(Baothanhhoa.vn) - Hòa bình lập lại, cùng “chia lửa” với tiền tuyến miền Nam, hậu phương miền Bắc luôn “chắc tay súng, vững tay cày”, vừa xây dựng XHCN, vừa đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Thời kỳ ấy, Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất... là những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi lan tỏa toàn miền Bắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ngọn cờ đầu...

Hòa bình lập lại, cùng “chia lửa” với tiền tuyến miền Nam, hậu phương miền Bắc luôn “chắc tay súng, vững tay cày”, vừa xây dựng XHCN, vừa đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Thời kỳ ấy, Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất... là những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi lan tỏa toàn miền Bắc.

Những ngọn cờ đầu...Bác Hồ về thăm HTX Yên Trường tháng 12-1961. Ảnh: Tư Liệu

Vinh hạnh và may mắn, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với một “nhân chứng sống” - Nhà giáo Ưu tú Trần Văn Nởi, nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 1 Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Công tác tại trường từ năm 1960-2001, thầy Nởi là giáo viên kiêm tổng phụ trách đội rồi bí thư chi đoàn, hiệu phó và hiệu trưởng nhà trường đến lúc về hưu. Hơn 80 tuổi, Nhà giáo Ưu tú Trần Văn Nởi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Bồi hồi lần giở những hồi ức một thời không thể nào quên, thầy Nởi xúc động: “Tự hào vô cùng, khi cả cuộc đời tôi được gắn bó và cống hiến dưới mái trường này. Nhà trường lúc ấy đã khởi xướng nhiều phong trào thi đua sôi nổi, như: “Chị hiền, anh tốt”, vận động, cổ vũ nam nữ thanh niên tham gia dựng trường, đào hầm, hào tránh bom Mỹ để cho các em đến lớp an toàn”; phong trào “Tiếng trống chất lượng ban đêm” - thầy cô đi động viên các em học sinh học bài vào buổi tối tại gia đình; phong trào “điểm 10 thắng Mỹ”; “Lấy cần cù bù khả năng”; “Vườn cây tương lai”; “Một kế hay bằng ngàn tay lao động”; các phong trào tăng gia sản xuất... Những phong trào này đã thổi bùng nhiệt huyết, cổ vũ tinh thần hăng say học tập, lao động. Thời ấy, thầy trò cùng đội mũ rơm đến trường. Thanh niên thức xuyên đêm đào hào, đắp hầm vì những mầm non lớn lên trong lửa đạn”.

Lịch sử phát triển và sổ vàng Trường cấp 1 Hải Nhân còn ghi rõ: Năm 1964, tỉnh Thanh Hóa tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong ngành giáo dục, Trường cấp 1 Hải Nhân đã được Bộ Giáo dục công nhận là lá cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước cấp 1 toàn miền Bắc.

Giai đoạn 1965-1975, trong bối cảnh miền Bắc bị giặc Mỹ bắn phá, Hải Nhân trở thành trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ. Luôn quyết tâm bảo đảm an toàn cho thầy và trò, Đảng bộ và Nhân dân xã Hải Nhân đã dựng 24 lán học mọc lên trong lũy đất, 10.000 mét hào giao thông, vài trăm hầm hố chống bom đạn để bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường. Cùng với không khí cả nước lên đường đánh thắng giặc Mỹ, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, thầy cô, học sinh Hải Nhân lấy lớp học làm chiến hào, lấy sách bút làm vũ khí, thi đua cùng tiền tuyến chiến đấu. Tiếng trống trường vẫn vang ngân trong bom đạn lạc. Hàng chục học sinh của trường đạt danh hiệu học sinh giỏi các môn văn hóa của tỉnh, của miền Bắc. Nhiều học sinh được Bác Hồ gửi thư khen. Hàng trăm dũng sĩ diệt máy bay bằng điểm 10 xuất hiện. Phòng truyền thống nhà trường hôm nay, vẫn còn trân trọng lưu giữ lẵng hoa Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng năm 1971, cờ luân lưu khá nhất do Chính phủ trao tặng cùng nhiều phần thưởng cao quý.

Những ngọn cờ đầu...

Cô giáo và học sinh Trường cấp 1 Hải Nhân đến trường thời kỳ giặc Mỹ bắn phá miền Bắc. Ảnh: Tư Liệu

Thời đó, hiệu trưởng Nguyễn Văn Huê - người khởi xướng các phong trào thi đua đã được Bác Hồ trực tiếp gặp gỡ, động viên, khen ngợi. Bác đề nghị ngành giáo dục nhân rộng những tấm gương như thầy Huê và kinh nghiệm dạy, học tại Hải Nhân. Thầy giáo Nguyễn Văn Huê cũng là một trong những người đầu tiên của ngành giáo dục nước nhà được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Tài liệu do gia đình cố nhà giáo – Anh hùng Lao động lưu giữ có một bài báo viết rằng, trong một lần đến thăm Hải Nhân, nhà báo nổi tiếng người Australia Wilfred Burchett - một người bạn thân thiết của Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã dành những ngôn từ tốt đẹp nhất để bày tỏ thái độ khâm phục, ngưỡng mộ thầy giáo Nguyễn Văn Huê. Wilfred Burchett cho rằng, thành tựu giáo dục đạt được ở Hải Nhân dưới sự tổ chức của thầy Huê trong những năm tháng gian khổ ấy là điều kỳ diệu, vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người...

Cũng trong thời kỳ này, các phong trào thi đua lao động sản xuất trên địa bàn tỉnh được Nhân dân tích cực hưởng ứng, đạt được thành tích nổi bật. Tỉnh ta có nhiều điển hình thi đua tốt, như: HTX cơ khí Thành Công (TP Thanh Hóa) là lá cờ đầu của ngành tiểu thủ công nghiệp miền Bắc; 15 đơn vị trong ngành công nghiệp và các ngành khác được Chính phủ công nhận là tổ, đội lao động XHCN, đã nêu những tấm gương khắc phục khó khăn, thường xuyên phấn đấu hoàn thành mọi chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước. Các HTX Yên Trường (Yên Định), HTX Đông Phương Hồng, HTX Thắng Lợi (Thọ Xuân)... và nhiều HTX khác đã nêu cao tính ưu việt của tổ chức làm ăn tập thể, đạt nhiều thành tích trong cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất. Các xã Quảng Hải (Quảng Xương), Cẩm Sơn (Cẩm Thủy) đã thu nhiều kết quả tốt đẹp trong phong trào chăn nuôi. Nhiều cán bộ “4 tốt” đã xuất hiện trong cuộc vận động xây dựng Đảng.

Được phong là ngọn cờ “Gió Đại Phong” của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp, HTX Yên Trường (Yên Định) đã vinh dự được Bác Hồ về thăm ngày 11-12-1961. Kể từ khi cải cách ruộng đất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, HTX Yên Trường đã bắt tay ngay vào việc cải tạo đồng ruộng, làm phân bón, làm thủy lợi. Trong 2 năm (1960 - 1961), HTX đã đào đắp hàng vạn mét khối đất và tham gia công trình thủy nông Nam sông Mã. Xây dựng hệ thống tưới tiêu, tạo điều kiện cho thâm canh, tăng năng suất, tăng vụ và cơ giới hóa đồng ruộng. Về thăm cán bộ, xã viên HTX, Bác đã tặng Huy hiệu của Người cho 3 xã viên có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất. Bác cũng ân cần căn dặn mọi người không ngừng đẩy mạnh “thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, làm đúng mọi nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho”, “làm cho toàn dân, già trẻ, gái trai được ăn no mặc ấm, được học hành”. Như lời hứa với Bác, 3 tháng sau ngày Bác về thăm, Nhân dân Yên Trường được Bác Hồ tặng 1 chiếc máy cày. Nhờ có máy, hàng trăm ha đất hoang hóa được vỡ hoang đưa vào sản xuất, góp phần tăng nhanh sản lượng lương thực của xã.

Còn tại HTX Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải (Thọ Xuân), được thành lập năm 1958, đơn vị đã quy tụ nông dân vào HTX, mở rộng diện tích canh tác, thâm canh tăng vụ, đẩy mạnh các phong trào làm phân chuồng, phân xanh, bùn ao, áp dụng khoa học - kỹ thuật, cải tiến nông cụ để nâng cao sản lượng lúa và hoa màu, cải thiện đời sống xã viên. Đặc biệt, trong những năm 1963-1964, thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp, HTX Đông Phương Hồng đã được chuyển đổi từ bậc thấp lên bậc cao. Đơn vị đã cải tiến hệ thống thủy lợi, tưới tiêu khoa học, đắp bờ vùng, bờ thửa, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, thay vụ chiêm bằng lúa vụ xuân, thêm vụ màu, mở rộng vụ đông, tích cực phòng trừ sâu bệnh, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng. HTX Đông Phương Hồng đã được bác học Lương Định Của chọn làm điểm chỉ đạo sản xuất các giống lúa mới để nhân rộng trên địa bàn nhiều tỉnh. Trong phong trào sản xuất ở Đông Phương Hồng, đã có nhiều điển hình tiên tiến được biểu dương, tạo sức lan tỏa. Điển hình như “kiện tướng bèo dâu” Nguyễn Thị Bảy - “người phụ nữ tài năng” đã được phong là “con chim đầu đàn” của HTX Đông Phương Hồng thuở ấy.

Ở tuổi 74, bà Bảy “bèo dâu” vẫn vô cùng hào hứng khi kể về “một thời tuổi trẻ” cùng phong trào sản xuất ở HTX thời kỳ ấy. Làm đội trưởng kỹ thuật từ năm 1963, bà Bảy phụ trách dự án cải tạo bãi cát trắng thành bãi dâu để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, rồi tổ trưởng phụ trách nuôi bèo hoa dâu của HTX. Sáng kiến nuôi bèo hoa dâu bón lúa, bón khoai của bà Bảy đã được phổ biến và nhân rộng thành phong trào toàn miền Bắc. Trong thư khen của Bác Hồ ngày 2-3-1966 gửi HTX Đông Phương Hồng, Bác viết: “Trong mấy năm qua, Đông Phương Hồng đã cố gắng xây dựng tốt HTX, áp dụng kinh nghiệm sản xuất tiên tiến cho nên đã đạt năng suất lúa khá cao. Năm 1965, năng suất lúa cả năm đạt 6,6 tấn/ha. Do đó, đời sống xã viên được cải thiện, HTX đã bán thóc theo giá khuyến khích cho Nhà nước nhiều hơn năm 1964. Như vậy là tốt. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các xã viên và cán bộ Đông Phương Hồng đã ra sức thi đua tăng năng suất...”.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI được diễn ra vào tháng 7-1963, bên cạnh biểu dương những điển hình, nhân tố mới trong phong trào thi đua xây dựng XHCN, Đại hội kêu gọi các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và thanh niên, công nhân, nông dân, xã viên các HTX tiếp tục phát huy thành quả, mở rộng phong trào thi đua, làm nảy nở nhiều hơn đơn vị tiên tiến, ra sức tăng gia, thi đua sản xuất, học tập, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam tiến lên giành thắng lợi...

Hằng Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]