(Baothanhhoa.vn) - Đối với tôi, tháng 7 năm nào cũng man mác gợi buồn. Lòng người cứ mênh mang mãi trong những câu hát về một thời khói lửa chiến tranh, về những người đã sống và chiến đấu anh dũng để bảo vệ bình yên cho quê hương, đất nước; về sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ mà cao cả của những người mẹ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi ấy con tìm về

Đối với tôi, tháng 7 năm nào cũng man mác gợi buồn. Lòng người cứ mênh mang mãi trong những câu hát về một thời khói lửa chiến tranh, về những người đã sống và chiến đấu anh dũng để bảo vệ bình yên cho quê hương, đất nước; về sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ mà cao cả của những người mẹ.

Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Ảnh: Thảo Nguyên

Đi giữa những ngày tháng 7 nắng như ai đổ lửa, trên ngọn đồi Cánh Tiên yên bình soi bóng bên dòng sông Mã, những người con xứ Thanh và từ mọi miền khác nữa chẳng ai bảo ai mà cùng nhau tìm về Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), thắp một nén hương trầm thay lời tri ân sâu sắc tới gần 6 vạn người con ưu tú của mảnh đất xứ Thanh đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và 4.424 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng “biết hy sinh mà chẳng nói nhiều lời”.

Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa là công trình trọng điểm nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Hàm Rồng chiến thắng (3 và 4-4-1965 – 3 và 4-4-2010) với tổng diện tích xây dựng các hạng mục là 150.000m2, gồm 16 hạng mục theo kiến trúc đền thờ truyền thống: Cổng tứ trụ, cổng tam quan, bia tri ân, hồ bán nguyệt, đền thờ chính, tháp tụ linh, gác chuông, gác trống và một số công trình phụ trợ khác như: Khu dịch vụ, nhà đón tiếp, sân đường nội bộ, chòi nghỉ... Công trình không chỉ góp phần làm đẹp thêm cảnh quan, đa dạng các loại hình du lịch văn hóa – lịch sử của Hàm Rồng nói riêng và Thanh Hóa nói chung mà trên hết, nó là một điểm đến mang ý nghĩa giáo dục, nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và khơi dậy truyền thống cách mạng vẻ vang của nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cũng như của cả nước. Chính vì những ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn ấy, hằng năm, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ của tỉnh đón hơn 10.000 lượt khách từ khắp mọi miền đất nước về tham quan, dâng hương và trồng cây lưu niệm.

Ai đã từng đến với Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa hẳn đều có thể dễ dàng cảm nhận được tâm huyết, tấm lòng của những người xây dựng công trình thể hiện trong sự chau chuốt, tỉ mỉ từng khối kiến trúc của đền. Ngay từ những bước chân đầu tiên khi đặt chân tới đền, cổng tứ trụ thay lời chào thân mật, gần gũi, dẫn ta về với vòng tay mẹ ấm áp, bao dung. Cổng tứ trụ gồm 4 cột trụ sắp thẳng hàng được tạo theo kiểu cột “chân quỳ dạ cá” – một dạng trụ thường thấy trong các kiến trúc đền, chùa ở nước ta. Cột được ghép bằng đá xanh đục chạm tinh tế với đỉnh hai cột chính gắn biểu tượng “hổ phù phượng réo”, đỉnh cột phụ gắn biểu tượng “nghê chầu”. Ngoài cổng tứ trụ, đền còn có cổng tam quan – cổng chính để lên đền. Đây được xem như ranh giới giữa không gian tâm linh phía bên trong đền và không gian thực tại đang diễn ra dưới chân đồi. Cổng tam quan được thiết kế kiểu cột trụ, vì kèo lợp mái. Ngôn ngữ kiến trúc dân gian truyền thống với bộ vì có quá giang, kỷ bẩy; mái có rui, mè, hoành tải, xà nóc, lợp ngói, sống mái có gắn đầu đao, đầu mái gắn kìm nóc, chân mái có diềm uốn cong vuốt theo đầu đao.

Đi qua cổng tam quan, bia tri ân hiện ra ngay tầm mắt. Bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối theo hình thức cuốn thư, hai mặt bia ghi tạc tấm lòng của những người con xứ Thanh trước sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ. Tấm bia khắc sâu dòng chữ: “Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đời đời ghi nhớ công ơn các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa”. Khẽ đưa tay chạm vào từng nét chữ, từng nét chạm trổ hổ phù và mây cuộn khéo léo trên mặt bia, tôi bất giác thấy mình như đã chạm được vào nỗi đau, sự mất mát của cả dân tộc. Người ta vẫn thường nhắc nhở nhau về sự tha thứ và tri ân bằng một câu nói rất hay rằng: Hãy viết những hận thù lên cát để bọt biển mang chúng đi thật xa. Và hãy khắc sâu lòng biết ơn của mình lên đá để tô đẹp lên đó bằng những dấu vết của thời gian. Phải chăng, tấm bia tri ân có mặt tại Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa này vì những ý nghĩa nhân văn, chân thành nhất mực như thế?

Những cảm xúc được gợi lên khi đứng trước tấm bia tri ân bỗng trở nên mênh mang, dịu mát khi rảo bước qua hồ bán nguyệt trước cửa đền thờ chính. Hồ có cây cầu nhỏ uốn cong bắc qua, mặt hồ kết hợp đài sen phun nước như tô vẽ thêm nét đẹp cảnh quan chốn cửa đền. Đáy hồ không láng bê tông khô cứng mà giữ lại nền đất tự nhiên với ý niệm ca ngợi sự hòa hợp, giao thoa giữa âm dương, đất trời. Gác chuông, gác trống được xây dựng theo hình thức đối xứng khiến tổng quan kiến trúc của đền thêm phần sinh động. Gác có 4 trụ lớn đỡ mái dốc, sống mái gắn đầu đao dạng đơn giản, mái lợp ngói mũi hài, nền lát đất nung, trên bề mặt có khắc chữ THỌ nhằm ca ngợi sự trường tồn, vĩnh cửu. Bước trên từng con chữ ấy, tôi mỉm cười. Biết bao nhiêu thế hệ người nhọc công mơ về một chữ THỌ như thế trong cuộc đời mình nhưng mấy ai biết được rằng, đôi khi, những điều tưởng như xa vời lại gần sát bên ta tới vậy. Cuộc sống này vốn dĩ cũng rất công bằng: Có chịu mất đi thì mới mong nhận lại được và chỉ có sự hy sinh, mất mát cao cả mới chứa đựng được sự trường tồn, vĩnh cửu – giống như cái cách mà biết bao thế hệ người đã, đang và sẽ nhắc nhớ mãi về những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, vĩnh viễn gửi gắm lại thân mình trên con đường đi tới độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Loanh quanh trong những bộn bề cảm xúc, bước chân đã dừng ở cửa đền thờ chính tự lúc nào. Đây được xem là linh hồn của tổng thể kiến trúc ngôi đền, quy mô xây dựng lớn nhất với tổng diện tích là 2.410m2. Trong đó, diện tích chính điện là 1.309 m2, diện tích mái phủ là 2.718m2. Lối vào đền chia theo 3 hướng. Hướng chính (hướng Nam) gồm 5 cửa và hai hướng phụ bố trí hai bên (hướng Đông và hướng Tây) cửa đền. Lan can các lối dẫn lên đền từ các hướng đều gắn rồng đá, lối lên ở cửa chính được phân 3 làn. Đền thờ chính có 3 gian thờ: Chính giữa là gian thờ Tổ quốc, bên tay phải là gian thờ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, bên trái là gian thờ các anh hùng liệt sĩ. Ngoài ra, bày trí xung quanh 3 gian thờ chính là 27 ban thờ các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tương ứng với 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Bỏ qua những cuộc dạo chơi, vãn cảnh hời hợt, nếu ai đã ghé thăm đền thờ chính một lần đều không giấu nổi trong lòng mình một chút nghẹn ngào, chua xót nương theo dòng cảm xúc mà đọng lại nơi khóe mắt. “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt”! Là máu thịt nơi cuống rốn ta chôn dưới lòng đất mẹ từ thuở lọt lòng. Là máu xương cha anh ta đã dâng hiến không tiếc thân mình. Là nước mắt người mẹ hiền lăn dài trên đôi gò má vì nỗi niềm đau đáu chờ con. Tất cả đã hòa vào làm một, là những mảnh ghép không thể tách rời làm nên Tổ quốc linh thiêng như chúng ta có hôm nay. Sự hy sinh của các mẹ, các anh đã làm nên dáng hình Tổ quốc, để cuối cùng những con người ấy lại trở về trong lòng mẹ Tổ quốc bao la.

Tôi đã tìm về với anh linh mẹ và các anh trong một ngày ngổn ngang xúc cảm như thế. Ngồi nghỉ chân bên tháp tụ linh nơi Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, tôi như cảm nhận được những mạch nguồn của hồn thiêng sông núi, của truyền thống lịch sử dân tộc vẻ vang, của hào khí xứ Thanh tự ngàn đời hun đúc mà thành. Trên mảnh đất linh thiêng này, anh linh mẹ và các anh sẽ mãi dõi theo, che chở cho các thế hệ người xứ Thanh trên con đường kiến tạo tỉnh nhà, kiến tạo non sông đất nước. Văng vẳng đâu đây trong từng vạt nắng vàng óng ả, tôi lặng nghe những câu hát vọng về từ đất mẹ: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im”.


Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]