(Baothanhhoa.vn) - Xuất khẩu đang có những chuyển biến lớn, với nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng và dự báo khả năng “về đích” sớm so với kế hoạch đến năm 2020. Thành quả này xuất phát từ những nguyên nhân nào và thách thức đặt ra trong giai đoạn tới là gì? Đây cũng là nội dung trọng tâm xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ông Lê Tiến Lam, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương: Nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu

Xuất khẩu đang có những chuyển biến lớn, với nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng và dự báo khả năng “về đích” sớm so với kế hoạch đến năm 2020. Thành quả này xuất phát từ những nguyên nhân nào và thách thức đặt ra trong giai đoạn tới là gì? Đây cũng là nội dung trọng tâm xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo Thanh Hóa với ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương.

Công nhân Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn bốc xếp xi măng xuất khẩu. Ảnh: Khôi Nguyên

Chuyển biến lớn...

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa từ đầu năm đến nay? Kết quả này có sự biến động ra sao so với cùng kỳ năm 2017?

Ông Lê Tiến Lam: Giá trị xuất khẩu là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Cụ thể: Đến năm 2020, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt 2 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ năm 2015. Qua đánh giá sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, chỉ tiêu giá trị xuất khẩu được xác định là có khả năng vượt cao so với mục tiêu nghị quyết. Dự báo ban đầu có thể về đích trước 1 năm, song, với đà tăng trưởng xuất khẩu của năm 2018, khả năng về đích trước thời gian 2 năm là rất khả quan.

Theo đó, năm 2018, kế hoạch giá trị xuất khẩu là 1,95 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2017, tương đương tăng thêm 76,4 triệu USD. Kết quả 8 tháng, xuất khẩu ước đạt 1,57 tỷ USD, bằng 80,3% kế hoạch cả năm, tăng tới 29,7% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước (cả nước xuất khẩu 8 tháng tăng 16,7%). So với kết quả 8 tháng của những năm trước, xuất khẩu năm nay có kết quả vượt trội: 8 tháng năm 2016 xuất khẩu đạt 69,7% kế hoạch, tăng 19,4% so với cùng kỳ; 8 tháng năm 2017 xuất khẩu đạt 65% kế hoạch và chỉ tăng 6,9% cùng kỳ.

PV: Giá trị xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm đã đạt 80,3% kế hoạch năm 2018. Kết quả này dựa trên những yếu tố cơ bản nào, thưa ông?

Ông Lê Tiến Lam: Có thể khẳng định, kết quả đạt được trong công tác xuất khẩu, trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; bên cạnh các ngành, các cấp đã bám sát tình hình, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Cùng với đó, các điều kiện cho sản xuất, xuất khẩu như nguyên liệu chế biến, mặt bằng sản xuất, kho cảng, nhân công, điện, nước, thủ tục hành chính... cũng được đáp ứng cơ bản đầy đủ. Đặc biệt, xuất khẩu có sự chuyển biến lớn, mang tính bước ngoặt là kết quả của việc đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư. Từ việc chỉ khai thác tài nguyên và các mặt hàng nguyên liệu để xuất khẩu, đến nay, các mặt hàng công nghiệp từ các tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn như lọc hóa dầu, may mặc, giầy da, xi măng... đã chiếm tỷ trọng chủ yếu trong xuất khẩu của tỉnh (năm 2018 chiếm 84,6%). Đồng thời, kết quả đạt được trong lĩnh vực xuất khẩu là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp xuất khẩu.

PV: Những giải pháp nào đã được ngành công thương đặt ra nhằm sớm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2018, thưa ông?

Ông Lê Tiến Lam: Với kết quả 8 tháng và nhận định tình hình những tháng cuối năm, khả năng cao xuất khẩu cả năm 2018 sẽ đạt kế hoạch 1,95 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta cần phấn đấu để xuất khẩu không những đạt mà phải vượt kế hoạch ở mức cao nhất có thể, nhằm tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo. Sở Công Thương, với trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban hội nhập kinh tế quốc tế và Chỉ đạo Chương trình xuất khẩu của tỉnh, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các thành viên của ban bám sát tình hình doanh nghiệp, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu. Đó là tuyên truyền nhằm trang bị cho các doanh nghiệp thông tin về thị trường nước ngoài, lộ trình cắt giảm thuế được quy định tại các hiệp định thương mại tự do, pháp luật về chống độc quyền, chống bán phá giá và chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu (chính sách thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài...).

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, thuế và các thủ tục xuất khẩu khác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu, bảo đảm cung ứng đủ các nguyên liệu như sắn, thịt lợn, thủy sản, gỗ... cho chế biến hàng xuất khẩu. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp thúc đẩy, mở rộng tín dụng, đa dạng và nâng cao chất lượng tín dụng cho phát triển sản xuất, kinh doanh, ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, có kế hoạch ưu tiên cấp điện, ổn định số lượng công nhân, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực...

Với những giải pháp được triển khai đồng bộ, hy vọng xuất khẩu năm 2018 sẽ đạt từ 2,07 đến 2,09 tỷ USD, vượt 7% kế hoạch. Qua đó, đưa Thanh Hóa vươn lên thứ 14/63 tỉnh/thành phố về xuất khẩu trong năm 2018.

Những nhân tố tác động

PV: Rõ ràng là, để xuất khẩu đạt được mục tiêu đặt ra, thì sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng đóng vai trò quan trọng. Song cũng cần nhấn mạnh đến sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Tiến Lam: Một quốc gia khi chuyển từ đóng cửa sang mở cửa nền kinh tế, thì các chính sách vĩ mô quyết định sự tồn tại và tăng trưởng xuất khẩu. Còn đối với nước ta hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế là nguyên tắc bất biến, thì nhân tố quyết định cho tăng trưởng xuất khẩu lại nằm ở chính các doanh nghiệp, chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh một thể chế ngày càng thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh mà tỉnh Thanh Hóa đang quyết tâm tạo dựng; có thể nói, kết quả tăng trưởng xuất khẩu những năm gần đây trước hết là sự nỗ lực, cố gắng, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 131 doanh nghiệp xuất khẩu, tăng thêm 16 doanh nghiệp so với đầu nhiệm kỳ. Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Hàng hóa của tỉnh xuất khẩu ổn định sang 43 thị trường, trong đó, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sang thị trường FTA tăng đều hàng năm từ 54% năm 2015 đến 63% năm 2017.

PV: Các thị trường truyền thống của hàng hóa Thanh Hóa và việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã và đang được ngành chức năng và tỉnh ta quan tâm ra sao, thưa ông?

Ông Lê Tiến Lam: Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã được xuất khẩu sang 43 nước và vùng lãnh thổ, với trên 50 chủng loại hàng hóa. Số liệu cập nhật 8 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu tới các thị trường truyền thống như Mỹ (đạt 430 triệu USD, chiếm 27,5% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh), Nhật Bản (đạt 155,4 triệu USD, chiếm 10%), Hàn Quốc (đạt 119,6 triệu USD chiếm 7,6%), Hồng Kông (đạt 188,3 triệu USD chiếm 12%), Trung Quốc (110 triệu USD chiếm 7%)... vẫn duy trì tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thời gian gần đây cũng không ngừng tìm kiếm và mở rộng thị trường bằng nhiều kênh khác nhau. Đồng thời, Sở Công Thương tiếp tục làm đầu mối giữ liên hệ với các Tham tán thương mại Việt Nam ở các nước, để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

PV: Đẩy mạnh xuất khẩu hướng chính ngạch được nhiều người xem là một trong những giải pháp để xuất khẩu bền vững. Từ thực trạng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ta hiện nay, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Lê Tiến Lam: Trên thực tế, xuất khẩu chính ngạch thường có mức độ tuân thủ các quy định, thông lệ và tập quán thương mại quốc tế, kiểm soát hải quan, kỹ thuật cao hơn xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đất liền. Do đó, mức độ rủi do thấp hơn, thiết lập được các kênh phân phối ra thị trường nước ngoài ổn định hơn.

Đối với tỉnh ta hiện nay, hàng hóa xuất khẩu chính ngạch chiếm 90,1% tổng giá trị xuất khẩu; xuất khẩu tiểu ngạch chỉ chiếm 2,9%; còn lại là xuất khẩu dịch vụ. Hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc chủ yếu là thủy sản, thịt lợn, dứa quả; xuất khẩu tiểu ngạch sang Lào chủ yếu là hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng. Thực tế cho thấy, xuất khẩu tiểu ngạch sang Lào có nhiều lợi thế, nhưng lại bất lợi khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, khi chính sách biên mậu của Trung Quốc thường thiếu ổn định, hàng hóa nguyên liệu giá trị gia tăng thấp. Theo đó, định hướng phát triển xuất khẩu của tỉnh là đẩy mạnh chế biến hàng xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch, song cũng hết sức tạo thuận lợi cho xuất khẩu biên mậu, gắn với kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại biên giới.

PV: Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn đang và sẽ ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh thời gian tới?

Ông Lê Tiến Lam: Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu của Thanh Hóa trong những năm tới là khá rõ nét. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự báo và mức độ tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể, cùng với dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của các định chế tài chính; thì thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu cũng được dự báo tăng trưởng cao trở lại trong 2 năm 2018, 2019 (trên 8%/năm). Đây là những nhân tố bên ngoài, phản ánh cầu thị trường đối với hàng hóa nói chung, hàng xuất khẩu của tỉnh ta nói riêng. Cùng với đó, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng đi vào thực chất và sự phát triển của công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông... cũng là những điều kiện thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, dự báo kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng cao, thể chế tiếp tục được cải cách, phát triển doanh nghiệp được quan tâm... sẽ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Đối với Thanh Hóa, dư địa để phát triển các ngành hàng xuất khẩu mới sau khi tái cơ cấu nền kinh tế còn rất lớn. Cùng với đó, các yếu tố thuận lợi như thu hút đầu tư FDI, cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, hạ tầng giao thông, logistics... ngày càng được cải thiện, là điều kiện hết sức thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều thách thức cũng đang đặt ra trong công tác xuất khẩu, trong đó phải kể đến xu hướng bảo hộ mậu dịch, rào cản kỹ thuật tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tại các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, do vị trí địa - kinh tế của nước ta. Ngoài các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp của tỉnh hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thiếu tính cạnh tranh. Ngoài ra, xuất khẩu của tỉnh còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác như biến đổi khí hậu, biến động tỷ giá, chính sách biên mậu thiếu ổn định của Trung Quốc...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Lê Dung (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]