng nhận bảo vệ rừng FSC (được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). Điều này giúp cho cây luồng của huyện đứng vững trên thị trường vì được đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng cũng như giá cả, đầu ra cho sản phẩm.

Vượt qua khó khăn, tìm hướng đi cho cây luồng

Thời gian qua, việc trồng, chăm sóc và khai thác sử dụng cây luồng còn rất nhiều hạn chế đã làm ảnh hưởng không ít đến chất lượng rừng luồng. Một số diện tích luồng hiện có đã và đang bị suy thoái mạnh, năng suất và chất lượng giảm sút, chế biến chưa hiệu quả, giá cả bấp bênh, các sản phẩm còn nghèo nàn... Nguyên nhân do luồng là sản phẩm nhân dân tự trồng nên đã được hưởng chính sách thông thoáng trong khai thác, vận chuyển, thương mại, vì vậy việc quản lý của chính quyền, cơ quan chuyên môn rất hạn chế. Những khu vực chủ yếu do nhân dân tự trồng từ trước đến nay, trong đó một số diện tích trồng trên các điều kiện địa hình không phù hợp (cao, dốc, độ ẩm thấp), nên rừng luồng sinh trưởng phát triển rất kém. Thực tế, người dân chưa có thói quen trồng luồng thâm canh, chăm sóc rừng trồng chưa tốt, chưa chú trọng phòng trừ sâu bệnh, khai thác tự do, người trực tiếp khai thác chỉ quan tâm về tiền công khai thác, chủ rừng chỉ quan tâm về tiền bán luồng... nên năng suất, chất lượng rừng luồng còn thấp, thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 7–10 triệu đồng/ha/năm, tính bền vững thấp.

Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến từ tre luồng đã hình thành nhưng chưa phát triển mạnh, chủ yếu là nhỏ, lẻ, chế biến nhóm sản phẩm truyền thống, chưa có cơ sở đủ mạnh đầu tư chế biến sản phẩm công nghệ cao. Tính gắn kết bền vững lâu dài giữa doanh nghiệp và hộ dân chưa cao, có đến 60% sản lượng luồng cây bán cho các tỉnh ngoài. Giá bán luồng cây còn thấp do tư thương bao vùng, ép giá, quyết định giá mua. Đường giao thông, đường vận chuyển ra bãi tập kết một số vùng chưa có, hoặc có cũng rất khó khăn nên khó bán luồng, giá bán rất rẻ, dẫn tới nhiều hộ dân chưa thiết tha chăm sóc rừng. Chưa có sự gắn kết giữa khoa học kỹ thuật với người dân, hoặc có nhưng mới ở phạm vi nhỏ lẻ. Đội ngũ khuyến lâm viên các huyện miền núi yếu và thiếu, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn chưa sâu rộng, mới ở quy mô xây dựng mô hình, chưa nhân rộng phổ biến mô hình. Yếu tố quan trọng là 92% diện tích rừng trồng tre luồng là của hộ gia đình, kéo theo chuỗi hệ thống các nhân tố chủ quan từ trồng, chăm sóc, khai thác chưa đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến năng suất, chất lượng rừng luồng ngày càng suy giảm.

Ông Phạm Chí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, cho biết: UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020; ban hành cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, nhằm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của vùng luồng. Từ đó góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế ở trung du, miền núi Thanh Hóa, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn hộ gia đình nông dân và xóa đói, giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, bảo tồn nguồn gen, bảo vệ rừng đầu nguồn và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành lâm nghiệp cũng đã có công văn gửi các huyện trong quy hoạch vùng luồng thâm canh, tập trung chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện kỹ thuật thâm canh phục tráng rừng luồng; nâng cấp, làm mới hệ thống đường lâm sinh; tổ chức tập huấn cho các hộ về kỹ thuật thâm canh phục tráng rừng luồng...

Hy vọng với những cơ chế chính sách và giải pháp trên, cây luồng có cơ sở để phát huy tiềm năng thế mạnh, trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh ta.

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]