(Baothanhhoa.vn) - Từ nguồn hỗ trợ vốn sự nghiệp của Trung ương thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay nhiều mô hình phát triển sản xuất ở các địa phương trong tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả và từng bước được nhân rộng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Từ nguồn hỗ trợ vốn sự nghiệp của Trung ương thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay nhiều mô hình phát triển sản xuất ở các địa phương trong tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả và từng bước được nhân rộng.

Mô hình trồng cây cảnh và cây ghép quả của gia đình anh Lê Thanh Long, thôn 3, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Ngọc Anh

Xã Đông Hoàng (Đông Sơn) có nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây lúa và các cây trồng thuần túy khác, manh mún, không hiệu quả, nên đời sống người dân còn thấp. Năm 2017, xã đã thực hiện chuyển đổi 25 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Các mô hình chuyển đổi đã làm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM. Điển hình là 3 mô hình: Mô hình trồng cây cảnh và cây ghép quả với 5.000 cây các loại, trên diện tích 1,6 ha của hộ gia đình anh Lê Thanh Long ở thôn 3. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, giống, phân bón... hơn 3 tỷ đồng. Sau 1 năm thu được hơn 4.000 cây ghép (tỷ lệ đạt 85%), giá bán bình quân tại vườn 1 triệu đồng/cây, doanh thu mỗi năm ước đạt hơn 4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng. Mô hình nuôi cá trắm ốc thương phẩm của hộ gia đình anh Hồ Sỹ Lương ở thôn 1 có quy mô 10.000m2, gồm 2 ao nuôi với 3.300 con. Sau 18 tháng nuôi thu được 13,44 tấn, giá bán 100.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được hơn 400 triệu đồng/năm. Mô hình chăn nuôi, sản xuất giống gia cầm thương phẩm tại thôn 11 với tổng số 10 máy ấp trứng, vịt gốc ban đầu 2.000 con. Sau một năm, lượng con giống sản xuất được hơn 133.000 con, giá bán 14.200 đồng/con, lợi nhuận thu được hơn 300 triệu đồng/năm.

Tại huyện Hoằng Hóa đã thực hiện 100 mô hình phát triển sản xuất với tổng kinh phí được hỗ trợ gần 9 tỷ đồng, trong đó ưu tiên lựa chọn các mô hình chăn nuôi và thủy sản. Các xã đã quy hoạch đất để phát triển trang trại, giảm thiểu chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, manh mún tại hộ gia đình. Nhiều trang trại đã chủ động kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người chăn nuôi. Điển hình như: Mô hình chăn nuôi lợn thịt ngoại quy mô 3.000 của gia đình ông Kiên, xã Hoằng Sơn cho thu nhập bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm; trang trại chăn nuôi gà của bà Lan, ông Thiết xã Hoằng Thịnh cho thu nhập từ 600-700 triệu đồng/năm... Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho các chủ trang trại ở các xã Hoằng Phụ, Hoằng Thanh, Hoằng Trường, Hoằng Yến.

Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh phân bổ, huyện Ngọc Lặc đã hỗ trợ các xã XDNTM từ 100-150 triệu đồng/xã/năm. Nhờ làm tốt khâu chọn điểm, chọn hộ và chọn mô hình thực hiện, người dân đã được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi phương thức theo hướng chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang hàng hóa tập trung, gắn với bao tiêu sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình rau ở các xã Thúy Sơn, Ngọc Khê quy mô 4 ha, cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng/ha/năm; Mô hình trồng dứa tại các xã Cao Thịnh, Ngọc Trung, Lam Sơn, Lộc Thịnh... với tổng diện tích gần 500 ha, cho thu nhập bình quân 120-140 triệu đồng/ha/năm; mô hình sắn dây tại các xã Quang Trung, Ngọc Liên, Ngọc Sơn... với tổng diện tích 120 ha, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha/năm... Để từng bước đưa sản xuất phát triển theo hướng gia trại, trang trại, năm 2017 huyện đã hỗ trợ 15 xã với 27 hộ tham gia chủ yếu là xây dựng các mô hình gia trại, trang trại vườn rừng và chăn nuôi. Đến nay, huyện đã có 12 trang trại đạt tiêu chí được cấp giấy chứng nhận và 111 gia trại hoạt động hiệu quả.

Năm 2017, tỉnh đã phân bổ hơn 37 tỷ đồng vốn sự nghiệp của Trung ương cho 27 huyện, thị xã, thành phố và 11 đơn vị cấp tỉnh để thực hiện các mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn. Các mô hình được hỗ trợ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10 – 15% so với sản xuất đại trà. Qua đó đã phát huy được các nguồn lực và chương trình lồng ghép vốn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa công nghệ mới, cơ giới hóa vào sản xuất. Nhiều địa phương, đơn vị đã lựa chọn được mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; không lựa chọn các mô hình trùng lắp, khắc phục được tình trạng sản xuất theo phong trào, sản xuất ồ ạt, được mùa mất giá...

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số địa phương, đơn vị còn lúng túng trong quá trình lựa chọn các mô hình. Chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung; các mối liên kết trong chuỗi sản xuất còn thiếu chặt chẽ. Vai trò của HTX và tổ hợp tác (THT) trong thúc đẩy liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chưa rõ nét. Một số nơi chậm phê duyệt và phân bổ kinh phí thực hiện các mô hình ảnh hưởng đến tiến độ và tính mùa vụ sản xuất. Việc nhân rộng mô hình chưa được phát huy, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước chưa đạt như mong muốn. Trong tổ chức, triển khai thực hiện, việc rà soát, lựa chọn các mô hình cũng như các hộ tham gia thực hiện mô hình có nơi chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế, việc lồng ghép các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn chưa mang lại hiệu quả, nhất là một số huyện miền núi. Việc tổng kết đánh giá mô hình chưa được quan tâm đúng mức, nên khi hết hỗ trợ của Nhà nước thì mô hình không còn duy trì và nhân rộng hoặc chỉ mới nhân rộng cục bộ ở một địa bàn nhất định.

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM là nhằm góp phần thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo, tiêu chí số 12 về lao động có việc làm, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM; nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX thông qua tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các HTX, THT; tập trung phát triển sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, các sản phẩm có lợi thế so sánh, phát triển các sản phẩm mới có tiềm năng, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Vì vậy, năm 2018, các địa phương, đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch và phát triển nông nghiệp bền vững đến các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Thường xuyên phổ biến các mô hình sản xuất điển hình, tổ chức cho người dân tham quan học tập mô hình sản xuất hiệu quả. Gắn kết hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM với chương trình mỗi xã một sản phẩm để tập trung nguồn lực, tăng hiệu quả các mô hình, đồng thời gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư. Tăng cường phát huy nội lực tại địa phương thực hiện hiệu quả và bền vững các mô hình phát triển sản xuất và phục vụ cho XDNTM. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết đưa ra các giải pháp kịp thời để nâng cao hiệu quả thực hiện các mô hình.


Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]