(Baothanhhoa.vn) - Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tiếp thu và phát huy truyền thống quý báu đó, từ khi ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tiếp thu và phát huy truyền thống quý báu đó, từ khi ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộcĐồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy dự ngày hội Đại đoàn kết khu dân cư thôn Đồng Nghiêm, xã Mậu Lâm (Như Thanh). Ảnh: Phan Nga

Sau khi Đảng bộ Thanh Hóa được thành lập ngày 29-7-1930, các hình thức hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất(1) trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng, nhiều nhất là các tổ chức quần chúng Nông hội đỏ, Công hội đỏ. Các hoạt động của Công hội đỏ trong các nhà máy với nhiều hình thức như rải truyền đơn, đình công phản đối đánh đập, cúp phạt; Nông hội đỏ với các cuộc đấu tranh của nông dân đòi cải lương hương tục, đòi bãi bỏ những tục lệ đóng góp nặng nề...

Thời kỳ 1936-1939, các phong trào đấu tranh của quần chúng của Hội tương tế Ái Hữu, phong trào chống cường hào của nông dân, các cuộc đấu tranh của công nhân tại các huyện Hoằng Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa gây được tiếng vang tạo thành làn sóng mạnh mẽ.

Từ sau Hội nghị Trung ương VIII (5-1941), ở Thanh Hóa, Mặt trận phản đế cứu quốc tham gia xây dựng các đội tự vệ, cơ sở cách mạng phát triển mạnh. Đầu năm 1943, Tỉnh ủy lâm thời quyết định chuyển “Thanh Hóa ái quốc hội” thành “Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa”, Tỉnh ủy Thanh Hóa kiêm Tỉnh bộ Việt Minh. Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa đã phát động Nhân dân đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống nhổ lúa trồng đay, phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói. Từ giữa năm 1945, hoạt động của Việt Minh Thanh Hóa đã công khai và áp đảo kẻ thù. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, quần chúng Nhân dân đã bao vây, đánh chiếm phủ lỵ giành chính quyền về tay Nhân dân, cùng với Nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã đoàn kết toàn dân kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng; củng cố hậu phương, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bước vào thời kỳ đất nước thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mặt trận đã tập hợp, đoàn kết Nhân dân trong tỉnh khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa; các tầng lớp Nhân dân Thanh Hóa đã kiên cường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ hậu phương, thi đua sản xuất chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, từ sau ngày nước nhà thống nhất, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy vai trò, vận động Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, xây dựng quê hương. Đặc biệt, từ khi có đường lối đổi mới đến nay, mặt trận các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng hoạt động ngoại giao Nhân dân; thực hiện tốt phương châm “Hướng mạnh về cơ sở địa bàn khu dân cư”, tuyên truyền, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, ủng hộ, xây dựng “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ cứu trợ thiên tai”, “Quỹ phòng chống dịch bệnh COVID-19”... MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư, xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, khu dân cư văn hóa...

MTTQ và các thành viên đã tích cực phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền; hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; tham gia giám sát và phản biện xã hội; chủ trì tổ chức trên 1.000 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; chủ trì và phối hợp tổ chức hàng ngàn cuộc giám sát các nội dung mà cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm. MTTQ các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước; duy trì quan hệ hợp tác hữu nghị với Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Hủa Phăn.

Những hoạt động tích cực của MTTQ các cấp trong tỉnh đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng phát triển giàu đẹp và văn minh. Với những kết quả đã đạt được trong suốt chặng đường 90 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa được Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tỉnh ủy tặng thưởng rất nhiều Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua, Bằng khen,... Đặc biệt Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã được Nhà nước 4 lần tặng thưởng huân chương.

Từ những thành công trong công tác vận động, tập hợp quần chúng, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của MTTQ; cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và vị trí, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai: Cán bộ làm công tác mặt trận phải học tập và thực hành phong cách: trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; phải nghe dân, nói dân hiểu, làm dân tin. Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ dân vận nói chung và cán bộ làm công tác mặt trận nói riêng. Đội ngũ cán bộ mặt trận và các đoàn thể thường xuyên được bồi dưỡng về lý luận chính trị, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ công tác dân vận quần chúng; coi trọng giáo dục phẩm chất, tư cách và tác phong làm việc. Đội ngũ những người làm công tác mặt trận đã không ngừng rèn luyện, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có năng lực trí tuệ và hoạt động thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng.

Thứ ba: Nội dung và hình thức hoạt động của MTTQ Việt Nam cần phải đa dạng, phong phú, thích hợp trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, xuất phát từ mục tiêu của cách mạng, lợi ích chính đáng của Nhân dân để tập hợp rộng rãi quần chúng. Trong từng giai đoạn cách mạng, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều mô hình, cách làm, phong trào thi đua được triển khai với tinh thần sáng tạo, mang lại hiệu quả. Thông qua những nội dung và hình thức hoạt động phong phú, thiết thực, hội viên, đoàn viên ngày càng gắn bó với đoàn thể của mình; vị trí và vai trò của MTTQ và các đoàn thể được đề cao, được xác định là bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị.

Thứ tư: Công tác mặt trận phải luôn gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền Nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, vận động Nhân dân bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền là nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả của MTTQ Việt Nam. Hằng năm, các cấp ủy đều có chương trình công tác, tổ chức phối hợp, kiểm tra và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong mối quan hệ công tác giữa chính quyền với đoàn thể Nhân dân. Các cấp ủy đảng từ tỉnh xuống cơ sở đều cử những cấp ủy viên có phẩm chất và năng lực phụ trách MTTQ Việt Nam và các đoàn thể. Các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm túc định kỳ lấy ý kiến Nhân dân nhận xét, góp ý phê bình cán bộ, đảng viên. Trong các cuộc bầu cử, MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì, thực hiện tốt quy định hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp... Việc làm này đã giúp cho cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh đề cao ý thức tự rèn luyện tư cách đạo đức, phẩm chất cách mạng cũng như tác phong công tác ngày càng tốt hơn.

Thứ năm: Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò chủ trì trong phối hợp thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên. Những năm qua, sự phối hợp và thống nhất hành động giữa MTTQ với các tổ chức thành viên được tăng cường, không chỉ thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm theo Nghị quyết Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam ở mỗi cấp, mà còn phối hợp theo các chuyên đề theo chủ trương của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hoặc theo đề nghị của một tổ chức thành viên.

Nhìn lại chặng đường 90 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tự hào đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc và của quê hương Thanh Hóa. Phát huy những thành quả và kinh nghiệm quý báu trong quá trình hoạt động, MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân cùng với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng các cấp đề ra.

Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

(1) Từ khi ra đời đến nay, Mặt trận Dân tộc thống nhất đã có nhiều lần đổi tên gọi như: Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương (1939-1941), Mặt trận Việt Minh (1941-1950), Mặt trận Liên Việt (1951-1955), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 12-1955 đến nay).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]