(Baothanhhoa.vn) - Từ trong mưa bom bão đạn, nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam được dệt nên bởi máu, nước mắt, nỗ lực, cố gắng của biết bao thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh, thể hiện ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực, hoạt động, sự kiện... Trong đó, những bức thư của Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam gửi động viên, cổ vũ nhau xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước là minh chứng hùng hồn, thuyết phục cho nghĩa tình sâu nặng, thủy chung ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những dòng thư chan chứa nghĩa tình

Từ trong mưa bom bão đạn, nghĩa tình Thanh Hóa - Quảng Nam được dệt nên bởi máu, nước mắt, nỗ lực, cố gắng của biết bao thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh, thể hiện ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực, hoạt động, sự kiện... Trong đó, những bức thư của Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam gửi động viên, cổ vũ nhau xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước là minh chứng hùng hồn, thuyết phục cho nghĩa tình sâu nặng, thủy chung ấy.

Những dòng thư chan chứa nghĩa tình

Công viên Hội An – nơi nhắc nhớ về tình cảm gắn bó, keo sơn giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Quảng Nam.

“Viết thư này lòng chúng tôi rất phấn khởi nghĩ đến miền Bắc thân yêu đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa thần kỳ với chiếc hài vạn dặm, đang lớn lên như Phù Đổng Thiên vương. Qua Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, hàng ngày chúng tôi đều nhận được những tin tức xây dựng của miền Bắc và của Thanh Hóa ruột thịt”... Đây là đoạn trích trong bức thư thể hiện niềm tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng thuộc về nhân dân chúng ta, Mỹ - Diệm nhất định bị thất bại thảm hại, đăng trên “Báo Thanh Hóa đổi mới”, số 139, ngày 16–7–1963 của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Nam gửi cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa sau 3 năm kết nghĩa. Trong từng lời nhắn nhủ, động viên; trong từng dòng tin tức, sự kiện được chia sẻ, người đọc có thể cảm nhận được sự chân thành, quý mến, tin yêu, ăm ắp nghĩa tình sâu nặng: “Ba năm kết nghĩa Quảng Nam – Thanh Hóa là 3 năm siết chặt mối tình ruột thịt, mối tình đồng chí và cán bộ nhân dân 2 tỉnh ta... Chúng tôi hiểu rằng Thanh Hóa là một tỉnh lớn, người đông và giàu có về nông nghiệp. Mấy năm nay, Thanh Hóa bị thiên tai uy hiếp nặng nề nhưng cán bộ và nhân dân trong tỉnh Thanh đã phấn đấu bền bỉ và dũng cảm. Những thắng lợi mà nhân dân Thanh Hóa đạt được trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước về các mặt công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa giáo dục là nguồn cổ vũ rất lớn cho nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Chúng tôi vô cùng phấn khởi, coi đó là những thắng lợi của chính mình”.

“Ngoài mối tình ruột thịt Bắc – Nam chúng ta cùng chung một lý tưởng, cùng gắn bó với nhau bằng những sợi dây liên hệ thần kỳ của mối tình đồng chí” – Đó là tinh thần đã được Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng khẳng định trong bức thư gửi Tỉnh ủy Thanh Hóa (ngày 15–4–1963). Bởi vậy, để nêu cao hơn nữa mối tình đồng chí keo sơn, bền chặt, giữa lúc miền Nam đang ra sức giết giặc lập công; miền Bắc đang sôi nổi trong cao trào lao động sản xuất với khí thế thi đua “mọi người đến làm việc, làm việc với năng suất lao động và hiệu suất công tác cao”, nhân dịp tết đến xuân về, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã gửi thư chúc tết cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tỉnh Quảng Nam. Nội dung bức thư kêu gọi nhân dân tỉnh Thanh Hóa “đem hết nhiệt tình cách mạng của mình”, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với tiền tuyến và hăng hái trong lao động sản xuất; “hướng mọi suy nghĩ, mọi tình cảm, mọi hành động, mọi sức lực về miền Nam anh hùng và Quảng Nam ruột thịt”... Từ đó, “tiến tới hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1970, bảo đảm nhiệm vụ chi viện nhanh nhất, nhiều nhất, kịp thời nhất cho tiền tuyến, làm tròn nghĩa vụ đối với cả nước, góp phần giải phóng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Mối tình Thanh – Quảng tựa hồ như “đôi bạn cùng tiến”, luôn biết đồng hành, san sẻ cho nhau trong mọi nỗi vui – buồn. Khi lắng lòng đọc lại nội dung các bức thư, bức điện của Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh động viên, cổ vũ nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ, cứu nước mới thấu hiểu hết nghĩa tình sâu nặng, trong sáng nhất mực giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam. Họ đau đáu một nỗi niềm rất chung. Và họ vui sướng, tự hào về thành công của người bạn kết nghĩa với tất cả sự chân thành, trân trọng. Ví như cái cách mà lực lượng vũ trang Thanh Hóa gửi thư chúc mừng chiến thắng sân bay Đà Nẵng: “Chúng tôi vô cùng phấn khởi được tin đêm ngày 30 tháng 6, rạng ngày 1 tháng 7 các đồng chí đã anh dũng và mưu trí tấn công sân bay Đà Nẵng, một sân bay chiến lược quan trọng của đế quốc Mỹ có 9.000 quân lính đóng giữ, tiêu diệt 30 máy bay phản lực của đế quốc Mỹ gồm các loại: C130, F120 v.v... giết chết 100 tên xâm lược Mỹ” (“Báo Thanh Hóa đổi mới”, số 346 ngày 16-7–1965). Nhân dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2–9 (năm 1965), cán bộ và đồng bào tỉnh Thanh Hóa đã gửi thư cho cán bộ và đồng bào tỉnh Quảng Nam thể hiện niềm vui mừng, tự hào to lớn với “chiến thắng vang dội của quân dân Quảng Nam trong các trận tiêu diệt địch ở Mộc Bài, núi Thành – An Tân, Bình Giang, Bình Sá... Trận đánh mìn vào tàu đổ bộ LST ở vùng Đà Nẵng, đánh phá sân bay An Tân, đốt phá hơn 20 triệu lít xăng dùng cho máy bay phản lực Mỹ ở Liên Chiếu... đã làm cho không chỉ tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa mà nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, bạn bè khắp năm châu mát lòng hả dạ đồng thời làm cho kẻ địch bạt vía, kinh hồn”. Nghĩa tình Thanh Hóa – Quảng Nam được xây dựng dựa trên tinh thần cách mạng trong sáng, tình đồng chí vững bền; cả hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam luôn coi thành tích của đối phương như nguồn động lực, sức mạnh để học hỏi, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện: “Chiến thắng của các đồng chí và đồng bào, chiến thắng của miền Nam đã động viên, cổ vũ quân dân Thanh Hóa chúng tôi càng hăng hái, dũng cảm, tạo nên những chiến thắng mới trên mặt trận sản xuất và chiến đấu”. Có lẽ vì thế nên trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển, “đôi bạn ấy” vẫn luôn “siết chặt tay nhau” tiến về phía trước, cùng nhau gặt hái nhiều chiến công vang dội: “Nếu ở Thanh Hóa có những tấm gương sáng ngời, tinh thần chiến đấu dũng cảm như chị Ngô Thị Tuyển, sản xuất giỏi như chị Nguyễn Thị Khánh, Phạm Thị Vinh và có những bà má hết lòng thương yêu bộ đội, sẵn sàng hiến dâng con mình cho Tổ quốc như má Vy thì ở Quảng Nam cũng có rất nhiều phụ nữ đầy khí phách anh hùng và đầy tinh thần thao lược. Chị Trương Thị Đào, một nữ chỉ huy du kích đánh trăm trận trăm thắng, tiêu diệt hơn 100 tên địch. Chị L. ở Hòa Vang, vận động đấu tranh chính trị, bắt 20 tên giặc Mỹ phải quỳ gối nhận tội trước nhân dân chỉ vì chúng đã đốn hai cây chuối của đồng bào. Chị A., người dân tộc Kơ Tu một mình vừa nuôi 3 con nhỏ, vừa làm 7 sào lúa và 8.000 gốc sắn để nuôi bộ đội giải phóng. Má X. 78 tuổi đi đầu trong cuộc đấu tranh chính trị, tay cầm cành dương liễu, ra lệnh cho một đoàn xe M.13 của địch phải quay trở lại khi chúng định dày xéo lên ruộng lúa của đồng bào. Thật không thể nào kể hết những tấm lòng vì nước vì dân như vậy”... (thư của chị Trần Thị Vân gửi chị em phụ nữ Thanh Hóa, đăng trên “Báo Thanh Hóa đổi mới”, thứ 6 ngày 3–3-1967).

Tựa như dòng chảy của những dòng sông mạnh mẽ, kiên cường đổ về biển lớn, trải qua 60 năm chung tay xây dựng, vun đắp, gìn giữ bởi biết bao thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh, Thanh Hóa – Quảng Nam đã chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, góp phần dệt nên niềm tin, sức mạnh, nguồn động lực thôi thúc nhau tiến bước đi lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống Mỹ, cứu nước. Và ngày hôm nay đây, khi đất nước đã liền một dải; khi hai tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam đã và đang dốc sức cùng dân tộc thực hiện những nhiệm vụ mới thì nghĩa tình ấy vẫn luôn được gìn giữ, nêu cao trong suốt chiều dài lịch sử: “Nhớ những đêm mưa dầm, chiến hào chia lửa, hầm tối chia cơm, giọng Thanh hòa giọng Quảng. Thương bao ngày nắng đốt, hạt gạo cắn đôi, viên thuốc bẻ hai, sông Mã tiếp sông Thu”. Từ đó, các thế hệ cháu con hôm nay thấu hiểu hơn giá trị to lớn, ý nghĩa sâu sắc, truyền thống tốt đẹp của cha anh, nỗ lực cùng nhau vun đắp cho nghĩa tình càng thêm bền chặt, gắn bó; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thanh Hóa – Quảng Nam trở thành hình mẫu trong nghĩa tình đồng chí, anh em.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]