(Baothanhhoa.vn) - Trên mảnh đất xứ Thanh này, có nơi nào mà không ghi tạc dáng hình ngọn núi hay dòng sông. Chẳng thế mà khi dụng công nghiên cứu, tìm hiểu về mạch nguồn văn hóa xứ Thanh ở nhiều góc độ, phương diện khác nhau thì vẻ đẹp, vai trò, vị trí của những dòng sông luôn là điều bất biến. Sông Mã, sông Chu, sông Yên, sông Hoạt... và vô số những phụ lưu khác nữa đời đời hiến dâng cho mảnh đất xứ Thanh dòng nước mát lành, chở nặng phù sa bồi tụ nên xóm, nên làng ấm no trù phú, góp phần dệt nên diện mạo và bản sắc văn hóa xứ Thanh tươi đẹp, khả ái như ngày nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những dòng sông quê hương

Trên mảnh đất xứ Thanh này, có nơi nào mà không ghi tạc dáng hình ngọn núi hay dòng sông. Chẳng thế mà khi dụng công nghiên cứu, tìm hiểu về mạch nguồn văn hóa xứ Thanh ở nhiều góc độ, phương diện khác nhau thì vẻ đẹp, vai trò, vị trí của những dòng sông luôn là điều bất biến. Sông Mã, sông Chu, sông Yên, sông Hoạt... và vô số những phụ lưu khác nữa đời đời hiến dâng cho mảnh đất xứ Thanh dòng nước mát lành, chở nặng phù sa bồi tụ nên xóm, nên làng ấm no trù phú, góp phần dệt nên diện mạo và bản sắc văn hóa xứ Thanh tươi đẹp, khả ái như ngày nay.

Những dòng sông quê hương

Vẻ đẹp sông Mã nhìn từ ngôi đền thiêng – Đền Đồng Cổ. Ảnh: N.L

Ai đó đã từng đưa ra nhận định sâu sắc về mối quan hệ giữa những con sông với việc hình thành, kiến tạo của các nền văn hóa, văn minh, đại ý: Con sông xứ sở dù lớn nhỏ, dài ngắn, dù thơ mộng, dạt dào, u trệ khô cằn hay... là gì đi nữa – nó vẫn mang trên mình những nền văn hóa văn minh. Sông mang hạt phù sa tô điểm cho những miền quê và làm thay đổi bao chuyện giữa cõi đời đậm chất nhân bản mà tự con người không thể thay thế được. Điều này hoàn toàn đúng khi soi chiếu vào mối tương quan giữa lịch sử hình thành và phát triển của dòng sông Mã với lịch sử hình thành và phát triển của các nền văn hóa cổ dọc đôi bờ sông. Được ví như món quà mà bà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng, sông Mã là hệ thống sông lớn nhất xứ Thanh, phạm vi bao trùm tới 4/5 diện tích toàn tỉnh. Phát nguồn từ tỉnh Điện Biên, ở độ cao 800 – 1.000m, chảy qua các tỉnh Sơn La (Việt Nam), Sầm Nưa (Lào) và chảy vào tỉnh ta tại khu vực huyện Mường Lát, xuôi về Bá Thước, Cẩm Thủy. Rời Cẩm Thủy khoảng 15km, sông Mã đi hẳn vào vùng đồng bằng thuộc các huyện: Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa... Dòng sông rộng hẳn ra, nước chảy ngày một hiền hòa hơn. Tại ngã ba Bông, sông Mã chia một phân lưu nhỏ là sông Lèn, còn một nhánh chính rẽ hẳn sang phải, tiếp tục đổ về biển. Cách biển khoảng 20km, chạy ven bên phải, sông gặp một dãy núi thấp. Ngay tại Hàm Rồng, sông Mã gặp núi Ngọc, núi Rồng, nó mở thêm một phân lưu nhỏ là sông Tào, chảy ra biển ở cửa Lạch Trường còn nhánh chính thì xuyên qua giữa núi Ngọc, núi Rồng. Đi khỏi hai dãy núi này, sông Mã mở rộng hẳn ra, xuôi về cửa Hới.

Dõi theo hành trình của dòng sông Mã từ khi còn là “con ngựa bất kham” dữ dội, kiêu hùng trên mạn thượng nguồn cho đến lúc khoan thai xuôi dòng, tình tứ nép mình bên thành phố trẻ, bất kỳ ai cũng dễ bị cuốn vào dòng suy nghĩ: Những địa danh mà sông Mã đi qua đều là những nơi mang đậm nét văn hóa đặc trưng, lưu lại nhiều vết tích của vùng đất cổ nơi con người tìm đến sinh sống quần tụ từ buổi sơ khai. Đặc biệt, dọc đôi bờ lưu vực sông Mã từng chứng kiến sự hình thành, phát triển và tỏa rạng của nhiều nền văn hóa tiêu biểu trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Phải chăng, chính phù sa sông Mã bồi tụ, lắng đọng qua hàng nghìn, hàng vạn năm đã làm nên cái danh giá của những vùng đất nơi dòng sông đi qua. Việc phát hiện ra dấu tích con người thời tối cổ tại núi Đọ (huyện Thiệu Hóa) được đánh giá là một trong các phát hiện lớn về khảo cổ học ở Việt Nam thập kỷ 60 (thế kỉ XX). Nhiều di vật bằng đá được khai quật như: Rìu tay, công cụ chặt thô, hạch đá, mảnh tước... mang dấu ấn của kỹ thuật ghè đẽo thô sơ của con người thời nguyên thủy. Tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu, trên nền phức hệ Đọ - Nuông – Yên, từ thời đại đá cũ đến hậu kỳ thời đại đá cũ và trải dài sang sơ kỳ thời đại đá mới, trong đằng đẵng thời gian, hang Con Moong (huyện Thạch Thành) xứng đáng là “bảo tàng” về diễn tiến của các nền văn hóa thời đại đồ đá ở Việt Nam. Lưu vực sông Mã không chỉ được nhắc đến như “cái nôi của người Việt cổ” mà sự xuất hiện của các di tích có chung đặc điểm, tính chất của di tích Đa Bút như: Núi Hến – Đa Bút (xã Vĩnh Tân, Vĩnh Lộc), làng Còng (Thạch Thành), cồn Cổ Ngựa (Hà Trung), gò Trũng (Hậu Lộc) đã đặt ra vấn đề về sự tồn tại và vị thế bản lề quan trọng của văn hóa Đa Bút thuộc thời đại đá mới giữa văn hóa Hòa Bình ở vùng chân núi, thung lũng và các văn hóa thời đại kim khí ở vùng châu thổ. Công cuộc khai phá, chinh phục châu thổ sông Mã vào buổi đầu của thời đại kim khí là một bản anh hùng ca được nhiều thế hệ chung sức viết nên, trong đó chủ nhân của nhóm di tích Cồn Chân Tiên là người khẳng định được kết quả ban đầu, tạo điều kiện quan trọng để người Đông Sơn tiếp tục phát triển vùng đất này với nền văn hóa Đông Sơn. Đây là đỉnh cao của văn minh thời dựng nước đầu tiên, vừa là cơ sở văn hóa vật chất cho sự ra đời của nhà nước Văn Lang, một quốc gia ra đời sớm ở vùng Đông Nam Á, vừa có ảnh hưởng lớn đến khu vực Đông Nam Á thời cổ.

Nếu ví dòng sông Mã như “dòng sông văn hóa”, lắng đọng trầm tích ngàn, vạn năm mà bồi tụ nên nền văn minh rực rỡ thì dòng sông Chu lại hiện diện trong tâm tưởng mỗi người như dòng sông ôm ấp bên mình miền ký ức làng quê thanh bình, no ấm gắn với những nông trường trù mật, lao động hăng say: “... Bái Thượng, Lam Sơn, núi Mục/ Ngô lúa tươi xanh, tiếng máy rộn ràng/ Xe chở mía vào nông trường hối hả/ Đàn trâu bò vẫn đủng đỉnh ven sông” – Sông Chu (Lê Xuân).

Tuy chỉ là phụ lưu của dòng sông Mã nhưng trên hành trình băng thác, vượt rừng từ miền Tây Bắc Sầm Nưa của nước bạn Lào, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, tới Mường Hinh (Nghệ An), chuyển thành hướng Tây Đông, chảy qua các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hóa rồi nhập vào sông Mã ở ngã ba Giàng, sông Chu đã tự mình khắc họa nên diện mạo với đời sống vật chất và tinh thần rất đẹp, rất riêng. So với toàn bộ sông Mã, rừng ở vùng này dày hơn, nhiều rừng già hơn. Nằm trong vùng của dãy núi nam sông Mã, gồm nhiều núi vào loại cao nhất tỉnh Thanh Hóa, được cấu tạo bởi nhiều loại đá khác nhau dẫn đến địa hình rất phức tạp. Vì lẽ đó nên mặc dù không có được sức vóc như dòng sông Mã nhưng dòng chảy của sông Chu đủ sức cõng trên lưng mình những công trình thủy điện, không chỉ đóng góp sản lượng điện nhằm đảm bảo cung ứng điện mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nét đẹp cảnh quan sinh thái, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và tỉnh nhà. Được người Pháp khởi công xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, đập Bái Thượng dài 160m, cao 20m bằng bê tông và một hệ thống kênh đào dài tổng cộng 110 km tưới tiêu cho khoảng 50.000 ha thuộc lưu vực sông Chu, trong đó có nhiều đồn điền trồng lúa, bông và cây công nghiệp của thực dân Pháp thời kỳ đó. Cũng nằm trên địa bàn huyện Thường Xuân, nơi thượng nguồn sông Chu, cách đập Bái Thượng khoảng 17 km về phía thượng lưu, hồ chứa nước Cửa Đạt có dung tích gần 1,5 tỷ m3 với Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt gồm 2 tổ máy phát điện thương mại có tổng công suất 97 MW, bổ sung nguồn cung cho lưới điện quốc gia trung bình khoảng 430 triệu kwh mỗi năm. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, mục đích nhằm tạo nguồn nước tưới ổn định cho gần 87.000 ha đất canh tác; đóng vai trò quan trọng vào việc cắt lũ, bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái; bổ sung nguồn điện, nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt; tạo điều kiện phát triển du lịch...

Mang trên mình sứ mệnh cao cả nơi vùng thượng, trung lưu, khi về đến hạ nguồn, hòa cùng đôi bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của cư dân, dòng nước mát lành ấy tiếp tục viết nên những trường ca lao động sản xuất hăng say, phản ánh khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống trong lịch sử hình thành và phát triển các làng nghề truyền thống dọc đôi bờ sông. Này đây làng nhiễu Hồng Đô (xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa) vốn đã nức tiếng xa gần, trong và ngoài nước với loại tơ mềm, bền, đẹp. Đôi bàn tay còn chưa thôi lưu luyến cảm giác êm ái, trơn mượt của những khối tơ, nhiễu Hồng Đô thì dòng nước sông Chu đã dẫn dụ con mắt say sưa, lấp lánh bởi các sản phẩm trống đồng được nghệ nhân làng đúc đồng xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) tạo tác với kỹ nghệ tinh xảo. Và cứ thế xuôi theo con nước, Chu giang dừng chân nơi ngã ba Giàng, hợp lưu với dòng Mã giang ra biển lớn, gửi lại nơi đây tấm chân tình của người làng cót mộc mạc, chân phương.

Đâu chỉ có sông Mã, sông Chu, xứ Thanh tươi đẹp còn có dòng cổ tích – Hoạt giang; dòng sông Yên quanh năm êm đềm nước chảy; một vùng non nước Lạch Bạng – Nghi Sơn... Kể sao cho hết chuyện đất, chuyện người, chuyện về những dòng sông. Chỉ biết được rằng, đắp đổi qua tháng năm, xuyên qua những đứt gãy địa chất và thăng trầm, biến bảo của lịch sử, đất – người – dòng sông đã hòa quyện vào với nhau trong một thực thể xứ Thanh hoàn chỉnh, chung và riêng, khác biệt nhưng không hề dị biệt. Để rồi, những người con của đất mẹ, dù có đi đâu về đâu, “trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình. Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ. Con sông tôi tắm mát. Con sông tôi đã hát. Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà” – Trở về dòng sông tuổi thơ (Hoàng Hiệp).

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong Địa chí Thanh Hóa, tập I, II).

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]