(Baothanhhoa.vn) - Việt Nam đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, với 2/3 dân số đang trong độ tuổi lao động. Thanh Hóa là tỉnh đông dân đứng thứ 3 toàn quốc (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Nằm trong xu thế chung của cả nước, Thanh Hóa cũng đang trong giai đoạn “vàng” của dân số. Vậy thế nào là thời kỳ “dân số vàng” và làm thế nào để phát huy được cơ hội “vàng” mà cơ cấu dân số mang lại?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”

Việt Nam đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, với 2/3 dân số đang trong độ tuổi lao động. Thanh Hóa là tỉnh đông dân đứng thứ 3 toàn quốc (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Nằm trong xu thế chung của cả nước, Thanh Hóa cũng đang trong giai đoạn “vàng” của dân số. Vậy thế nào là thời kỳ “dân số vàng” và làm thế nào để phát huy được cơ hội “vàng” mà cơ cấu dân số mang lại?

Sử dụng hiệu quả nguồn lực “dân số vàng” để phát triển quê hương, đất nước. Ảnh: Phong Sắc

Theo dân số học thì dân số của một quốc gia đạt cơ cấu “vàng” khi tỷ số phụ thuộc chung nhỏ hơn 50%, nói cách khác khi trên 2 người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chỉ phải nuôi một người trong độ tuổi phụ thuộc. Với tổng số dân 3.544.450 người thì có tới 2.262.200 người từ 15 tuổi trở lên (số liệu năm 2017 của Cục Thống kê Thanh Hóa), Thanh Hóa đang nằm trong dư lợi dân số. Theo các nhà nghiên cứu thì giai đoạn “dân số vàng” có thể kéo dài khoảng 25-30 năm. “Món quà dân số” này nếu chúng ta sử dụng hợp lý sẽ là một cơ hội lớn cho công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.

Để phát huy thế mạnh cơ cấu “dân số vàng” của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững. Rất nhiều cơ hội đang mở ra. Trước tiên, ở trong thời kỳ “dân số vàng”, số lượng và tỷ lệ trẻ em sẽ giảm nên có nhiều nguồn lực hơn cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, với lực lượng lao động lớn và trẻ cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế sẽ tạo ra nhu cầu lớn về đào tạo nghề. Và lợi tức “vàng” sẽ được phát huy tối đa khi tỷ lệ lao động có kỹ năng vững vàng và có việc làm cao. Người cao tuổi, đặc biệt là người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm tiếp tục làm việc là nguồn nhân lực tốt. Mặt khác, dù tiềm năng sinh đẻ tăng lên (vì phụ nữ từ 15-49 tuổi tăng) nhưng với trình độ giáo dục được nâng cao và ý thức kế hoạch hóa gia đình đã phổ biến và bền vững nên chính sách dân số phù hợp sẽ thúc đẩy việc giảm tốc độ tăng dân số và nâng cao chất lượng nhân lực. Trong giai đoạn này, lực lượng lao động lớn hơn nhiều so với lực lượng phụ thuộc sẽ đóng góp lớn cho quỹ an sinh xã hội và thúc đẩy sự bền vững về tài chính. Lao động cao tuổi còn có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy giá trị truyền thống của gia đình, dân tộc – các yếu tố “an sinh” hết sức quan trọng hiện nay.

Tuy nhiên, cơ cấu “dân số vàng” mới chỉ mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ không phải đã đem lại ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong khi đó, thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” cũng gặp không ít thách thức, nếu không vượt qua được sẽ là trở ngại lớn cho sự phát triển. Đó là trong quá trình phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường xuất hiện ở nhiều nơi, điều này hệ lụy nặng nề đến sức khỏe và vấn đề dị tật bẩm sinh. Theo thống kê, hằng năm toàn tỉnh có tới hàng triệu lượt người tới khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế và phòng khám đa khoa. Đó là chưa kể số lượt người khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã, phường. Sức khỏe sinh sản đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là HIV và nạo phá thai. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em còn lớn, nhất là khu vực miền núi. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của các nhóm dân số rất khác nhau. Bạo lực gia đình, lao động trẻ em... vẫn diễn ra làm giảm chất lượng dân số trẻ tuổi và dẫn đến nhiều tổn thất cho xã hội. Khả năng tiếp cận dịch vụ giáo dục giữa các nhóm dân số rất khác biệt, trong đó người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng tiếp cận thấp. Giáo dục tuy đã đạt những kết quả đáng kể, song chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Bên cạnh đó, lực lượng lao động dồi dào nhưng lại thiếu kỹ năng, tay nghề. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tuy giảm hơn thời kỳ trước song vẫn còn cao. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh có 2.241.456/2.262.200 lao động trong độ tuổi đang làm việc trong nền kinh tế, trong số này chỉ có 22,5% đã qua đào tạo (năm 2010 là 16,2%); còn 1,47% thất nghiệp, 2,01% thiếu việc làm. Mặt khác, hộ gia đình – nguồn “an sinh” chủ yếu hiện nay của người cao tuổi có thể bị phá vỡ cơ cấu do tác động của biến đổi kinh tế và dân số (do ít con hoặc con cái di cư đi làm ăn xa)...

Để tỉnh nhà phát triển bền vững, tránh được “bẫy thu nhập trung bình” và thích ứng với quá trình già hóa dân số của thời kỳ “hậu dân số vàng”, cần tận dụng những vận hội do cơ cấu “dân số vàng” mang lại. Theo đó, cần quan tâm chăm lo sức khỏe cho người dân, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động. Thực tế cho thấy, nếu những người trong độ tuổi lao động ốm đau, bệnh tật thì khả năng lao động sẽ hạn chế. Vì vậy, tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung, những người trong độ tuổi lao động nói riêng để họ nâng cao khả năng làm việc là yêu cầu cần thiết đầu tiên. Chính sách kế hoạch hóa gia đình và chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải được thực hiện linh hoạt, tùy thuộc điều kiện từng vùng, khu vực. Đồng thời cần đầu tư sâu rộng hơn vào các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đẩy mạnh giáo dục và cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản. Thúc đẩy cộng đồng, các tổ chức tham gia việc chống lại nạn bạo hành, ngược đãi phụ nữ, trẻ em... Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực cho nâng cao chất lượng nhân lực. Song song với quan tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, trên đại học cần mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động; cải thiện chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu khách quan. Khuyến khích người cao tuổi có trình độ chuyên môn, kỹ năng, đặc biệt trong các ngành kỹ thuật, sản xuất tiếp tục tham gia đóng góp cho việc đào tạo. Đa dạng hóa ngành nghề ở khu vực nông thôn và thúc đẩy chất lượng của các ngành sử dụng nhiều lao động. Tăng cơ hội việc làm, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng, hành vi và kiến thức xã hội, đặc biệt là cho thanh, thiếu niên. Đồng thời bảo đảm nguồn tài chính cho đầu tư, tăng trưởng. Thực hiện chính sách di dân bảo đảm phân bố dân số và lao động hợp lý cho các vùng, khu vực. Thúc đẩy xuất khẩu lao động với vai trò tạo việc làm và tăng thu nhập...

Cơ cấu “dân số vàng” mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho sự phát triển. Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần khẩn trương tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển nhanh và bền vững.

“Thất bại trong việc tận dụng các cơ hội dân số có thể tác động tiêu cực đến triển vọng tương lai một khi tình trạng thất nghiệp lan rộng, các quan hệ xã hội bị xói mòn và các nguồn lực bị cạn kiệt bởi dân số già hóa. Biến động dân số tác động một cách cơ bản và mạnh mẽ đến cơ cấu hộ gia đình, đến vị thế của phụ nữ và trẻ em và đến cách thức lao động... Các nhà hoạch định chính sách phải nắm bắt được xu hướng biến động dân số và xây dựng các chính sách nhằm tận dụng những tác động tích cực của những biến động đó đến tăng trưởng kinh tế...”. (Nhà nghiên cứu Bloom)


Đức Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]