(Baothanhhoa.vn) - Tre, luồng rất quen thuộc, gần gũi với người dân các huyện miền núi. Sinh ra, lớn lên nơi những khoảnh đồi bát ngát, cây luồng là kế sinh nhai gắn bó mật thiết với cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 152.659 ha tre, luồng, tập trung tại các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân. Giai đoạn “vàng” của tre, luồng xứ Thanh chính là những năm 70 của thế kỷ trước. Thời kỳ ấy, diện tích tre, luồng trên địa bàn ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển giá trị tre, luồng xứ Thanh

Tre, luồng rất quen thuộc, gần gũi với người dân các huyện miền núi. Sinh ra, lớn lên nơi những khoảnh đồi bát ngát, cây luồng là kế sinh nhai gắn bó mật thiết với cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 152.659 ha tre, luồng, tập trung tại các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân. Giai đoạn “vàng” của tre, luồng xứ Thanh chính là những năm 70 của thế kỷ trước. Thời kỳ ấy, diện tích tre, luồng trên địa bàn tỉnh liên tục được mở rộng; tre, luồng loại 1, loại 2 chiếm tỷ lệ cao.

Sản xuất nội thất từ luồng tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bamboo Vina, xã Hà Ninh (Hà Trung). Ảnh: Minh Hằng

Nhưng, cũng chính vì mọi nhu cầu thiết yếu của người dân miền núi đều “nhìn” cả vào tre, luồng, dẫn đến từ những năm 90 trở lại đây, diện tích tre, luồng bị khai thác quá mức. Theo đánh giá của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, phần lớn diện tích rừng luồng bị người dân khai thác không đúng quy trình, quá cường độ cho phép. Có nơi khai thác tới 50% số cây trong bụi, gấp 1,7 lần so với quy trình khai thác luồng. Đặc biệt, trong suốt một thời gian dài lạm dụng khai thác cả cây non và trong mùa măng, cùng với việc không cải tạo, bón phân khiến đất đai bị thoái hóa bạc màu, nhiều diện tích rừng luồng rơi vào tình trạng bị suy thoái nghiêm trọng. Theo khảo sát, tỷ lệ luồng loại 1, loại 2 ở tất cả các huyện đều rất thấp, phổ biến nhất là luồng loại 3, 4 và luồng còi cọc. Diện tích rừng luồng bị thoái hóa và xuất hiện sâu bệnh trên diện rộng, chất lượng ngày càng suy giảm khiến thu nhập của người dân trồng luồng rất thấp so với các loại cây khác.

Trước thực trạng đó, để phục hồi và nâng cao giá trị cho cây luồng xứ Thanh, tỉnh ta đã phê duyệt kế hoạch phát triển tre, luồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 và thực thi chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020. Trong đó thực hiện hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh cho các xã thuộc quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 502/QĐ-UBND ngày 23-2-2012. Mức hỗ trợ cho diện tích rừng luồng được phục tráng là 4 triệu đồng/ha phân bón chia làm 2 năm liên tiếp và 230 triệu đồng/km đường ô tô lâm nghiệp được nâng cấp hoặc làm mới. Tổng diện tích rừng luồng được đầu tư thâm canh là 29.982 ha tại 7 huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy.

Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, chúng tôi tới thăm rừng luồng đang được thâm canh, phục tráng tại thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc. Anh Lê Đức Thiếp, chủ rừng luồng vui vẻ kể chuyện: Trước kia, rừng luồng 2 ha của gia đình chưa bao giờ có khái niệm chăm sóc, bón phân. Vậy nhưng, từ khi được tham gia chương trình phục tráng, thâm canh rừng luồng, tư tưởng của anh đã thay đổi. Nhận thấy, qua mỗi mùa bón phân, cây luồng sinh măng nhiều hơn, lóng to, dài, đẹp hơn nên anh đã thay đổi thói quen, thực hiện bón phân cho cả những diện tích luồng không được hưởng chính sách hỗ trợ. Năm 2017, rừng luồng 2 ha đã mang lại thu nhập gần 50 triệu đồng cho gia đình anh. Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, cho biết: Cây luồng hiện là mũi nhọn kinh tế tại địa phương với 2.400 ha. Trước kia, cây luồng hầu như không được người dân chăm sóc mà họ chỉ khai thác khi có nhu cầu. Tuy nhiên, từ khi có kế hoạch cải tạo phục tráng rừng luồng, nhận thức của người dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Mặc dù mỗi hộ dân chỉ được phê duyệt hỗ trợ một phần diện tích bón phân, nhưng từ thực tế sản xuất, bà con đã rút ra kinh nghiệm và tiến hành đầu tư bón phân, phát thực bì, chăm sóc cho cả rừng luồng ngoài diện tích được hỗ trợ.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, toàn huyện hiện có gần 14.000 ha luồng. Thực hiện kế hoạch phát triển tre, luồng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020, huyện Lang Chánh đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch thực hiện thâm canh, phục tráng rừng luồng giai đoạn 2016-2020. Tại các kế hoạch thực hiện hỗ trợ phục tráng rừng luồng theo các năm, huyện Lang Chánh giao chỉ tiêu, khối lượng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn, các xã. UBND huyện cũng chỉ đạo, hướng dẫn thành lập ban chỉ đạo phục tráng rừng luồng tại 8 xã trọng điểm. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức thâm canh được 3.000 ha, phục tráng được 1.350 ha rừng luồng. Bên cạnh đó, đã tổ chức sửa chữa, nâng cấp được 7 km đường lâm nghiệp thông qua chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Có thể nói, chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh đang được cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân ủng hộ. Ngoài hỗ trợ phân bón, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cũng tổ chức các hội nghị để tuyên truyền chủ trương, chính sách của tỉnh đối với cây luồng. Đồng thời, phổ biến đến người trồng luồng những kiến thức về quy trình chăm sóc, khai thác rừng để cho năng suất, hiệu quả cao hơn. Qua tổng hợp đánh giá của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, hệ số sinh măng trên diện tích rừng luồng được bón phân đạt từ 1,3-1,5 lần, măng to hơn và lóng dài hơn, trong khi đó diện tích không chăm sóc bón phân đạt 0,8-1 lần. Sau gần 3 năm thực hiện kế hoạch, đã có 6.680 ha luồng được phục tráng, nâng cấp, mở rộng 36,3 km đường lâm nghiệp. Công tác phục tráng, thâm canh rừng luồng đã bắt đầu đạt được những kết quả khả quan, mở hướng để tre, luồng tỉnh Thanh lấy lại vị thế.

Sở dĩ người trồng luồng có thu nhập thấp, bên cạnh nguyên nhân sự suy thoái của rừng luồng khiến sản lượng, chất lượng luồng giảm còn có nguyên nhân từ sự yếu kém của hoạt động chế biến, tiêu thụ. Theo khảo sát gần nhất, trên địa bàn tỉnh có 126 cơ sở chế biến sản phẩm từ tre, luồng, trong đó có 9 HTX, 17 công ty trong nước, 1 công ty nước ngoài và 99 hộ kinh doanh cá thể. Các cơ sở sản xuất trong tỉnh và nhu cầu xây dựng hiện mới tiêu thụ khoảng 40% sản lượng tre, luồng khai thác hàng năm; 60% còn lại được thương lái thu mua tiêu thụ ở các tỉnh ngoài. Giá trị sản xuất hàng hóa từ tre, luồng thấp, nguồn thuế thu từ sản phẩm tre, luồng chỉ khoảng 10 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, khi có sự đầu tư vốn, công nghệ để chế biến sâu, tre, luồng mang lại giá trị cao hơn gấp rất nhiều lần so với việc bán nguyên liệu thô. Điển hình như tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina, xã Hà Ninh (Hà Trung). Từng theo đuổi nghề chế biến đũa tre, tuy nhiên, do đây là sản phẩm sơ chế công nghệ thấp, giá trị gia tăng sản phẩm chưa cao nên sau một thời gian tích lũy vốn và kinh nghiệm, anh Nguyễn Mạnh Cường đã mạnh dạn đầu tư hơn 15 tỷ đồng vào hệ thống máy móc chế biến nội thất, đồ gia dụng từ tre, luồng. Dây chuyền này có đầy đủ hệ thống máy cắt luồng, chẻ luồng, máy vót nan thô, máy bào nan tinh, máy lăn keo, máy ép, hệ thống sấy, hấp, xử lý chống mối mọt. Thành phẩm cuối của dây chuyền sản xuất là thớt tre, bàn ghế, mặt bàn, khay, hộp, sàn tre... có giá trị khá cao. Hiện nay, nhu cầu của thị trường với sản phẩm nội thất từ tre, luồng khá rộng mở. Ngoài phục vụ nhu cầu nội thất gia đình, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina còn là khách hàng thân thiết của một số siêu thị, hệ thống cà phê Highlands toàn quốc. Anh Cường cho biết: Sau khi chế biến, giá trị của cây luồng tăng lên gấp khoảng 20 lần so với nguyên liệu thô. Một số các cơ sở chế biến tre, luồng thành sản phẩm than hoạt tính xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng có giá trị cao gấp hàng chục lần so với xuất bán nguyên liệu thô.

Tuy nhiên, việc thu hút các doanh nghiệp có công nghệ chế biến tre, luồng sâu vào địa bàn tỉnh đang rất khó khăn. Do đó, ngành công nghiệp chế biến tre, luồng trong tỉnh tuy có phát triển nhưng quy mô còn nhỏ, năng lực sản xuất yếu, thiết bị công nghệ còn lạc hậu, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu thấp. Theo khảo sát, có tới 78% số doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng, đặc biệt là có tới 33% số doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 0,5 tỷ đồng.

Nhằm “đổi chất” cho ngành tre, luồng xứ Thanh, bên cạnh việc quản lý, phát triển bền vững rừng tre, luồng theo hướng thâm canh, kế hoạch phát triển tre, luồng tỉnh Thanh Hóa cũng định hướng tới một số mục tiêu chiến lược nhằm phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tre, luồng bền vững. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh ta sẽ phát triển 10 nhà máy sản xuất tre, luồng với khoảng 200 doanh nghiệp vệ tinh cung cấp nguyên liệu, doanh thu đạt 9.000-10.000 tỷ đồng/năm. Củng cố và phát triển 50-55 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2020, nâng giá thu mua nguyên liệu tăng 1-1,5 lần so với hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế để thiết lập và phát triển quan hệ với các cơ quan, các tổ chức quốc tế để kêu gọi hỗ trợ, hợp tác, nâng cao giá trị tre, luồng.

Tỉnh ta cũng định hướng cụ thể một số dự án nhằm phát triển và quản lý bền vững, nâng cao giá trị tre, luồng, như: Xây dựng công viên sinh thái tre, luồng tại huyện Thọ Xuân và Thường Xuân, thành lập cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về giống, kỹ thuật thâm canh tre, luồng tại huyện Thạch Thành; quy hoạch phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ, rà soát các doanh nghiệp công nghiệp chế biến tre, luồng... Tuy nhiên, để những dự án này sớm đi vào đầu tư xây dựng cần một nguồn vốn khá lớn. Do đó, tỉnh cần sớm nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ chính sách tiếp cận vốn để các doanh nghiệp có nguồn lực thực thi dự án.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 vi trường chinh - 16:58 27/07/19

 Trả lời

tôi muốn mua số lượng lớn tre luồng hàng thu đều ai biết địa chỉ và số dt chỉ tôi với tôi đang rất cần xin liên hệ 0983799016... 0988733398

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]