(Baothanhhoa.vn) - Mang theo cảm xúc đặc biệt đến Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn PRG - một trong những “cánh tay lớn” trong lĩnh vực đầu tư bất động sản du lịch đã khiến khán trường dường như nín thở lắng nghe từng lời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi “đất lành chim đậu”

Mang theo cảm xúc đặc biệt đến Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn PRG - một trong những “cánh tay lớn” trong lĩnh vực đầu tư bất động sản du lịch đã khiến khán trường dường như nín thở lắng nghe từng lời.

Nơi “đất lành chim đậu”Công trường Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Với bà Nga, “đây là một cảm xúc rất hiếm có”. Sở hữu chuỗi 31 khách sạn quốc tế và Việt Nam, 7 sân golf trên cả nước, với 22.000 lao động, quyết định đầu tư dự án khu đô thị ven biển hai xã Quảng Nham và Quảng Thạch (Quảng Xương) mang lại niềm tin thành công cho tập đoàn ngay từ những ngày đầu thực hiện lập quy hoạch. Ngoài “cái duyên gặp gỡ” trời định, thì yếu tố quan trọng khiến Công ty ORG - công ty con của Tập đoàn PRG quyết định gắn bó với xứ Thanh, đến từ chính tâm huyết, thiện chí mời gọi đầu tư cùng những bước triển khai thủ tục bài bản và nhanh gọn của tỉnh Thanh Hóa. “Từng hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài những dự án hàng tỷ USD tại Việt Nam, khi chưa biết, chưa hiểu về nơi này, Thanh Hóa chưa được đưa vào “tầm ngắm”. Nhưng biết rồi, gặp gỡ rồi, việc chúng tôi quyết định đầu tư dự án quy mô vốn hơn 4.000 tỷ đồng là một điều dễ hiểu. Đây sẽ là dự án bất động sản du lịch lớn nhất tại miền Bắc mà tập đoàn quyết dồn toàn lực để Công ty ORG hiện thực hóa trong 2 năm tới” - cảm xúc mà bà Nga chia sẻ tại hội nghị, đã tạo hứng khởi và niềm tin cho nhiều doanh nghiệp (DN) tham dự tại khán trường.

Những ngày này, các nhà thầu thi công Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn cũng đang tập trung nhân lực để hoàn thiện những hạng mục quan trọng cuối của dự án. Hàng nghìn kỹ sư, công nhân đang nỗ lực hàng ngày để nhà máy nhiệt điện công suất 1.200MW này hòa lưới điện vào năm 2022. Ông Hirohide Sagana, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2, cho biết: Khi đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn, ngoài tiềm lực phát triển ngành công nghiệp tại đây, chúng tôi nhìn nhận và đánh giá được sự quản lý chuyên nghiệp của tỉnh Thanh Hóa cũng như Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp. Từ khi chúng tôi bắt đầu triển khai dự án, tỉnh Thanh Hóa luôn đưa ra những chỉ đạo đúng đắn và kịp thời. Trong quá trình triển khai thi công dự án, không ít khó khăn, vướng mắc đã phát sinh, nhưng được sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, dự án đã được thi công vượt tiến độ và đến nay đã hoàn thành hơn 70% khối lượng.

Không phải ngẫu nhiên, Thanh Hóa thu được những kết quả đột phá từ công tác thu hút đầu tư trong những năm gần đây. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2016 đến nay, đã có 1.122 dự án đầu tư trực tiếp vào Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký 110.000 tỷ đồng và 3,85 tỷ USD. Trong đó, đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 8 cả nước, với 129 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,2 tỷ USD. Ngoài trọng điểm Nghi Sơn, các vùng kinh tế động lực của tỉnh Thanh cũng đang “chuyển mình” mạnh mẽ, với hàng loạt các dự án đầu tư trên các lĩnh vực liên tiếp được triển khai và đi vào hoạt động hiệu quả. Nhiều dự án đã hoạt động ổn định, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Long Sơn giai đoạn 1 và 2, Nhà máy Dầu ăn Nghi Sơn, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn, Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Cẩm Thủy I, đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, đường Hồ Xuân Hương và dự án không gian ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương (TP Sầm Sơn), khu hàng không dân dụng - Cảng Hàng không Thọ Xuân, Nhà máy Điện mặt trời Yên Thái... Thanh Hóa, hiện đang sở hữu dự án đầu tư FDI có nguồn vốn lớn nhất cả nước, nhiều dự án quy mô hàng tỷ USD và hứa hẹn thêm nhiều dự án tầm cỡ khác đang được nhà đầu tư quan tâm khảo sát.

Những thành quả trong công tác thu hút đầu tư thời gian qua, đã mang lại “quả ngọt” cho phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Tốc độ tăng trưởng kinh tế - GRDP giai đoạn 2016 - 2019 của Thanh Hóa đạt 12,6%, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hàng năm 12,3%. Đặc biệt, năm 2019 tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay. Toàn tỉnh có gần 16.000 DN đang hoạt động, minh chứng cho sự thuận lợi trong điều kiện gia nhập thị trường và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020, ngoài đánh giá cao những tiềm năng về vùng đất, con người xứ Thanh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và môi trường kinh doanh tại Thanh Hóa. Trong đó, minh chứng cụ thể là chỉ số PCI của tỉnh đang “đi lên” bền vững. Thanh Hóa cũng là địa phương đầu tiên trong nước tạo “tiền lệ” tiếp DN hàng tháng. Đặc biệt, ông đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thanh, khi là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai Hội nghị Xúc tiến đầu tư ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế tại Việt Nam. Thành quả 34 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 15 tỷ USD, đã đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về thu hút đầu tư của cả nước. Với sự “nhập cuộc” của những nhà đầu tư tiềm lực tốt trong và ngoài nước, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... khả năng hiện thực hóa 15 tỷ USD ở chiến dịch thu hút đầu tư này được đánh giá rất khả thi.

Là một trong những nhà đầu tư lớn và thành công tại Thanh Hóa, Tập đoàn FLC đánh giá: Sự năng động trong cải cách thể chế và công tác quy hoạch đồng bộ, chiến lược đầu tư hạ tầng kết nối là những điều kiện thuận lợi dẫn đến thành công của DN. Từ những thành quả trong phát triển kinh tế hiện nay, sẽ tạo thế và lực để FLC cũng như nhiều nhà đầu tư khác tiếp tục lựa chọn Thanh Hóa là điểm dừng chân lý tưởng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất lựa chọn định hướng không gian, lãnh thổ và phát triển các ngành, lĩnh vực theo mô hình 4 - 5 - 6 - 6. Trong đó, 4 trung tâm kinh tế động lực, đó là: TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn; Khu Kinh tế Nghi Sơn; Bỉm Sơn - Thạch Thành; Lam Sơn - Sao Vàng. 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. 6 hành lang kinh tế kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và nước bạn Lào. 6 vùng liên huyện, làm cơ sở lập các quy hoạch, bố trí hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội dùng chung hiệu quả hơn cho từng vùng.

Với quan điểm: “Thành công của DN cũng chính là thành công của tỉnh”, Thanh Hóa khẳng định quan điểm nhất quán và cam kết sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh luôn thực hiện “2 đồng hành” và “3 cam kết”, đó là: Đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư. Khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm sẽ tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện “Ba cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cùng với các ngành duy trì lịch tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN. UBND tỉnh cũng đang phấn đấu trong năm 2020, việc xử lý văn bản, hồ sơ công việc, thủ tục hành chính của hệ thống chính quyền từ tỉnh đến xã được thực hiện trong môi trường điện tử, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân và DN.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]